Đà Nẵng:

Xây dựng 5 kịch bản để ứng phó với bão, lũ

(Dân trí) – Nhằm chủ động trong việc ứng phó với bão và lũ, Đà Nẵng tiến hành xây dựng 5 kịch bản tương ứng với các cấp bão và kịch bản lũ có thể xảy ra trên địa bàn.

Chiều ngày 15/7, UBND TP Đà Nẵng, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN và lãnh đạo các Sở, ban ngành, cùng UBND các quận huyện, Bộ Chỉ huy quân sự thành phố tổ chức họp bàn xây dựng phương án phòng chống và khắc phục hậu quả ứng với các kịch bản thiên tai, lụt bão trên địa bàn Đà Nẵng.

Hoạt động nhằm giúp chính quyền và nhân dân chủ động triển khai các hành động, biện pháp cần thiết, hợp lý trước, trong và sau khi bão lũ xảy ra để phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hiệu quả với bão lũ đồng thời hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tải sản, cơ sở hạ tầng, sự hủy hoại đối với môi trường sinh thái.

Ngư dân Đà Nẵng giúp nhau đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão
Ngư dân Đà Nẵng giúp nhau đưa tàu thuyền lên bờ tránh bão

Phó Ban Chỉ huy PCLB&TCKN TP Đà Nẵng - ông Huỳnh Vạn Thắng cho biết, Đà Nẵng là một trong những tỉnh thành thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra. Những năm gần đây, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng tác động mạnh đến địa phương khi mà tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp và thiệt hại ngày càng gia tăng.

Theo thống kê, từ năm 1998 đến năm 2013, thành phố Đà Nẵng chịu tác động trực tiếp 26 cơn bão, 13 áp thấp nhiệt đới; trong đó điển hình là bão Chanchu (2006), bão Xangsane (2006), bão Nari (2013)… Cũng từ năm 1998 đến nay, thiên tai và bão lũ đã làm 219 người chết, 226 người bị thương, 156 tàu thuyền bị chìm, 138.134 nhà cửa bị hư hỏng nặng, cơ sở hạ tầng bị thiệt hại ước tổng thiệt hại gần 10.000 tỷ đồng.

Theo dự báo, tình hình bão lũ sẽ xuất hiện ngày càng khốc liệt, sức tàn phá ngày càng mạnh khiến địa phương phải khẩn trương xây dựng phương án ứng phó.

Trước thực trạng này, Đà Nẵng tiến hành xây dựng 5 kịch bản ứng với từng tình huống gồm kịch bản ứng phó với bão bao gồm: Kịch bản đối với bão từ cấp 8 đến cấp 11 đổ bộ và kịch bản đối với bão rất mạnh, đặc biệt mạnh và siêu bão (gió cấp từ 12 trở lên). Đối với kịch bản ứng phó với lũ, lũ quét, vỡ hồ chứa có 3 phương án: Kịch bản lũ tại Cẩm Lệ đạt trên mức báo động 3; kịch bản về lũ quét và kịch bản về vỡ hồ chứa.

Đối với kịch bản về bão, vùng ảnh hưởng được xác định là toàn bộ vùng biển, hải đảo, đất liền của thành phố, tàu thuyền buộc phải thoát ra khỏi vùng ảnh hưởng của bão. Các công trình có thể sử dụng làm nơi tập kết, sơ tán dân sẽ là những công trình công cộng, công trình nhà ở kiên cố. Đặc biệt đối với kịch bản siêu bão, vùng nước biển dâng và sóng lớn trong bão cần được xác định vùng nước biển dâng, khu vực ngập sâu vào trong đất liền để người dân có thể sơ tán, tránh thiệt hại nặng về tài sản, vật chất.

Đối với kich bản về lũ và vỡ hồ chứa, phương án ứng phó xác định là nguy cơ vỡ hồ chứa đối với 22 hồ chứa trên địa bàn với mức nước ngang đỉnh đập cùng dung tích hồ chứa gấp đôi dung tích bình thường.

Theo ý kiến của các cơ quan chức năng trên địa bàn, kịch bản cần xây dựng biểu mẫu cụ thể, hiện thức hóa các phương án, cách thức phối hợp. Công tác điều tra, lên phương án di dời, tránh trú… cần xác định cụ thể về địa điểm, sơ đồ sơ tán… để người dân biết, thực hiện chuẩn xác. Đặc biệt, cần có đầy đủ các thiết bị, máy móc và bảng hướng dẫn để dân có thể dễ áp dụng, dễ thực hiện.

Ông Phùng Tấn Viết - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho rằng cần xây dựng phương án cụ thể, bão lớn, vỡ đê thì ứng phó thế nào, sóng thần thế nào, dùng phương tiện gì để thông báo, cách thức phối hợp giữa các lực lượng ra sao... Các sở ban ngành, UBND các quận huyện cần có ý kiến để phương án được xây dựng xác thực và có hiệu quả.

“Mục tiêu là chúng ta phải xây dựng được sổ tay phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai và xây dựng cho được phương án ứng phó với thiên tai, bão lũ. Hướng dẫn người dân phòng tránh thiệt hại do bão lụt, thiên tai gây ra. Nhiệm vụ của từng cấp trong việc ứng phó với thiên tai, bão lũ trong thời gian tới”, ông Phùng Tấn Viết nói.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng cho biết, dự kiến phương án sẽ được thực hiện và hoàn thành trước ngày 15/9 và đưa vào áp dụng ngay trong mùa mưa bão năm 2014.

Công Bính