“Vùng đất chết” hồi sinh những mảnh đời bất hạnh

(Dân trí) - Đã có một thời Quỳnh Lập được xem là “vùng đất chết”, bởi con người sinh sống nơi đây đều mang trong mình vi trùng Hansen, bị người đời xa lánh, hắt hủi với cái tên gọi: bệnh cùi! Ít ai có thể ngờ, những mảnh đời bất hạnh ấy hôm nay đã hồi sinh.

Được thành lập vào năm 1957, với tên gọi ban đầu là Trại phong Quỳnh Lập (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An). Khi ấy, nơi đây là một vùng đất hoang sơ, cằn cỗi, là nơi được chọn để thu dung, điều trị những người mắc vi trùng Hansen, nhưng mục đích chính là để cách li họ ra khỏi cộng đồng. Năm 1965, trại đổi tên thành Khu điều trị phong Quỳnh Lập và đến tháng 10 năm 2000 đổi thành Bệnh viện Phong Da liễu TW Quỳnh Lập.

 

Trong căn nhà khá khang trang ngay giữa làng, ông Trương Nhật Viễn bùi ngùi kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng tủi cực xưa kia: Năm 1959, khi ấy, ông còn là đứa trẻ thơ, ngơ ngác theo cha mẹ trong đợt thu gom vào vùng đất Đồng Mí, nơi đứng chân của trại phong Quỳnh Lập.


Ông bảo, có điều kiện như bây giờ thì mình cũng chẳng thể nào bị lây căn bệnh quái ác này, nhưng ngày ấy, thuốc thang không có, ăn uống càng cực khổ. Thế là con vi trùng chết người đã lây từ mẹ sang con, đời sống cơ cực, đau đớn hành hạ, tưởng chừng như không thể sống nổi. Mỗi lần nhìn vết thương trên cơ thể mình và người thân, ông Viễn chỉ muốn tìm đến cái chết. Nhưng rồi, bản năng sống vẫn níu kéo ông ở lại với cuộc đời này.
 

“Vùng đất chết” hồi sinh những mảnh đời bất hạnh - 1
Những bệnh nhân phong được tận tình chăm sóc

Không chỉ có ông Trương Nhật Viễn mà hầu hết những ai đã vào đây đều từng trải qua những tháng ngày đớn đau vật vã như thế. Đến bây giờ, bà Bùi Thị Mán vẫn nhớ như in cái ngày bà được "thu gom" vào trại. Vùng biển Thanh Hóa nơi bà sinh ra có nhiều người bị mắc chứng bệnh quái ác đó và đã bị dân làng hắt hủi cho đến chết, ngay cả anh trai bà cũng đã bị chôn sống ngoài biển. Ngày đó, người ta cũng đã chuẩn bị cho bà vào rọ trôi sông thì có giấy về đưa bà vào trại phong Quỳnh Lập.

 

Hơn nửa thế kỷ gắn bó với đất này, bà luôn khắc ghi cái ơn cứu mạng của Đảng và Nhà nước. Bà tâm sự rằng: May mắn, tôi đã được vào đây để tiếp tục một cuộc đời có ích, cuộc sống như thế này là sung sướng lắm rồi!
 

Cho đến hôm nay, Bệnh viện Phong Da liễu TW Quỳnh Lập đã có 150 hộ gia đình, hơn 700 nhân khẩu với nhiều thành phần quê quán, dân tộc khác nhau. Ngoài số bệnh nhân 250 người đang được điều trị thì số còn lại đều là những người đã được điều trị dứt bệnh hoặc con cháu họ được sinh ra và lớn lên ở đây.

 

Ông Ngô Gia Hiển, Giám đốc bệnh viện, người đã từng gắn bó với nơi này từ năm 1984, kể rằng: Ngày xưa, mọi thứ đều nheo nhếch, bề bộn. Sau khi quy hoạch sắp xếp đâu ra đấy rồi thì lại có thêm tài trợ của nhà nước và các tổ chức từ thiện cơ sở mới khang trang  như ngày hôm nay. Đến nay, mọi việc đã đi vào ổn định, cuộc sống của bà con đã dần được cải thiện. 
 

“Vùng đất chết” hồi sinh những mảnh đời bất hạnh - 2
Các em ở làng phòng Quỳnh Lập đã có trường lớp riêng, tránh sự kỳ thị của mọi người

Bác sỹ Nguyễn Việt Dương, Phó giám đốc bệnh viện dẫn chúng tôi đi một vòng giới thiệu: Trên 200 học sinh của làng không còn phải đi học xa nữa. Hiện trong làng đã có trường Mẫu giáo, trường Tiểu học. Năm 2000, phân hiệu 2 trường THCS Quỳnh Lập chính thức được xây dựng tại khuôn viên Bệnh viện để phục vụ dạy và học cho con em và các học sinh các làng chài lân cận làng phong này. 
 
Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hoài Nhân chia sẻ: “Thương lắm các anh ạ! Các cháu đều được sinh ra ở đây, mỗi khi phải đi xa học thì lại bị bạn bè xa lánh, từ khi có trường ngay trong Khu điều trị thì các em mới học tập, vui chơi một cách hồn nhiên. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng giáo viên ở vẫn quyết tâm bám trụ trường lớp để dạy cái chữ cho các em, bởi hơn ai hết, các em vẫn là những người thua thiệt”.

 

Dẫu vẫn biết cuộc sống còn nhiều thiếu thốn so với những vùng đất khác, nhưng vẫn có thể cảm nhận rõ ràng, sự sống đang hồi sinh từng ngày ở nơi đây. Có được sự đổi thay đang mừng như hôm nay, phải kể đến công lao không nhỏ của những người thầy thuốc, thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn, bám trụ đến cùng với làng.

 

Nguyễn Phê - Hữu Đức