Xây dựng kế hoạch bảo vệ phụ nữ, trẻ em trong ASEAN

(Dân trí) - “Đội ngũ luật gia Việt Nam đủ sức đảm đương các trọng trách đối với khu vực và thế giới trong quá trình hội nhập”, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh khẳng định bên lề Đại hội lần thứ 10 Hiệp hội luật các nước Đông Nam Á.

Xây dựng kế hoạch bảo vệ phụ nữ, trẻ em trong ASEAN - 1

Ông Phạm Quốc Anh

Năm nay, Việt Nam đăng cai tổ chức liền 2 sự kiện: đại hội lần thứ 10 Hiệp hội Luật các nước Đông Nam Á (ALA) và Đại hội lần thứ 17 Hội luật gia dân chủ quốc tế. Ông đánh giá thế nào về sự kiện này?

Hai sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng. Thứ nhất, nó khẳng định vị thế của Việt Nam trong quá trình hội nhập với các nước trên lĩnh vực luật pháp. Thứ hai, phải nói trong mấy năm qua, đội ngũ luật gia của Việt Nam cũng đã trưởng thành, đủ sức đảm đương các trọng trách này đối với khu vực và thế giới.

Đây là những tổ chức quốc tế rất quan trọng trong quá trình hội nhập. Như vậy, việc này một lần nữa khẳng định Việt Nam đã có đủ năng lực, điều kiện để làm nghĩa vụ quốc tế trong quá trình hội nhập.

Chúng ta sẽ đảm nhiệm vị trí chủ tịch ALA và tham gia Ban lãnh đạo Hội luật gia dân chủ quốc tế. Công tác nhân sự đã được chuẩn bị thế nào thưa ông?

Hội luật gia đã họp và cử những đồng chí có trách nhiệm, có uy tín, có đức và có đủ năng lực để có thể đảm nhiệm ngay vị trí chủ tịch và Tổng thư ký ALA. Và như tôi biết, các cấp lãnh đạo cũng nhất trí với các ý kiến về vị trí này.

Với cương vị chủ tịch ALA, Việt Nam đã có kế hoạch hoạt động gì trong nhiệm kỳ này?

Chúng tôi đã thảo luận sơ bộ với các lãnh đạo của ASEAN để thống nhất một chương trình hành động với những điểm cơ bản như: Đưa tất cả các nước ASEAN cùng tham gia ALA (hiện còn Mianma, Đông Timo chưa tham gia, mục tiêu 2-3 năm tới kết nạp thêm 2 nước bạn); Xây dựng cơ chế giảng dạy pháp luật trong các nước ASEAN, mời các giáo viên ASEAN đến giảng dạy luật của ASEAN tại Việt Nam và ngược lại.

Việt Nam cũng chủ trương tổ chức các cuộc Hội thảo quốc tế để phát huy vai trò của giới luật gia trong việc bảo vệ quyền hợp pháp của công dân, nhất là phụ nữ, trẻ em…

Dư luận vừa qua rất quan tâm đến sự kiện Hội luật gia dân chủ quốc tế tổ chức phiên toà vì công lý, tạo tiếng nói bênh vực, đòi công lý cho các nạn nhân da cam Việt Nam. Khi tham gia trong Ban lãnh đạo Hội này, khả năng đóng góp của Việt Nam cho những sự kiện có ý nghĩa như vậy như thế nào?

Hội luật gia Việt Nam tham gia Hội luật gia dân chủ quốc tế từ khi mới thành lập. Vậy nên các bạn quốc tế rất coi trọng những đóng góp của Việt Nam. Để tham gia Ban lãnh đạo Hội luật gia dân chủ quốc tế, Hội luật gia Việt Nam đã cử TSKH Hoàng Úc làm đại diện. Tôi cho rằng đây là một cơ hội tốt để có thể đóng góp tích cực trong các sự kiện này.

Với vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam, trước hết chúng ta có thể thông tin kịp thời về tình hình tại Việt Nam cho bạn bè quốc tế hiểu. Vì là người tiếp xúc thường xuyên, hiểu cuộc sống của các nạn nhân chất da cam ngay trên đất nước mình nên tiếng nói của Việt Nam sẽ có thực tiễn, sẽ được các tổ chức quốc tế tôn trọng.
 
Xin cảm ơn ông!
 

Đại hội lần thứ 10 Đại hội đồng ALA khai mạc ngày 15/10, với chủ đề “Hiến chương ASEAN - Đưa ASEAN lên những tầm cao mới”. Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá, các nội dung trong chương trình nghị sự của ALA lần này đều là những vấn đề thiết thân và quan trọng đối với mỗi nước thành viên, cũng như cả cộng đồng ASEAN. Chủ tịch nước nêu rõ, Nhà nước hướng tới lợi ích của các nhóm xã hội cần được quan tâm đặc biệt. Chủ trương tăng cường hoạt động tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người nghèo, những người thuộc nhóm xã hội dễ bị tổn thương như trẻ em, phụ nữ, người tàn tật…

 
 
P.Thảo