Xử lý “con đường đau khổ”: Thuê máy bơm siêu khủng hay chi 500 tỷ sửa chữa?

(Dân trí) - Nguyễn Hữu Cảnh được xem là “con đường đau khổ” nhất Sài Gòn khi lún, ngập suốt mười mấy năm qua. Trong lúc Trung tâm chống ngập TP đã ký hợp đồng thuê máy bơm “siêu khủng” chống ngập trong 7 năm thì UBND TP đồng ý với đề xuất chi gần 500 tỷ đồng sửa chữa tuyến đường này.

Vừa bơm nước, vừa nâng đường

UBND TPHCM vừa chấp thuận đề xuất của Sở Giao thông vận tải TP về kế hoạch triển khai thực hiện dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Xử lý “con đường đau khổ”: Thuê máy bơm siêu khủng hay chi 500 tỷ sửa chữa? - 1
Đường Nguyễn Hữu Cảnh đang được chống ngập bằng máy bơm "siêu khủng"

Theo đề xuất, tổng mức đầu tư dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh gần 473 tỷ đồng do Khu quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư. Số tiền trên dùng để nâng cấp, sửa chữa, cải tạo hư hỏng nền, mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện hữu. 

Toàn tuyến dài 3,2km sẽ được cải tạo, xây dựng, bổ sung hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, thảm cỏ, công trình hạ tầng kỹ thuật, sửa chữa hư hỏng một số hạng mục công trình khác dọc tuyến.

UBND TPHCM yêu cầu tổ chức thi công đảm bảo việc kết nối và hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến việc lưu thông của các phương tiện, người dân ở khu dân cư hai bên tuyến đường. Công trình được thi công trong khoảng 14 tháng (dự kiến từ tháng 6/2019 đến tháng 8/2020).

UBND TP chỉ đạo Sở Giao thông vận tải TP phối hợp chủ đầu tư, Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tổ chức đấu thầu công khai thực hiện dự án, đảm bảo tiến độ, đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, cần nghiên cứu tiếp thu các ý kiến phản biện của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP về phương án thoát nước của dự án, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Sở GTVT TP được giao tham mưu, đề xuất Thường trực UBND TP về giải pháp chống ngập hiệu quả cho tuyến đường trong quá trình thực hiện và sau khi hoàn thành dự án.

Xử lý “con đường đau khổ”: Thuê máy bơm siêu khủng hay chi 500 tỷ sửa chữa? - 2

Theo kế hoạch, đường Nguyễn Hữu Cảnh đoạn từ Tôn Đức Thắng đến hết cầu Thủ Thiêm (quận 1 và quận Bình Thạnh) sẽ được sửa chữa, nâng cấp trước

Điều đáng nói là Sở GTVT đề xuất và được chấp thuận phương án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh mà trước khi đó, Trung tâm chống ngập TP đã ký hợp đồng chính thức thuê máy bơm “siêu khủng” chống ngập cho tuyến đường này từ giữa tháng 4/2018. Hợp đồng thuê dịch vụ bơm kéo dài 7 năm.

Trong lúc vẫn bế tắc chốt giá thuê máy bơm “siêu khủng” chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), cuối năm 2018, UBND TPHCM thống nhất tạm tính giá thuê là gần 10 tỷ đồng để tạm ứng, thanh toán cho chủ đầu tư máy bơm.

Câu hỏi được đặt ra là nếu TPHCM chi hàng trăm tỷ đồng triển khai sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh thì hợp đồng thuê dịch vụ bơm chống ngập cho con đường này được giải quyết như thế nào? Hay TP lãng phí tiền tỷ để thuê máy bơm để đó "chơi" trong 7 năm?

Hành trình của “con đường đau khổ” nhất Sài Gòn

Thi công từ năm 1997 và khi đưa vào khai thác năm 2002, đường Nguyễn Hữu Cảnh được kỳ vọng giải quyết bài toán giao thông cho thành phố và góp phần chỉnh trang đô thị nhưng thực tế khiến người dân thất vọng. Con đường này bị lún, ngập nước trong suốt 16 năm qua.

Xử lý “con đường đau khổ”: Thuê máy bơm siêu khủng hay chi 500 tỷ sửa chữa? - 3
TPHCM ký hợp đồng thuê máy bơm "siêu khủng" 7 năm để chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh

Tuyến đường dài khoảng 3,7km, tổng vốn đầu tư là gần 420 tỷ đồng. Đây là tuyến đường huyết mạch, kết nối cửa ngõ phía Đông với khu vực trung tâm thành phố.

Sau khi được đưa vào khai thác, tuyến đường này bị lún và ngập nặng, trong đó hư hỏng nặng nhất là hạng mục cầu Văn Thánh 2.

Để đảm bảo an toàn giao thông, tháng 10/2007, UBND TP phải chi hơn 141 tỷ đồng để sửa chữa cây cầu Văn Thánh 2.

Không những vậy, trong quá trình thi công dự án hầm chui, đường Nguyễn Hữu Cảnh còn gây ra lún, nứt hàng loạt nhà dân ven đường, ngân sách nhà nước phải bồi thường cho 57 hộ dân bị nứt nhà khoảng 4 tỷ đồng.

Còn phần đường thì ngay sau khi đưa vào sử dụng đã nhanh chóng lọt vào danh sách các điểm ngập nặng trên địa bàn thành phố. Nguyên nhân ngập được xác định là do đường bị lún.

Theo kết quả đo đạc của Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng và Cục Giám định, năm 2004, độ lún lớn nhất của đường Nguyễn Hữu Cảnh là gần 60cm. Sang năm 2005, đường lún từ 70-80cm. Kết quả kiểm tra cho thấy có đoạn còn lún hơn 1m.

Để giải quyết ngập lụt trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, hầu như năm nào thành phố cũng phải chi tiền bù lún. Riêng cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh, sau hơn 13 năm đưa vào hoạt động đã xuống cấp, hư hỏng trầm trọng. Từ chỗ được khai thác với tải trọng 30 tấn chỉ còn xe từ 1,5 tấn trở xuống mới được phép qua cầu. Sau đó, TPHCM phải bỏ ra gần 13 tỷ đồng để sửa chữa.

Về giá thuê, chủ đầu tư máy bơm “siêu khủng” chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh đề xuất giá cho thuê hơn 24,4 tỷ đồng/năm. Nếu mức giá này được chấp thuận thì tổng chi phí thuê máy bơm trong 7 năm lên tới 171 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo Trung tâm tư vấn và phát triển thuộc Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật TP, mức giá thuê trên chỉ gần 16 tỷ đồng/năm, kèm theo đó là một số giải pháp như tạm ứng trước 50% kinh phí hoặc hỗ trợ lãi vay 0%.

Theo đề xuất của Trung tâm chống ngập với UBND TPHCM thì giá thuê máy bơm chống ngập mỗi năm là gần 9,9 tỷ đồng.

Giữa tháng 8, Công ty Quang Trung đề nghị thành phố tạm ứng 30 tỷ đồng để trang trải các khoản kinh phí. Không được đáp ứng, đầu tháng 9 công ty cho ngừng vận hành máy bơm. Đến đầu tháng 10, chủ đầu tư đồng ý vận hành trở lại sau khi cam kết ứng tiền thuê trong 1 năm.

Quốc Anh