TPHCM:

Xây dựng hạ tầng để kêu gọi đầu tư vào khu đô thị Thủ Thiêm

(Dân trí) - Ngay khi hầm vượt sông Sài Gòn được thông tuyến, quang cảnh vắng vẻ ngày nào của khu Thủ Thiêm bên bờ phía quận 2 đã trở nên sôi động. TPHCM đang chủ trương xây dựng hạ tầng, kêu gọi đầu tư để biến nơi đây thành khu đô thị hiện đại.

Ngày 8/12, khi ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu hội đồng, các tình huống liên quan đến khu đô thị Thủ Thiêm được những nhà chức trách có liên quan trợ giúp. Đây cũng là một nét mới đáng ghi nhận của kỳ họp HĐND lần này.

Đại biểu Trần Văn Thiện nêu vấn đề: “Chủ trương của thành phố là xây dựng khu đô thị Thủ thiêm thành khu đô thị mới bậc nhất, hiện nay đã triển khai được bao nhiêu? Bao giờ tăng tốc?”. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết đây là công trình lớn của TP, dự án phải di dời, bố trí tái định cư cho 12.500 hộ dân. Dự án cũng đã được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của TP nên cũng có điều chỉnh những chủ trương, chính sách cho phù hợp. Hiện đã đền bù hơn 98%, còn 11ha đất sẽ tiếp tục thực hiện đền bù, có 1.300 hồ sơ tái định cư tại chỗ do chưa có quỹ nhà. TP vẫn đang kêu gọi các dự án đầu tư. Hiện đang kêu gọi đầu tư, quy hoạch 3 dự án: khu trung tâm tài chính ngân hàng, khu dân cư hạ tầng số 3, khu phần mềm. Trong tháng 7/2012 sẽ tiến hành xây dựng 3 tuyến đường chính tại khu vực này để kêu gọi đầu tư.
 
Xây dựng hạ tầng để kêu gọi đầu tư vào khu đô thị Thủ Thiêm - 1
PCT UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cho biết trong năm 2012 sẽ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng để thu hút đầu tư vào Thủ Thiêm

Ông Tuấn cũng cho biết, hiện quỹ đất còn lại của Thủ Thiêm không nhiều, chỉ còn 60 hecta để khai thác, nên phải kêu gọi nhà đầu tư chất lượng, có đẳng cấp quốc tế. Từ nay đến năm 2015 sẽ kêu gọi toàn bộ các dự án trong khu Thủ Thiêm.

Tiếp lời ông Tuấn, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cho biết từ năm 2002-2003, thành phố đã tập trung nghiên cứu, thuê tư vấn nước ngoài để quy hoạch lại khu đô thị mới Thủ Thiêm và nay về mặt quy hoạch đang đứng đầu Việt Nam. Nhiều nhiệm kỳ qua, các cấp chính quyền thành phố đã tập trung quyết liệt đầu tư xây dựng khu Thủ Thiêm này.

Từ năm 2008 trở đi, tình hình kinh tế suy thoái, lạm phát ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nên các dự án này chậm thực hiện và thành phố cũng đã thu hồi quyết định. Hiện đã đền bù 96% cho các hộ dân. Chính quyền cũng tập trung chăm lo cho đời sống, chỗ ăn, chỗ ở mới cho bà con. Hiện đang xây hàng chục ngàn căn tái định cư để bố trí cho bà con 5 phường ở Thủ Thiêm.

Trong năm 2012, thành phố sẽ tập trung xây dựng hạ tầng khu vực này để thuận tiện cho việc kêu gọi đầu tư. Hiện đã có một số nhà đầu tư xin tham gia nhưng UBND TP vẫn còn đang chọn lựa các nhà đầu tư có tiếng trên thế giới, đồng thời cũng chuẩn bị một số chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư để từ đó mời gọi các nhà đầu tư khác cùng tham gia thực hiện.  
Xây dựng hạ tầng để kêu gọi đầu tư vào khu đô thị Thủ Thiêm - 2
Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt đăng đàn trả lời chất vấn nhưng cách trả lời chưa thỏa mãn được đại biểu

Cũng trong buổi chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến các dự án quan trọng có tính đột phá của thành phố nhưng mãi vẫn “im hơi lặng tiếng”.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú băn khoăn: “Thành phố đang thiếu trầm trọng bãi đậu xe. Dự án bãi xe ngầm trong công viên Lê Văn Tám đã động thổ hơn năm rồi mà sao đến nay im ru. Không biết dự án này thực hiện tới đâu rồi?”. Ông Đào Anh Kiệt cho biết, trong thiết kế dự án bãi đỗ xe ngầm có một phần bị ảnh hưởng bởi lộ giới đường Hai Bà Trưng và dự án đường sắt đô thị qua đường Điện Biện Phủ. Vì vậy phải chờ hỏi ý kiến của Bộ, ngành trung ương.

Đại biểu Phạm Văn Bá quan tâm đến dự án sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất bị người dân phản ứng và không đồng tình với cách trả lời “chưa ổn” của Sở Quy hoạch Kiến trúc TP. Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM cung cấp thêm, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Quốc phòng đã trả lời rằng quy hoạch thực hiện dự án sân golf trong sân bay vẫn đảm bảo hoạt động của sân bay, theo dự án hiện hành sẽ giảm độ cao các dự án nhà cao tầng.

Nhiều đại biểu cũng bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường, tiến độ di dời các nhà máy, xí nghiệp ra ngoại thành TP. Ông Đào Anh Kiệt cho biết, đến nay TP đã có 1.261/hơn 1.400 cơ sở di dời ra khỏi khu dân cư, đạt tỷ lệ 90%. Hiện chỉ còn nhà máy đóng tàu Ba Son và nhà máy xi măng Hà Tiên không thể di dời do hai đơn vị này vướng đến vấn đề quốc phòng và quy hoạch phát triển kinh tế của thành phố. Đây cũng là nguyên nhân vị giám đốc này đưa ra  nhằm giải thích lý do đặt chỉ tiêu tỷ lệ 95% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sẽ được xử lý trong năm 2012 chứ không phải là 100%.

Gây ô nhiễm, Công ty Thái Tuấn trả lời vòng vo

Đại biểu Phạm Văn Bá (quận Tân Bình) đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết công ty Thái Tuấn, đơn vị gây ô nhiễm môi trường ra kênh Tham Lương, đến bao giờ thì khắc phục xong? Liên quan đến câu hỏi này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm đã yêu cầu ông Thái Tuấn Chí, Tổng giám đốc Công ty dệt Thái Tuấn, đồng thời là đại biểu HĐND TP, trả lời.
 
Xây dựng hạ tầng để kêu gọi đầu tư vào khu đô thị Thủ Thiêm - 3
Đại biểu Thái Tuấn Chí cố biện minh cho hành vi xả thải của công ty mình
 
Ông Thái Tuấn Chí đưa ra một số lý do khách quan nói doanh nghiệp mình bị thanh tra là "có sự hiểu nhầm vấn đề trong đó". Song sự vòng vo của ông này đã bị Chủ tịch HĐND thành phố nhắc nhở phải đi thẳng vào vấn đề khi nào thì khắc phục? Lúc này ông Chí cho biết, sau khi C49 kiểm tra, Thái Tuấn đã có cuộc họp và bàn biện pháp khắc phục. Hiện công ty đã xây dựng hệ thống hoàn thiện bổ sung; hoàn thiện dây chuyền khắc phục tình trạng gây ô nhiễm môi trường. “Vấn đề gây ô nhiễm môi trường đã làm ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp rất nhiều, là chủ doanh nghiệp tôi xin nhận khuyết điểm”, ông Chí nói.
 

Công Quang