Cần Thơ:

Xây dựng hàng loạt công trình để chống, chịu với biến đổi khí hậu

(Dân trí) - Ngày 30/8, Viện chuyển đổi môi trường & xã hội (ISET) phối hợp với UBND TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở đô thị vùng ĐBSCL.

ĐBSCL thời gian qua chịu tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài ruộng đồng nứt nẻ
ĐBSCL thời gian qua chịu tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán kéo dài ruộng đồng nứt nẻ

Theo các nhà khoa học, ĐBSCL là một trong những vùng đồng bằng trên thế giới sẽ chịu tác động nặng nề nhất của kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Trong đó, có nguyên nhân do tác động tiêu cực từ các hiện tượng thiên nhiên và tác động của chính bàn tay con người.

Tình trạng xây dựng không theo quy hoạch, công tác quản lý quy hoạch xây dựng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Cần Thơ đang phải đối mặt với những thách thức cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội như: tình trạng ngập lụt và đô thị hóa nhanh không kiểm soát; quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước và khoáng sản chưa thật hiệu quả và bền vững, ô nhiễm môi trường; chịu nhiều tác động từ sự biến đổi khí hậu toàn cầu và nước biển dâng…

Để giải quyết hài hòa mối quan hệ phức tạp giữa phát triển kinh tế xã hội và khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong bối cảnh ứng phó với biến đổi khí hậu là những vấn đề cần quan tâm và trở thành thành ưu tiên quan trọng trong việc lựa chọn các giải pháp phù hợp cho chiến lược phát triển của thành phố, nhằm khai thác thế mạnh, hạn chế những mặt yếu kém, tận dụng tốt cơ hội, vượt qua thách thức để phát triển một cách bền vững.

Quang cảnh hội thảo ngày 30/8 diễn ra tại Cần Thơ
Quang cảnh hội thảo ngày 30/8 diễn ra tại Cần Thơ

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ), cho rằng tác dụng ngược của giải pháp thích ứng và chống chịu với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL lâu nay là việc đầu tư cho bê-tông hóa đô thị ở mỗi tỉnh và việc ngăn lũ thượng nguồn ở cấp vùng.

Ông Trung cho rằng, việc làm bờ bao, đê sông, cống, đập… chỉ làm cho các tỉnh hạ lưu thêm thu hẹp dòng chảy, giảm vùng trữ nước, tăng vận tốc dòng chảy, làm xói lở đáy sông và bờ sông. Còn việc bê-tông hóa đô thị thì làm giảm thấm, tăng chảy tràn, xói ngầm, ngập cục bộ, hư hỏng cơ sở hạ tầng… ảnh hưởng ngày càng nhiều đến dịch vụ, chất lượng cuộc sống người dân đô thị.

Ông Trung cũng cho rằng, đô thị vùng ĐBSCL vẫn đang từng ngày chịu tác động của cả thiên tai và con người. “Gần đây có ý kiến dự báo ĐBSCL sẽ không còn lũ lụt trong vài năm tới. Chưa chắc, vì với biến đổi khí hậu khó lường như hiện nay, mưa lũ đang tăng ở thượng nguồn dẫn tới việc xả lũ các đập thủy điện ở đó thì ĐBSCL sẽ lại bị ngập nặng”, ông Trung nói.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, thời gian qua, TP Cần Thơ đã được Chính Phủ, các tổ chức tài chính quốc tế và các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ, nghiên cứu đầu tư và thực hiện thành công các dự án can thiệp để nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cấp đô thị, xây dựng các công trình chống ngập nước…

Ông Dũng cho biết thêm, giữa năm 2016, TP Cần Thơ đã chính thức được công nhận là thành viên của Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu (Chương trình 100RC). TP Cần Thơ đang bắt đầu một tiến trình mới, xây dựng “khả năng chống chịu” với các nguy cơ đe dọa sự phát triển trong tương lai.

“Rất nhiều hoạt động công trình và phi công trình cần được tiến hành đồng bộ, nhanh chóng và hiệu quả. Cần Thơ sẽ không tách biệt sự phát triển của mình với các địa phương khác trong vùng ĐBSCL. Khả năng chống chịu của thành phố sẽ cũng cố và hỗ trợ khả năng chống chịu của tỉnh bạn và ngược lại, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp của vùng trong thích ứng và phát triển”- Ông Dũng nói.

Phạm Tâm