TPHCM:

Xác định 130 vị trí ẩm, thấm trong các đốt hầm dìm Thủ Thiêm

(Dân trí) - Theo báo cáo của Oriental Consultants, đơn vị tư vấn giám sát công trình hầm dìm Thủ Thiêm, hiện đốt hầm dìm số 1 và số 2 có đến 130 vị trí bị ẩm, thấm; chưa có hiện tượng rò rỉ nước.

Xác định 130 vị trí ẩm, thấm trong các đốt hầm dìm Thủ Thiêm - 1

Đốt hầm số 4 sẽ được kiểm tra kỹ tại các vị trí đấu nối với các thiết bị trước khi tiến hành lai dắt

 

Đốt hầm số 1 và 2 công trình hầm dìm Thủ Thiêm được dìm vào đầu tháng 3 và đầu tháng 4/2010. Đến cuối tháng 4, Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (HĐNTNN) đã có thông báo gửi đến UBND TPHCM với nội dung: “Bằng mắt thường đã phát hiện một số vị trí bị thấm cục bộ tại đầu đốt hầm số 1, đầu hầm số 2 trong phạm vi bản nắp hầm, gần sát vành thép của mỗi đốt hầm và tại một vài vết nứt đứng thành hầm”.

 

Từ đó, HĐNTNN yêu cầu: “Không sơn phủ vết thấm, tiếp tục theo dõi phát triển thấm, tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp xử lý triệt để, bảo đảm lâu dài và báo cáo HĐNTNN để theo dõi và phối hợp giải quyết”.

 

Theo phân loại của nhà thầu, hiện tượng thấm được chia thành 3 tình trạng: Hiện tượng ẩm làm cho bề mặt bê tông đổi màu. Nếu chạm vào bề mặt bê tông thấy có nước là thấm. Nếu bê tông đổi màu và nước nhỏ giọt xuống dọc theo tường gọi là rò rỉ.

Ngay sau thông báo của HĐNTNN, nhà thầu và đơn vị tư  vấn giám sát đã vào cuộc kiểm tra chi tiết hai đốt hầm đã dìm. Theo đó thống kê tổng cộng khoảng 130 vị trí ẩm, thấm ở 2 đốt hầm dìm số 1 và 2.

 

Cụ thể, đốt số 1 có 3 vị trí ẩm ở bản đáy, hơn 30 vị trí ẩm và thấm ở bản đỉnh, 13 vị trí ẩm và thấm ở tường. Đốt thứ 2 có 3 vị trí bị ẩm ở bản đáy; bản đỉnh có hơn 50 vị trí ẩm, thấm cả tường trong lẫn bên ngoài (trong đó khoảng 20 vị trí bị thấm); tường bên có khoảng 30 vị trí ẩm và thấm.

 

Đa số hiện tượng ẩm, thấm đều xuất hiện tại các mối nối thi công (nơi lắp đặt các thiết bị dùng để kết nối dây cáp với hầm, các ống thổi cát vào hầm). Các thiết bị này đều được lắp vào hầm bằng các bu lông neo. Đơn vị tư vấn giám sát cho rằng: “Khoảng trống giữa bêtông và những bu lông neo này cùng ống thổi cát là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thấm nước hoặc ẩm của bề mặt bêtông”.

 

Theo đơn vị tư vấn giám sát thì tình trạng thấm như trên tuy không nghiêm trọng nhưng rất khó khắc phục. Hiện tư vấn giám sát cũng yêu cầu nhà thầu dỡ bỏ những lớp sơn phủ trên vị trí thấm để tiếp tục theo dõi các vết thấm để tìm biện pháp khắc phục. Ngoài ra, đốt hầm số 4 cũng được đề nghị kiểm tra kỹ trước khi tiến hành lai dắt và lắp đặt vào ngày 4/6 sắp tới.

 

Tùng Nguyên