Xây Văn Miếu Vĩnh Phúc: "Đâu cứ phải “hoành tráng” mới bền vững!

(Dân trí) - GS.TS Ngô Đức Thịnh cho rằng, trong bối cảnh đất nước còn khó khăn, việc bỏ ra một số tiền lớn kể cả khi không dùng tiền ngân sách, để đầu tư, xây dựng Văn Miếu là một hành động lãng phí!



Được khởi công xây dựng từ năm 2012, đến nay dự án xây dựng Văn Miếu thờ Khổng Tử tại phường Liên Bảo, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc đã gần hoàn thiện. Tuy nhiên, công trình đồ sộ có diện tích trên 42.000m 2 với tổng vốn đầu tư lên tới 271 tỉ đồng đã trở thành tâm điểm của nhiều ý kiến tranh luận.

GS.TS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam cho rằng, việc xây dựng Văn Miếu – thờ Khổng Tử là một việc làm ý nghĩa, một mặt thể hiện sự thành kính với tiền nhân, mặt khác tiếp nối và phát huy truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Văn Miếu được xem như một “thiết chế” văn hóa truyền thống làng xã của người Việt kể cả đô thị cũng như nông thôn. 

"Văn Miếu cũng giống như cổng làng, đình, giếng… là những công trình văn hóa gần gũi, thân thuộc. Văn Miếu thờ tất cả các vị có công trong hệ thống Nho học kể cả của Việt Nam và Trung Quốc. Khổng Tử là người đứng đầu Nho học, người được vinh danh là người thầy của muôn đời nên không chỉ Việt Nam mà nhiều nước khác trong khu vực cũng có miếu thờ Khổng Tử", GS.TS Thịnh nói.

Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến hoàn thành trong năm 2016 (Ảnh: Thế Kha)
Văn Miếu tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến hoàn thành trong năm 2016 (Ảnh: Thế Kha)

Trước kia, ở các làng khoa bảng ở nước ta đều xây miếu thờ Khổng Tử hay còn gọi là Văn Miếu nhằm khuyến khích sự học ở địa phương. Tuy nhiên, về sau hệ thống Văn Miếu này đều bị tàn phá, chỉ duy nhất Hà Nội là nơi còn giữ được công trình kiến trúc gần như nguyên bản của Văn Miếu. Việc xây dựng, lập lại Văn Miếu là việc nên làm nhưng theo GS.TS Ngô Đức Thịnh, việc xây ở đâu, xây như thế nào lại là việc cần phải xem xét.

“Việt Nam chúng ta từ trước đến nay hay có một căn bệnh là luôn thích sự “hoành tráng”, ví dụ như chúng ta xây dựng các công trình to nhất, lớn nhất Đông Nam Á nhưng thực tế khi đi vào sử dụng thì lại chưa xứng tầm hoặc chưa thể hiện được ý nghĩa văn hóa, kiến trúc của công trình đó. Nhiều ngôi chùa được xây dựng với quy mô và kinh phí khổng lồ nhưng lại giống như những khối sắt, đá vô tri mà không có hồn cốt văn hóa, không thể hiện được bản sắc của làng quê, địa phương… Làm sao công trình đó vừa phải đẹp, giản dị, mà vẫn phải gắn với những giá trị văn hóa”. 

GS.TS Ngô Đức Thịnh cho rằng, kiến trúc đình, chùa Việt Nam từ xưa vốn rất trọng giản dị, ẩn trong các nét mộc mạc ấy là một sự gần gũi, ấm áp thân thuộc. "Ví dụ như chùa Một Cột, đâu có hoành tráng, to lớn nhưng vẫn là một biểu tượng của văn hóa, kiến trúc Việt Nam. Kinh phí khủng, sự đầu tư lớn không phải là thước đo giá trị bền vững của một công trình.

Ngoài ra, nét văn hóa thờ Khổng Tử ở Việt Nam và Trung Quốc cũng có nhiều khác biệt. Nếu như ở Trung Quốc người ta thờ cả Khổng Tử và các học trò của ông thì ở Việt Nam người ta chỉ lựa chọn một vài vị tiêu biểu. Thay vào đó, chúng ta thờ những vị quan có công lớn trong nền nho học Việt Nam như Chu Văn An, Lê Thánh Tông... Ngay cả nền nho học của Việt Nam cũng khác so với Trung Quốc.

Theo ông Ngô Đức Thịnh, Nho học Việt Nam gắn với việc tôn vinh chữ “Nhân” và “chủ nghĩa yêu nước”. Trung Quốc thì không. Vì thế, sẽ rất nguy hiểm nếu như chúng ta đem tôn thờ cả những nhà nho học của Trung Quốc đã từng giúp nước này đem quân đi xâm lược các nước láng giềng. Nếu không am hiểu văn hóa, không hiểu lịch sử thì những công trình dù xây dựng với mục đích văn hóa nhưng sớm hay muộn cũng sẽ dần bị lãng quên.

“Cần gì phải chạy đua, xây dựng những công trình thật to, hoành tráng trong khi tín ngưỡng Phật giáo, cội nguồn văn hóa Việt Nam chúng ta không phải như vậy. Bây giờ, có nhiều công trình tín ngưỡng đã bị "biến dạng", bị trở nên đồ sộ, phô trương và không đúng với văn hóa, tín ngưỡng Việt Nam. Tôi hi vọng, Vĩnh Phúc nói riêng và ở nhiều địa phương khác nói chung, nếu có lập Văn Miếu thờ Khổng Tử thì cũng nên nương theo truyền thống của cha ông ta, tiết kiệm kinh phí để tránh gây phản cảm cho dư luận!”. GS.TS Ngô Đức Thịnh khẳng định. 


Hà Trang