Xúc tiến mở đường bay Đà Nẵng - Nhật Bản

(Dân trí) - Đường bay trực tiếp Đà Nẵng - Nhật Bản là cơ hội lớn nhằm xúc tiến du lịch, thương mại, đầu tư… giữa TP Đà Nẵng với các TP của Nhật Bản nói riêng và giữa hai nước nói chung.

Xúc tiến mở đường bay Đà Nẵng - Nhật Bản - 1
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Trần Văn Minh và Tổng Giám đốc
VNA Phạm Ngọc Minh ký kết biên bản ghi nhớ mở đường bay.

Sáng 8/5, UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Bộ VHTT-DL, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, các ngành liên quan cùng các công ty kinh doanh khách sạn lữ hành của Việt Nam và Nhật Bản đã tổ chức hội thảo “Xúc tiến đường bay trực tiếp Đà Nẵng - Nhật Bản”.

Phát biểu tại hội thảo ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhấn mạnh: Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, mỗi quốc gia mỗi địa phương đều nỗ lực tìm kiếm cho mình những biện pháp hữu hiệu nhất để duy trì và phát triển kinh tế.

Việc xúc tiến mở đường bay trực tiếp Đà Nẵng - Nhật Bản không nằm ngoài mục đích đó nhằm kích cầu kinh tế của thành phố, tăng lượng du khách đến Đà Nẵng cũng như mở ra cơ hội để xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa đầu tư Nhật Bản vào Đà Nẵng và miền Trung.

Hiện nay, giữa Việt Nam và Nhật Bản đang tích cực tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực thương mại, du lịch, văn hóa… Trong đó, mối quan hệ hợp tác giữa TP Đà Nẵng với các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản cũng không ngừng phát triển.

Mặc khác, Đà Nẵng và nhiều chính quyền địa phương của Nhật Bản đã có quan hệ mật thiết với nhau. Hiện Đà Nẵng thu hút 32 dự án của Nhật Bản với tổng số vốn đầu tư lên tới trên 200 triệu USD và nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện của các tập đoàn lớn của Nhật đã có mặt tại Đà Nẵng. Năm 2008, kim ngạch XNK hai chiều giữa Đà Nẵng - Nhật đạt 212 triệu USD, tăng 156% so với năm 2007.

Về du lịch, TP Đà Nẵng có lợi thế rất lớn là nằm giữa tam giác di sản văn hóa thế giới: Cố đô Huế, phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn đồng thời Đà Nẵng đang sở hữu những thắng cảnh riêng của mình như Ngũ Hành Sơn, Bà Nà… cùng những bãi tắm tuyệt vời.

Ngoài ra, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du khách cũng tương đối tốt, các dịch vụ du lịch phát triển đa dạng, chất lượng. Đây là những yếu tố có thể đáp ứng nhu cầu của du khách nói chung và khách Nhật nói riêng (thống kê lượng du khách Nhật Bản ra nước ngoài hàng năm khoảng 16 - 17 triệu người).

Bên cạnh đó, hiện nay Đà Nẵng đang có 42 dự án du lịch lớn, trong đó có nhiều khu nghỉ mát sang trọng như Furama, Olalani…cùng các dịch vụ vui chơi như casino, golt, spa… Cùng với Hội An và Huế, Đà Nẵng đang trở thành điểm đến quan trọng và hấp dẫn với du khách Nhật.

Với những yếu tố trên cho thấy việc mở đường bay Đà Nẵng - Nhật Bản đã hội đủ điều kiện và đường bay này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc khai thác các sản phẩm du lịch của Đà Nẵng và miền Trung, đồng thời góp phần vào thúc đẩy xúc tiến đầu tư khu kinh tế Chân Mây (Thừa Thiên Huế), khu công nghiệp công nghệ cao (Đà Nẵng), khu kinh tế Chu Lai (Quảng Nam), khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) và tuyến hành lang kinh tế Đông Tây.

Nhưng hiện nay kinh tế thế giới đang trong giai đoạn “đi xuống” thì việc mở đường bay này có hiệu quả? Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc VNA cho biết, mặc dù kinh tế gặp khó khăn nhưng cuối năm nay hoặc đầu năm sau kinh tế sẽ phục hồi và việc mở đường bay sẽ thuận lợi.

Dự kiến đến tháng 7/2010, VNA sẽ đưa vào khai thác tuyến bay này. Phương án khai thác đường bay từ Osaka đi Đà Nẵng được VNA đề xuất có tính khả thi nhất vì đây là thị trường lớn thứ 2 từ Nhật Bản đến Việt Nam với 32% lượng khách, đồng thời đây là điểm trung chuyển chính của nhiều tuyến bay nội địa Nhật, mức chi phí chỉ 76.555 USD/chuyến (chưa bằng 50% chi phí cho tuyến Tokyo - Đà Nẵng).

Các đại biểu dự hội thảo cũng như các hãng kinh doanh khách sạn, lữ hành của Nhật và Việt Nam đều hy vọng đây sẽ là hướng đi mới trong kinh doanh du lịch trong bối cảnh kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn.

Công Bính