Xử lý nghiêm thẩm phán tiêu cực, xử oan sai

(Dân trí) - Báo cáo của Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình tại phiên trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 22/3, khẳng định, án sai, hủy do lỗi của thẩm phán, gây bất bình trong dư luận sẽ được làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm khắc.

Các nhóm vấn đề được dành cho Chánh án là giải pháp khắc phục hạn chế về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác, tinh thần trách nhiệm của một bộ phận thẩm phán, hội thẩm nhân dân ở tòa án các địa phương làm ảnh hưởng đến chất lượng công tác xét xử.

Công tác chỉ đạo, hướng dẫn xét xử của TAND tối cao đối với TAND các cấp, biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế tiêu cực trong công tác xét xử cũng là nội dung chất vấn tại phiên này.
Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình trả lời chất vấn

Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình trả lời chất vấn

Báo cáo về các nhóm vấn đề này, Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định, thời gian qua, công tác thanh tra, kiểm tra và giám đốc việc xét xử của tòa tối cao với tòa cấp dưới luôn được duy trì thường xuyên và nghiêm túc trong toàn ngành. Hàng năm, TAND tối cao đều tổ chức các đoàn công tác tiến hành kiểm tra công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án tại các tòa án địa phương, tập trung vào những đơn vị có nhiều hạn chế, thiếu sót trong công tác xét xử.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, ngành Tòa án nhân dân còn duy trì chế độ tự kiểm tra và báo cáo định kỳ đối với các đơn vị trong toàn ngành về các nội dung như: việc để các vụ án quá hạn luật định, án tuyên không rõ ràng, phạt tù nhưng cho bị cáo hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật...

Người đứng đầu ngành tòa án cũng trình bày các giải pháp nhằm hạn chế tiêu cực trong công tác xét xử, kịp thời phát hiện và khắc phục ngay đối với những sai sót trong quá trình giải quyết các loại vụ án.

Đối với những bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán, hội đồng xét xử gây thiệt hại nghiêm trọng tới lợi ích của nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, gây bất bình trong dư luận thì phải tổ chức ngay việc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm để có biện pháp xử lý nghiêm khắc, báo cáo nêu rõ.

Riêng đối với các vụ án về tham nhũng mà có bị cáo được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ, tòa án đã xét xử phải gửi bản án về TAND tối cao để giám đốc kiểm tra nhằm đảm bảo giám sát chặt chẽ công tác xét xử đối với loại tội phạm này, Chánh án nhấn mạnh.

Tòa tối cao cũng chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, nhất là đối với Thẩm phán; thường xuyên tiến hành việc kiểm điểm trách nhiệm đối với Thẩm phán về các sai sót trong hoạt động xét xử.

Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh tiếp tục thực hiện chủ trương tạm dừng tái bổ nhiệm các thẩm phán có tỷ lệ án bị hủy, sửa cao (hơn 1,16% trên tổng số vụ án đã xét xử). Trong thời gian tạm dừng việc tái bổ nhiệm thì áp dụng biện pháp cho đào tạo, bồi dưỡng lại hoặc đối với những thẩm phán có tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy do lỗi chủ quan trên 3% (trong một năm hoặc trong quá trình nhiệm kỳ tính đến thời điểm phát hiện) hay có bản án có sai lầm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng lớn tới quyền lợi của đương sự phải bị tạm đình chỉ xét xử để kiểm điểm trách nhiệm, chuyển công tác khác.
 

Kết quả xử án tham nhũng cũng là vấn đề gây quan ngại tại nhiều báo cáo thẩm tra về công tác phòng chống tham nhũng của Ủy ban Tư pháp Quốc hội.

Cuối năm 2012, từ kết quả khảo sát tại nhiều địa phương, UB Tư pháp nhận xét, nhiều vụ án tham nhũng được xét xử dưới khung hình phạt, cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, phạt tiền, phạt cảnh cáo chiếm tỉ lệ cao. Có nơi áp dụng điều 47 của Bộ luật Hình sự để xử dưới khung hình phạt chiếm tới trên 80% và cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ chiếm trên 50%.

Thực trạng xử lý không đúng pháp luật đối với một số vụ án có biểu hiện tham nhũng hiện nay, theo UB Tư pháp, đã gây bất bình, bức xúc, chưa tạo được lòng tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

P.Thảo