1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vui buồn nghề “giỡn người say” kiếm tiền

(Dân trí) - Chỉ vào chiếc sẹo dài trên đầu, Thế Anh cho hay đó là kỷ niệm nhớ đời khi theo nghề hát rong, bán kẹo kéo ở quán nhậu. Chẳng những cậu mà hầu hết những ai theo nghiệp “giỡn với người say xỉn” đều có những chiếc sẹo đầy kỷ niệm như vậy.

“Buôn nước bọt” kiếm tiền

 

Đội ngũ hát rong bán kẹo kéo là hình ảnh quá quen thuộc với các quán nhậu ở TPHCM và các vùng lân cận. Chiếc xe máy “cà tàng”, bộ loa thùng mà tiếng nhạc lúc nào cũng được bật volume hết cỡ cùng với hai nhân lực: một đứng hát, một cầm kẹo đi mới khách.

 

Vui buồn nghề “giỡn người say” kiếm tiền - 1

Nhiều bạn trẻ vào TPHCM kiếm sống bằng nghề hát rong, bán kẹo kéo cho dân nhậu.

 

Thế Anh, 24 tuổi, quê ở Quảng Bình. Vào TPHCM từ năm 18 tuổi với đủ nghề như công nhân da dày, công nhân may mặc, bốc vác… nhưng hát rong bán kẹo kéo là nghề cậu đã gắn bó lâu nhất. Lần đó đi nhậu, gặp hai cậu hát hò bán kẹo đến mời, Thế Anh mượn micro hát cho vui. Nghe cậu hát, hai cậu kia ngồi xuống lên tiếng rủ đi hát bán kẹo. Đang cần việc, Thế Anh đồng ý.

 

Đội ngũ này thường hoạt động cho những “lò” nhất định. Chủ sẽ đầu tư về dụng cụ “tác nghiệp” như loa thùng, micro, băng đĩa, thậm chí cả phương tiện đi lại cùng hỗ trợ chỗ ăn ở. Đổi lại, các “tay hát” sẽ mua kẹo kéo của đầu mối sản xuất với giá từ 800 - 1.200 đồng/chiếc. Giá bán đến tay dân nhậu, họ tự đặt ra để kiếm lời.

 

“Lò” của Thế Anh là của một đôi vợ chồng ở Hóc Môn, có đến trên 20 quân với hơn chục chiếc xe rong ruổi khắp phố. Cậu khẳng định, so với những nghề lao động chân tay tự do khác, nghề này kiếp được. Cậu đi khắp, không chỉ các quán nhậu trong TPHCM mà còn sang cả Bình Dương, Đồng Nai…

 

Đi với Thế Anh là Tiến, quê Tiền Giang. Tiến nhỏ con, mái tóc nhuộm vàng. Không ngại “cong môi uốn lưỡi” mời khách mua kẹo nhưng Tiến lại rất ngượng ngùng khi trò chuyện. “Cái nghề chẳng ra gì này có gì mà nói đâu”.

 

Thuộc một nhóm hát khác ở Tân Bình, Thuận, 28 tuổi, tạo được ấn tượng bởi giọng Bắc ngọt lịm. Cậu giới thiệu mình là người Hà Nội gốc. “Em sinh ra và lớn lên ở khu dân lao động tự do sau chợ Long Biên, gần làng chài ấy. Thế là Hà Nội gốc còn chi”. 

 

Thuấn cùng nhóm với Thuận từng lái xe Bắc Nam, nghề mà Thuấn đam mê từ nhỏ. Năm 2006, trong một lần gây tai tạn, Thuấn tông chết người. Lỗi thuộc về nạn nhân, cậu chỉ phải hỗ trợ về tiền bạc nhưng “Hình ảnh máu me của người nằm trước đầu xe cứ ảm ảnh em mãi. Em như bị trầm cảm, luôn sợ hãi và hoảng hốt. Em bỏ vào đây, làm đủ nghề để sống. Giờ thì đang đi hát thế này”.

 

Sứt đầu mẻ trán vì “giỡn với người xỉn”

 

Sau khi mua đứt từ chủ, mỗi chiếc kẹo thường được nhóm hát định giá 2.000 đồng. Tuy nhiên, chẳng mấy khách mua kẹo để ăn mà chỉ theo tinh thần ủng hộ… sự nhiệt tình của người hát và người bán “cong lưỡi” mời mọc. Bởi thế, mua kẹo xong khách có thể cho lại người bán hoặc mua 5 chiếc chỉ cầm 2 - 3 chiếc. Thế nên giá mỗi chiếc bán ra thực tế cao hơn nhiều.

 

Vui buồn nghề “giỡn người say” kiếm tiền - 2
“Giỡn” với người say xỉn, nguy hiểm luôn rình rập những bạn trẻ này.

 

Một “cặp đôi” rong ruổi từ sáng đến khuya bình quân cũng bán được vài trăm, hôm được hàng còn được cả ngàn chiếc. Tiền lãi bỏ túi là một khoản không nhỏ, hôm “chạy hàng” cũng lãi vài trăm nghìn mỗi người. Nhờ thu nhập tốt nên đội ngũ làm nghề này ngày càng đông.

 

Thế nhưng, số lượng “rụng” cũng không ít, chẳng mấy ai gắn bó với nghề được vài năm. Như Thế Anh, trong nghề hơn hai năm đã được coi là “có thâm niên” và cũng đang tìm đường lui. “Nghề hay mà nguy hiểm quá, như chọc vào tổ kiến lửa vậy”.

 

Thế Anh kể, chuyện bị đánh là không hiếm bởi những lý do kiểu như: “Ai cho mày chen ngang khi bọn tao đang nói chuyện?”. Nghiêng đầu khoe chiếc sẹo dài, Thế Anh kể đó cũng là kỷ niệm nghề nghiệp. Lần đó, có nhóm khách sau khi mua 10 chiếc kẹo đưa luôn tờ 50.000 đồng rồi đòi mượn micro. Họ 7 - 8 người gì đó thay nhau hát, yêu cầu bật đĩa này sang đĩa khác.

 

Chờ quá lâu, trong khi còn phải đến các quán nhậu khác để bán kẹo, Thế Anh - sau khi đã được mời bia làm quen - xin phép lấy lại micro. Vừa dứt lời, một vỏ chai bia Sài Gỏn đỏ phang ngay lên trên đầu cậu, tuôn máu. Cậu bị đánh bởi cái tội “làm bọn này mất vui”. Thế Anh vẫn chưa được tha, những thanh niên đó trong cơn ngà ngà say tiếp tục đấm đá cho đến khi cậu xỉu ngay giữa quán. Ông chủ quán phải nhảy vào can, cậu bạn đi cùng cũng phải quỳ xuống xin tha Thế Anh mới thoát.

 

Đó là lần Thế Anh nhớ nhất. Còn bị dân nhậu chửi bới, hắt bia vào mặt thì nhiều đến mức không nhớ nổi số lần. “Người ta xỉn mà. Mình hát, mời mọc gì cũng như đang là bỡn cợt người ta vậy. Em còn đỡ, thằng Tiến mời kẹo trực tiếp bị suốt à. Đêm trước, bán bên Bình Dương, còn bị đám nhậu giật kẹo và di đầu thuốc vào tay”.

 

Đó là chưa kể đến việc “đấu đá” giữa nhóm hát này với nhóm hát kia khi tranh giành địa bàn; rồi cảnh đi đêm về hôm với lắm nguy hiểm… mà đến những thanh niên “lang bạt” này cũng phải sợ. Thế Anh đã nhiều lần tính bỏ nghề rồi nhưng “em theo nghề lâu giờ mà bỏ mấy bạn mới vào sẽ lung lay rồi làm gì kiếm tiền. Quê em năm nay lũ lụt nặng, vừa rồi nhà em trôi hết rồi. Hôm trước có gửi ít tiền cho mẹ, chẳng biết mẹ nhận được chưa” - cậu nói mà mắt ngân ngấn nước.

 

Với độ già dặn của tuổi tác và sự từng trải của một tài xế mà không biết bao lần, Thuấn cũng phải chảy nước mắt vì bị đánh chửi vô cớ. “Hay lắm, nghề này toàn bị đánh bằng vỏ chai bia hoặc ly thủy tinh, những vật trong tầm tay dân nhậu. Đứa nào chẳng từng đến y tế để khâu. Bị đánh, bị chửi riết cũng quen, cũng nghĩ ra nhiều cách để “chạy” hơn”.

 

Nhưng đau đớn lớn nhất với Thuấn là mỗi lần anh em bị đánh chửi như vậy nhiều người xung quanh góp vào: “Ai biểu ngu, người ta đang nhậu đến quấy”.

 

“Mà đúng là ngu thật. Chọc ai đi chọc người xỉn để kiếm tiền! Cũng đáng!”, giọng Thuấn chua chát. Thuấn muốn quay về lái xe nhưng ám ảm về tai nạn gây chết người vẫn chưa nguôi ngoai.

 

Hoài Nam