Xác định nguyên nhân cá nuôi lồng bè chết hàng loạt ở Phú Yên

(Dân trí) - Chiều 26/7, qua phân tích mẫu nước Sở NN&PTNN tỉnh Phú Yên kết luận, mật độ nuôi quá dày, vệ sinh khu vực nuôi không đảm bảo là nguyên nhân chính khiến cá nuôi lồng bè của hàng trăm hộ dân xã An Ninh Đông (huyện Tuy An) chết hàng loạt.

Theo thống kê của sở NN&PTNN tỉnh Phú Yên, trên địa bàn xã An Ninh Đông có 130 hộ nuôi cá mú, cá hồng với số lượng khoảng 124.800 con/1.560 lồng nuôi/130 bè.

Số lượng cá chết từ khi xảy ra dịch bệnh đến nay (thời gian khoảng 02 tháng) ước khoảng 24.600 con, trong đó cá mú chết 17.472 con, cá hồng 7.128 con. Kích cỡ cá bệnh từ 0,4 - 1kg/con.

Mật độ nuôi quá dày, vệ sinh khu vực nuôi không đảm bảo là nguyên nhân chính dẫn đến cá chết hàng loạt.
Mật độ nuôi quá dày, vệ sinh khu vực nuôi không đảm bảo là nguyên nhân chính dẫn đến cá chết hàng loạt.

Kết quả quan trắc môi trường định kỳ của Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản từ tháng 4 đến tháng 7/2017 cho thấy, tại một số thời điểm mật độ Vibrio spp tổng số trong nước tại khu vực thôn Phú Lương, xã An Ninh Đông vượt giới hạn cho phép từ 1,37 – 2,42 lần; các chỉ tiêu khác đều nằm trong giới hạn cho phép (riêng hàm lượng oxy hòa tan thấp hơn ngưỡng cho phép).

Từ kết quả phân tích trên, nguyên nhân được xác định gây bùng phát dịch bệnh trên cá nuôi là: Do mật độ lồng, bè nuôi quá dày làm lưu tốc dòng chảy kém, các loại sinh vật bám xung quanh lưới lồng làm cản trở sự lưu thông nước, đồng thời tạo điều kiện cho rận cá phát triển mạnh, chúng bám vào cơ thể cá gây lở loét trên da nên vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bên trong cơ thể cá;

Nguồn nước bị ô nhiễm bởi chất thải sinh hoạt của khu dân cư; thức ăn cho cá là thức ăn tươi nhưng chưa được xử lý sạch trước khi cho ăn. Bên cạnh đó, khi cá nuôi xuất hiện bệnh rải rác, người nuôi không báo cho chính quyền địa phương và ngành chức năng để kiểm tra và hướng dẫn cách phòng, trị bệnh mà tự ý phòng, trị theo kinh nghiệm, nên việc phòng, trị bệnh chưa mang lại hiệu quả cao làm cho cá bệnh ngày càng tăng, chết và lây lan trên diện rộng.

Trong thời gian đến sở NN&PTNN yêu cầu các cơ quan chức năng huyện Tuy An cần giám sát dịch bệnh, cảnh báo sớm tình hình dịch bệnh cho người nuôi biết để thực hiện phòng chống dịch bệnh có hiệu quả; hướng dẫn người nuôi chủ động áp dụng các giải pháp phòng chống dịch bệnh cho cá ngay từ đầu vụ nuôi; Tổ chức tập huấn, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh cho người nuôi trồng thủy sản nói chung và người nuôi cá nói riêng.

Khuyến cáo người dân:

- Giãn thưa lồng, giảm mật độ nuôi trong lồng.

- Vệ sinh lồng sạch sẽ, hạn chế cá bị trầy xước trong quá trình nuôi.

- Hạn chế tác nhân gây bệnh có nguồn gốc từ cá tạp bằng cách khử trùng thức ăn bằng hóa chất sát khuẩn trước khi cho ăn. Sử dụng thức ăn phải còn tươi, không bị ươn, thối.

- Sử dụng vitamin tổng hợp, đặc biệt vitamin C và các khoáng chất trộn vào thức ăn cho ăn nhằm tăng cường sức kháng bệnh cho cá.

- Mức nước vùng nuôi thấp, thời tiết nắng nóng hoặc khi có mưa lớn làm giảm độ mặn sẽ làm sức khỏe cá suy yếu, mầm bệnh dễ dàng tấn công gây bệnh. Người nuôi cần áp dụng các biện pháp che chắn, giảm nóng, di chuyển đến vùng có độ mặn phù hợp khi có mưa lớn.

- Phòng trị các loại ký sinh trùng, ngoại ký sinh nhằm hạn chế quá trình xâm nhập và phát triển của tác nhân gây bệnh Vibrio khi cá bị xay xát do những ký sinh trùng này gây nên.

- Thường xuyên kiểm tra, vệ sinh lồng/ao nuôi nhằm cải thiện và phát hiện sớm cá bị bệnh trong lồng/ao nuôi để có định hướng điều trị kịp thời. Nếu phát hiện cá nhiễm vi khuẩn Vibrio thì dùng những loại thuốc kháng sinh có tác dụng với vi khuẩn Gram âm để điều trị. Việc chọn lựa loại thuốc kháng sinh và liều sử dụng cần có sự tư vấn của cán bộ kỹ thuật. Khi thấy có cá chết cần lập tức vớt khỏi lồng/ao nuôi, xử lý cá chết bằng cách đem chôn trong hố có rải vôi.

- Đối với các lồng có cá bị bệnh, thực hiện điều trị bệnh theo phác đồ điều trị đã được Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn.

Trung Thi