Xây tòa nhà Quốc hội như một công trình vĩnh cửu

(Dân trí) - Tòa nhà Quốc hội sẽ có vị trí trang trọng trong khu Trung tâm chính trị Ba Đình với không gian kiến trúc hoành tráng. Phương án kiến trúc Nhà Quốc hội phải gắn liền với việc bảo tồn di tích Hoàng thành và cần được tính toán xây dựng như một công trình vĩnh cửu, tiêu biểu cho thời kỳ phát triển mới của đất nước…

Ông Hồ Đức Việt, Chủ nhiệm UBKHCN&MT nhấn mạnh như vậy trong bản Báo cáo thẩm tra phương án xây dựng Nhà Quốc hội.

 

Xây tại lô D là phù hợp nhất

 

Báo cáo của ông Hồ Đức Việt cho biết, Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (UBKHCN&MT) nhất trí với đề xuất của Chính phủ chọn địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội tại lô D khu Trung tâm chính trị Ba Đình. So với các phương án địa điểm khác được đưa ra thì đây là địa điểm phù hợp nhất với các tiêu chí, yêu cầu đối với công trình Nhà Quốc hội.

 

Theo đó, xây dựng tại lô D, Tòa nhà Quốc hội sẽ có vị trí trang trọng trong khu Trung tâm chính trị Ba Đình. Lô đất này được giới hạn bởi các đường Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Bắc Sơn, Hoàng Diệu có diện tích khoảng 5,7 ha đủ để xây dựng Tòa nhà Quốc hội với không gian kiến trúc hoành tráng.

 

Mặt khác, việc chọn địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội tại đây cũng có nhiều thuận lợi như trong Báo cáo của Chính phủ đã nêu là: “Cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc cảnh quan xung quanh đã được hoàn thiện; các công trình xây dựng trong khu đất đã cơ bản được di dời, đã tiến hành khảo cổ và bước đầu đánh giá được giá trị các di tích nên có thể chủ động hơn các địa điểm khác về việc bố trí Nhà Quốc hội trong khu đất và thời gian triển khai xây dựng”.

 

Phương án này cũng nhận được sự đồng thuận cao trong dư luận xã hội.

 

Có thể giữ lại các di tích tại chỗ

 

Xây tòa nhà Quốc hội như một công trình vĩnh cửu - 1

 Bản vẽ Nhà Quốc hội mới.

 

Theo ông Hồ Đức Việt, UBKHCN&MT cũng thống nhất với đề xuất của Chính phủ: Xây dựng Tòa nhà Quốc hội trên khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay và có mở rộng (khu C và D theo bản đồ khai quật khảo cổ học), đồng thời chuyển đổi chức năng sử dụng của tòa nhà trụ sở Bộ Ngoại giao thành nơi làm việc của các cơ quan của Quốc hội.

 

UBKHCN&MT cũng thống nhất với đề xuất quy hoạch xây dựng Tòa nhà Quốc hội và khu di tích 18 Hoàng Diệu kết hợp hài hòa với các công trình trong khu vực thành một quần thể các công trình văn hóa, thể hiện được bề dày lịch sử…

 

Phương án kiến trúc của Tòa nhà Quốc hội phải gắn liền với phương án bảo tồn di tích Hoàng thành tại các khu A và B, đồng thời phải kết hợp hài hoà với không gian, cảnh quan kiến trúc của khu vực. Toà nhà Quốc hội cần được tính toán xây dựng như một công trình vĩnh cửu với tuổi thọ hàng trăm năm.

 

Về mặt kiến trúc, Tòa nhà Quốc hội phải là công trình tiêu biểu cho thời kỳ phát triển mới của đất nước, là biểu tượng cho sự tập trung ý chí và nguyện vọng của toàn dân, đồng thời cũng là biểu tượng của một nước Việt Nam hùng mạnh, yêu tự do, yêu hòa bình... Đề nghị cần đặt những yếu tố trên thành những tiêu chí hàng đầu khi lựa chọn phương án quy hoạch, kiến trúc Tòa nhà Quốc hội.

 

Về các di tích Hoàng thành Thăng Long có khả năng xuất lộ trong khu C và D, UBKHCN&MT thống nhất với phương án như Báo cáo của Chính phủ là sẽ nghiên cứu đưa vào bảo tàng các di tích này, không để ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng Tòa nhà Quốc hội. Tuy nhiên, tùy từng vị trí của di tích và phương án thiết kế xây dựng Tòa nhà Quốc hội được lựa chọn sau này, có thể lựa chọn để giữ lại các di tích tại chỗ trong điều kiện cho phép nếu không ảnh hưởng đến công năng và cảnh quan của Tòa nhà.

 

UBKHCN & MT đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết về phương án quy hoạch, xây dựng Tòa nhà Quốc hội với các nội dung sau:

 

1. Thống nhất phương án quy hoạch, xây dựng Toà nhà Quốc hội tại lô D khu Trung tâm chính trị Ba Đình như Chính phủ đã trình Quốc hội.

 

2. Giao Chính phủ: Khẩn trương chỉ đạo tổ chức thi tuyển quốc tế phương án kiến trúc; Triển khai xây dựng Tòa nhà Quốc hội theo phương châm đảm bảo tối đa chất lượng công trình, an toàn, thuận tiện cho hoạt động của Quốc hội và cần được triển khai đồng bộ với việc bảo tồn di tích lịch sử.

 

Đồng thời với việc triển khai thực hiện xây dựng Tòa nhà Quốc hội cần xác định quy hoạch tổng thể, triển khai quy hoạch chi tiết khu Trung tâm chính trị Ba Đình thành một quần thể các công trình kiến trúc, văn hóa, lịch sử thống nhất…; Báo cáo Quốc hội tình hình xây dựng Toà nhà Quốc hội tại các kỳ họp.

 

Mạnh Cường