1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Xây dựng Luật cảnh vệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước

(Dân trí) - Theo dự thảo Luật Cảnh vệ, cảnh vệ là công tác bảo vệ đặc biệt do Nhà nước tổ chức thực hiện để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các đối tượng cảnh vệ. Lực lượng cảnh vệ phải tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước.

Một trong những nhiệm vụ của lựa lượng cảnh vệ (Ảnh tư liệu: Gia đình và Xã hội)
Một trong những nhiệm vụ của lựa lượng cảnh vệ (Ảnh tư liệu: Gia đình và Xã hội)

Bộ Công an vừa đưa ra dự thảo Luật Cảnh vệ để lấy ý kiến đóng góp của người dân và các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, cảnh vệ là công tác bảo vệ đặc biệt do Nhà nước tổ chức thực hiện để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các đối tượng cảnh vệ.

Theo dự thảo luật, đối tượng cảnh vệ là những người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng và Nhà nước, bao gồm: Tổng Bí thư; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ; nguyên Tổng Bí thư; nguyên Chủ tịch nước; nguyên Chủ tịch Quốc hội; nguyên Thủ tướng Chính phủ; Uỷ viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao.

Đối tượng cảnh vệ còn là khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam, những khu vực trọng yếu như: Khu vực làm việc của Trung ương Đảng; khu vực làm việc của Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ; Cụm di tích lịch sử văn hóa Ba Đình. Giới hạn khu vực trọng yếu sẽ do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

Ngoài ra, theo dự thảo Luật Cảnh vệ, đối tượng cảnh vệ còn gồm các sự kiện đặc biệt quan trọng như: Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; Hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng; kỳ họp của Quốc hội; phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; Hội nghị trong nước, quốc tế; các lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức; Đại hội đại biểu toàn quốc do các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương tổ chức; diễu binh, duyệt binh cấp quốc gia; diễn tập tác chiến, chiến lược, tác chiến phòng thủ quốc gia…

Dự thảo Luật Cảnh vệ cũng đưa ra quy định cụ thể về các biện pháp, chế độ cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cao cấp của Đảng, Nhà nước. Theo đó, đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ áp dụng các biện pháp, chế độ cảnh vệ như: Bảo vệ tiếp cận; bố trí lực lượng cảnh vệ vũ trang tuần tra, canh gác tại nơi ở, nơi làm việc; kiểm tra an ninh, an toàn đồ dùng, vật phẩm, phương tiện đi lại, các tác nhân khác; kiểm nghiệm thức ăn, nước uống trước khi sử dụng; tăng cường lực lượng và phương tiện bảo vệ khi cần thiết; khi sử dụng phương tiện đi lại bằng ô tô được bố trí xe cảnh sát dẫn đường; khi đi công tác trong nước, ngoài nước bằng tàu hỏa được bố trí toa riêng, đi bằng tàu bay được sử dụng chuyên khoang hoặc chuyên cơ; khi đi bằng tàu thủy được sử dụng tàu, thuyền riêng có phương tiện dẫn đường hộ tống bảo vệ; khi đi công tác tại các địa phương trong nước hoặc đi công tác nước ngoài được bố trí lực lượng đi trước để nắm tình hình, khảo sát xây dựng, triển khai phương án bảo vệ…

Đối với Cụm di tích lịch sử văn hóa Ba Đình, khu vực làm việc của Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội và Chính phủ được áp dụng các biện pháp cảnh vệ như: Bố trí lực lượng cảnh vệ vũ trang tuần tra, canh gác; kiểm soát người, đồ vật và phương tiện ra, vào khu vực; kiểm tra an ninh, an toàn trong trường hợp cần thiết và các biện pháp khác theo quy định của pháp luật.

Dự thảo luật quy định công dân Việt Nam có đủ điều kiện về phẩm chất chính trị, đạo đức, học vấn, sức khoẻ và trong độ tuổi quy định, nếu tự nguyện thì có thể được tuyển chọn để đào tạo phục vụ lâu dài trong lực lượng cảnh vệ. Bộ trưởng Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tiêu chuẩn tuyển chọn người vào lực lượng cảnh vệ.

Lực lượng cảnh vệ phải tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước; sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ. Đồng thời, giữ bí mật về công tác cảnh vệ; thực hiện các biện pháp cảnh vệ theo quy định của Luật này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Thế Kha