1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vượt qua lời nguyền luật tục

(Dân trí) - Mẹ chết, trẻ sơ sinh phải được chôn theo đó là luật tục lâu đời của người J’rai. Thế nhưng một người đàn ông đã dám vượt qua lời nguyền này để cứu sống những đứa trẻ trước “cái chết số phận”.

Vượt qua lời nguyền luật tục - 1
Cháu Rơ Châm Hồng Tâm luôn ở trong vòng tay chăm sóc yêu thương của bố nuôi.
 
Giang tay ôm những sinh linh bị bỏ mặc
 
Chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Hồng Thắng - Phó Giám đốc chuyên trách Trung tâm Phục hồi chức năng huyện Chư Pah (thôn 2, xã Ia Nhin, huyện Chư Pah, Gia Lai) lúc trời đã giữa trưa. Ngôi nhà cấp 4 tuy thấp lè tè, đơn sơ trống trải nhưng ấm cúng.
 
Trên bàn thờ gia đình ông, chúng tôi thấy có ảnh thờ một người con gái J’rai được đặt ngay ngắn. Ông Thắng cho biết, đó là chị Siu Phuyn - người mẹ xấu số của bé Rơ Châm Hồng Tâm, đồng thời là đứa con nuôi của ông.
 
“Vào năm 2005, khi đang học lớp 9 thì Siu Phuyn mang thai Hồng Tâm. Đến ngày sinh do chuyển dạ khó, Siu Phuyn đã ra đi khi đứa con vừa cất tiếng chào đời. Tiếng khóc đầu tiên của em cũng chính là tiếng khóc tiễn biệt mẹ” - ông Thắng kể lại.
 

Theo tục lệ của người Jrai, những đứa bé khi vừa sinh ra chẳng may bị mất mẹ thì buộc phải chết theo mẹ để bầu sữa của người mẹ không bị căng, nhức khi “sang thế giới bên kia”. Những sinh linh bé nhỏ, yếu ớt phải đối mặt với lưỡi hái tử thần và cái chết tàn nhẫn.

Người thân của em đã bỏ mặc để em nhanh về với mẹ. Thấy hoàn cảnh cháu quá thương tâm, tôi phải thường trực tại đám tang để vận động, phân tích… phải mất hơn 3 ngày gia đình cháu mới chấp nhận. Tôi còn phải cam kết với chính quyền, kèm theo quyết định nhận con nuôi và làm giấy khai sinh thì mới được mang Rơ Châm Hồng Tâm về nhà.
 
Ông Thắng nhớ lại: Sau khi làm đủ các thủ tục cần thiết, lúc đến nhận cháu về tôi mới tá hỏa khi thấy bé đã quá yếu, lả người vì sốt cao, tiêu chảy liên tục do gia đình chỉ cho uống sữa bò pha với nước giếng. Thế là đưa bé nhập viện, thở oxy suốt 12 ngày sau mới phục hồi sức khỏe.
 
Từ năm 2003, do làm cán bộ chuyên trách về dân số nên ông Thắng đã từng chứng kiến nhiều cảnh tượng đau lòng về một hủ tục thiết tưởng không thể tồn tại trong một xã hội văn minh như hiên nay. Điều này cứ ám ảnh ông trong suốt một thời gian dài, gây ra cho ông những đêm trăn trở, mất ngủ khiến ông quyết định: ta phải hành động…
 
Đứa trẻ đầu tiên được ông lôi về từ cõi chết là Rơ Châm Hoài Thương. Ngày đó, mẹ Hoài Thương chết ngay khi vừa sinh em ra do băng huyết. Gia đình bố em nhất quyết bắt em phải về với mẹ nên đã lấy chân mẹ đặt lên cổ con để nó sớm ra đi.
 
Ông Thắng đã đến trụ sở UBND xã Ia Nhin - nơi gia đình em sống để nhờ cán bộ nơi đây can thiệp. Cuộc tranh cãi nhận nuôi, không cho cháu bị lệ làng bức tử kéo dài đến mấy ngày sau mới ngã ngũ. Cuối cùng ông Thắng buộc phải quát lên: “Ai cũng sợ chết, cũng muốn sống trên đời. Tại sao lại bắt một đứa trẻ mới sinh ra chưa biết gì phải chết?”.
 
Lời ông Thắng vừa kiên quyết lại vừa có lý nên không ai dám tranh cãi nữa. Hoài Thương được ông Thắng đưa về nhà nuôi. Chừng một năm sau, bố Hoài Thương đến xin nhận em về để cho một gia đình khá giả nhưng hiếm muộn nuôi. Được biết Hoài Thương giờ đã học lớp 2, học giỏi và rất thông minh.
 
Khó khăn không chùn bước
 
Những người J’rai không dám chống lại luật lệ của dân tộc mình vì sợ Yàng Atâu (trời), sợ làng phạt vạ. Chính điều này, nhiều sinh linh vô tội đã chết theo mẹ ngay khi mới chào đời mà không ai dám đứng ra bảo vệ, chở che. Trong khi đó tỉ lệ sản phụ người dân tộc thiểu số ở Gia Lai tử vong là rất cao. Đa số họ chết do băng huyết sau khi sinh.
 
Nguyên nhân là vì sự thiếu hiểu biết của các bà mụ khi đỡ đẻ tại làng. Các bà đỡ này thường bóp bụng người mẹ cho nhau thai ra cùng với con vì vậy dễ gây băng huyết, dẫn đến tỉ lệ tử vong cao. Trong khi một ca sinh tự nhiên an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người mẹ thì phải chờ một thời gian sau khi sinh con thì nhau mới ra.
 
Việc ông vượt qua “lời nguyền của luật tục” đã trở thành nỗi khiếp sợ, gây xáo trộn đến cuộc sống của gia đình ông. “Thời gian đầu vợ và 4 đứa con tôi không đồng ý việc tôi làm. Một phần vì gia cảnh còn nghèo phải chạy ăn từng bữa, mặt khác, việc nhận con nuôi liên quan đến người dân tộc thiểu số đã rắc rối lại rất dễ bị phạt vạ nên họ phản ứng rất quyết liệt” - ông Thắng cho biết.
 
Từ năm 2003 đến nay, ông Thắng đã nhận nuôi tổng cộng 6 đứa trẻ mồ côi. Đứa mới nhất mà vợ chồng tôi mới nhận nuôi giờ cũng đã được 3 tuổi. Kinh tế nhà ông cũng chẳng có gì ngoài 100 gốc cà phê, đàn bò trên 10 con và đồng lương còm (750.000 đồng/tháng). Tuy chật vật là thế nhưng ông Thắng luôn dang đôi tay nhỏ cưu mang những sinh linh bé bỏng.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chánh - Phó Chủ tịch UBND xã Ia Nhin cho biết: Lúc đầu ai cũng cho rằng ông Thắng hâm, đã nghèo còn tự rước khổ vào thân. Thế nhưng qua những việc đã làm của ông, mọi người dần hiểu được và đều nể phục cái tâm đó.
 
Ông Thắng đã cứu vớt được những đứa trẻ tội nghiệp, đưa chúng vượt qua lời nguyền luật tục để giành lại sự sống. Ngoài việc nhận con nuôi, ông Thắng còn đi làm rất nhiều việc thiện đối với trẻ em đang gặp khó khăn ở huyện.
 
Tùy Phong.