Vụ tử tù Lê Văn Mạnh: Không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm!

(Dân trí) - Trao đổi với PV Dân trí bên hành lang Quốc hội chiều nay 26/10, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn khẳng định sẽ xem xét đúng quy định pháp luật đối với vụ án của Lê Văn Mạnh (Thanh Hóa) để “không làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm”.

 

Ông Nguyễn Sơn - Phó chánh án TAND Tối cao (Ảnh tư liệu).
Ông Nguyễn Sơn - Phó chánh án TAND Tối cao (Ảnh tư liệu).

 

Trả lời câu hỏi về việc có thành lập liên ngành tư pháp để xem xét lại vụ án của Lê Văn Mạnh hay không, ông Nguyễn Sơn nói: “Chuyện đó về nguyên tắc tòa án có trách nhiệm xem xét đầu tiên, xem bản án của tòa án có oan hay không. Việc phối hợp về sau nếu cần thiết thì phối hợp, không cần thiết thì thôi”.

Theo ông Nguyễn Sơn, tất cả mọi cái đều trên cơ sở thận trọng xem xét lại. “Về nguyên tắc thì các việc đó đã xem xét rồi. Còn để thận trọng khi có đơn thư, dư luận như thế thì các cơ quan tiến hành tố tụng có thể xem xét lại”- ông Sơn nói.

Ông Sơn khẳng định TAND Tối cao đang giao cho đơn vị chức năng kiểm tra lại cụ thể. “Tất cả mọi quy trình về một vụ án người ta làm hết rồi thì mới thành lập được hội đồng thi hành án”- ông Sơn thông tin.

Như Dân trí đã phản ánh, cáo trạng của VKSND tỉnh Thanh Hóa cho biết, vào khoảng 17h ngày 21/3/2005, trong lúc đi tìm trâu ở bờ sông cầu Chày, thuộc thôn 4, xã Yên Thịnh, huyện Yên Định, Lê Văn Mạnh thấy cháu  Hoàng Thị Loan (SN 1991), ở cùng thôn đang đi vệ sinh, nên đã nảy sinh ý định hiếp dâm. Do cháu Loan chống cự, nên Mạnh đã túm tóc, đập đầu Loan nhiều lần xuống đất làm cháu bị ngất, nằm bất động.

Sau đó, Mạnh mang xác cháu Loan lội qua sông cầu Chày bỏ vào bụi cây rậm rạp ở bờ sông thuộc xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân nhằm giấu xác. Tại đây, Mạnh đã tạo hiện trường giả như một vụ tự sát; dùng đất sét nhét vào âm hộ nạn nhân để che đậy hành vi hiếp dâm.

Đến trưa ngày 22/3/2005, người dân phát hiện xác cháu Loan ở bờ sông cầu Chày, phía bên xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân. Kết quả giám định pháp y ngày 30/3/2005 cho thấy cháu Loan “chết ngạt do thắt cổ, nạn nhân có bị ngạt nước, có bị hiếp dâm”.

Cũng theo cáo trạng của VKSND tỉnh Thanh Hóa thì trước đó, vào ngày 7/3/2003, khi đang làm ăn ở miền Nam, Mạnh đã cùng với Bùi Ngọc Du (người cùng quê) cướp một chiếc xe máy trị giá 16 triệu đồng cùng các giấy tờ cá nhân của anh Trương Hữu Lắm, ở quận Tân Bình, TPHCM. Sau khi gây án, Du bị bắt và bị tuyên phạt 11 năm tù. Còn Mạnh bỏ trốn về quê và bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố bị can, phát lệnh truy nã.

Ngày 20/4/2005, Mạnh bị Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ tại nhà riêng theo lệnh bắt tạm giam của Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai về tội “Cướp tài sản”. Tiếp đó, ngày 24/4/2005, Cơ quan CSĐT công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố bị can đối với Lê Văn Mạnh về tội “Giết người, hiếp dâm trẻ em”.

Hai vụ án nêu trên sau đó được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa ra quyết định nhập lại, chuyển VKSND tỉnh Thanh Hóa truy tố bị cáo Lê Văn Mạnh về các tội “Giết người”, “Hiếp dâm trẻ em” và “Cướp tài sản”.

Trong khoảng thời gian từ tháng 7/2005 đến tháng 11/2008, Lê Văn Mạnh đã trải qua nhiều phiên tòa xét xử. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 25/11/2008, TAND Tối cao tại Hà Nội xử y án tử hình đối với Lê Văn Mạnh. Trong quá trình xét xử, gia đình cũng như bản thân Lê Văn Mạnh nhiều lần kêu oan.

Thế Kha