Quảng Bình:

Vụ thảm sát Mỹ Trạch - Nỗi đau nhức nhối suốt 66 năm

(Dân trí) - Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng người dân làng Mỹ Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) vẫn chưa thể quên được vụ thảm sát khốc liệt khiến hơn 300 người bị chết, hàng trăm ngôi nhà bị thiêu rụi.

Ngày định mệnh

Trong ký ức của người dân làng Mỹ Trạch, ngày 29/11/1947 của 66 năm về trước là một ngày đẫm máu không thể nào quên. Chỉ trong vài giờ, toàn bộ ngôi làng nhỏ đã bị giặc Pháp thiêu rụi, hàng trăm sinh mạng con người (hầu hết là người già và trẻ em) bị sát hại bởi kẻ thù.

Nơi đây từng là mồ chôn tập thể của hơn 300 người dân Mỹ Trạch

Nơi đây từng là mồ chôn tập thể của hơn 300 người dân Mỹ Trạch

Theo chân ông Võ Chí Mừng, Bí thư chi bộ thôn Mỹ Trạch, chúng tôi đã tìm đến nơi xảy ra vụ tàn sát đẫm máu ở chân cầu Mỹ Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy. Trải qua thời gian, chiếc cầu năm nào đã có bao sự đổi thay, dòng sông Kiến Giang cũng trở nên trong xanh và thơ mộng. Nhưng ít ai biết rằng, nơi đây từng là chiếc “mồ chôn tập thể” của hơn 300 người khiến cho dòng sông Kiến Giang chìm trong biển máu. Ông Mừng cũng như bao người dân Mỹ Thủy vô cùng xót xa, đau đớn vì ông cha của họ đã bị tàn sát hết sức dã man.

Bia căm hờn, nơi ghi lại tội ác của kẻ thù đối với người dân làng Mỹ Trạch

Bia căm hờn, nơi ghi lại tội ác của kẻ thù đối với người dân làng Mỹ Trạch

Theo nhiều tài liệu ghi lại: Từ chiều 28/11/1947, quân Pháp ở đồn Thượng Phong đến tập kết ở đồn Xuân Bồ (xã Xuân Thủy) để chuẩn bị phối hợp với các cánh quân khác thực hiện cuộc “khủng bố trắng”. Đến khoảng 2 giờ sáng ngày 29/11(tức 17/10 âm lịch), hơn một đại đội giặc ở làng Xuân Bồ bí mật hành quân mai phục và chặn ở các ngã ra vào làng Mỹ Trạch. Các vọng gác của ta đã kịp thời báo động, kế hoạch đối phó với giặc và chống “khủng bố trắng” đã được phổ biến từ trước, nhưng lực lượng giặc quá đông lại được trang bị vũ khí tối tân nên một lúc không thể ứng phó kịp. Trên 200 tên ở các đồn Hòa Luật Nam, Thượng Phong cùng với bọn Việt gian phản động ở các làng lân cận, có phi pháo yểm trợ bao vây làng Mỹ Trạch.

Trong vụ thảm sát ngày 29/11, riêng làng Mỹ Trạch bị giặc đốt cháy 326 nóc nhà, bắn chết 310 người. Trong số đó, có 86 hộ có người bị chết, 19/86 hộ bị giết cả nhà, nam giới: 140 người, nữ giới: 170 người, trẻ em: 157 người; trong đó có 21 trẻ em dưới 1 tuổi. Từ 18 - 50 tuổi có 59 người hầu hết là phụ nữ (nhiều phụ nữ có thai và những người tàn tật).

Trong gần 3 tiếng đồng hồ từ 5 giờ sáng đến 8 giờ sáng, bọn lính Pháp và lính Lê Dương từ ba hướng tràn vào làng, gặp ai là bắn ngay mặc những tiếng gào thét của bà già, trẻ con. Nhiều nhà bị chúng xông vào bắn chết cả gia đình rồi đốt nhà thiêu xác. Sau đó chúng dồn những người còn sống sót tập trung ở móng cầu sắt Mỹ Trạch rồi đặt ba khẩu súng liên thanh chĩa vào dân làng để uy hiếp tinh thần, bắt dân khai báo cơ sở Đảng và cán bộ Việt Minh, bắt hô khẩu hiệu phản động chống lại Đảng, chống lại Việt Minh, chống lại phong trào kháng chiến. Dân làng Mỹ Trạch phản đối bằng cách im lặng không khai báo, không hô khẩu hiệu. Bọn chúng lồng lộn điên cuồng bắn giết những người dân vô tội. Cả trăm người ngã xuống móng cầu, xuống sông Kiến Giang, dòng sông nhuốm đỏ máu dân lành. Đến khoảng 11 giờ, bọn giặc mới rút khỏi làng nhưng trên đường đi chúng còn nhẫn tâm sát hại nhiều dân thường ở một số làng lân cận.

Ông Võ Chí Mừng thắp hương tưởng nhớ các nạn nhân

Ông Võ Chí Mừng thắp hương tưởng nhớ các nạn nhân

Hiện nay, làng Mỹ Trạch còn lưu lại tấm “bia căm hờn” do người dân địa phương dựng nên để khắc ghi một sự kiện đau thương. Dưới chân cầu Mỹ Trạch, mồ chôn tập thể của hàng trăm nạn nhân cũng được người dân lập ban thờ để hương khói.

Lời kể của nhân chứng

Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Trọng Điềm (hiện nay đã 83 tuổi) là nhân chứng sống trong cuộc thảm sát đẫm máu. Khi đó ông Điềm vừa tròn 16 tuổi, được gia đình cho đi học nên từ nhỏ ông đã sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng. Hôm giặc Pháp tràn vào làng và ra tay bắt bớ, sát hại dân lành, ông Điềm cùng một số thanh niên khác bí mật đảm nhận việc theo sát hoạt động của địch và tình hình người dân trong làng để thông tin kịp thời cho bộ đội chuẩn bị phương án đối phó. Sợ bị bại lộ nên hầu hết thanh niên trai tráng, dân quân du kích, bộ đội phải sơ tán chứ không dám ra mặt.

Ông Điềm kể lại: “Hôm đó, hàng trăm tên giặc tràn vào làng và phong tỏa các hướng đi để lùng bắt bộ đội và những người theo Đảng, theo Việt Minh. Nhận biết được kế hoạch từ trước của bọn chúng từ nguồn tin cấp báo nên toàn bộ trai tráng, dân quân, bộ đội đều phải sơ tán ra khỏi làng, chỉ có người già, phụ nữ và trẻ em ở lại. Tuy nhiên, khi không tìm thấy Việt Minh mà chỉ thấy người già và trẻ nhỏ nên bọn chúng trở nên điên cuồng rồi tiến hành khủng bố trắng trợn, chúng chia nhỏ các đội quân vào nhà dân bắt bớ, bắn giết. Sau đó châm lửa thiêu rụi nhà cửa dân nghèo để họ không còn nơi sống”. Nói đến đây giọng ông Điềm chùng xuống nghẹn ngào.

Vụ tàn sát đẫm máu chưa khi nào phai trong ký ức của ông Nguyễn Trọng Điềm

Vụ tàn sát đẫm máu chưa khi nào phai trong ký ức của ông Nguyễn Trọng Điềm

Ông Điềm kể tiếp: “Hàng trăm người dân bị chúng bắt trói rồi dùng súng dẫn ra chân cầu Mỹ Trạch, dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, dọa nạt để bắt người dân khai ra Việt Minh, nơi ẩn nấp của họ. Bên cạnh đó, chúng chĩa súng vào từng người một hét lớn bắt hô khẩu hiệu chống lại Việt Minh, chống lại Đảng Cộng sản. Nhưng tất cả những lời de dọa đó cũng không làm lung lay ý chí của người dân Mỹ Trạch. Điên cuồng, giặc Pháp chĩa súng bắn liên thanh vào dân nghèo vô tội khiến cho dòng sông Kiến Giang đỏ ngầu máu tươi, xác chết chồng lên nhau...".

Theo ông Điềm, chỉ có 4 người sống sót sau vụ thảm sát là bà Bát Đinh (72 tuổi), khi giặc giơ súng lên định bắn thì bà bị ngất; bà Trần Thị Mạch (lúc đó mới 10 tuổi) bị 2 viên đạn xượt qua má; bà Lê Thị Em (lúc đó mới 9 tuổi) bị đạn bắn xuyên bắp chân và ông Trần Phẩm bị gãy chân. Đến nay chỉ còn bà Trần Thị Mạch đang sống tại Hà Nội, những người còn lại đều đã qua đời.

66 năm qua, mỗi khi nhắc lại sự kiện kinh hoàng đó, lòng ông Điềm luôn cảm thấy đau nhói. Bởi trong cuộc thảm sát này, giặc Pháp đã bắn chết 6 người thân yêu nhất trong gia đình ông.

Nỗi đau nhức nhối

Vụ thảm sát kinh hoàng ở làng Mỹ Trạch đã để lại sự đau thương quá lớn, có rất nhiều gia đình bị giặc giết chết sạch cả nhà. Trong số đó, gia đình ông Trần Văn Hoan có 10 người thì bị giặc bắn chết hết 7 người; ông Nguyễn Công Duyên bị giết hết cả nhà 6 người, ông Hoàng Văn Tẩu, ông Trần Văn Hồi, ông Hoàng Văn Đột bị giết 6 người; ông Nguyễn Hữu Lem bị giặc giết 10 người...

Ông Võ Chí Nghiện có đến 7 người thân bị giặc Pháp bắn chết. Hôm giặc tràn vào làng tàn sát, ông Nghiện lúc đó mới 14 tuổi và đang chăn trâu ở ruộng làng và may mắn sống sót. Ông kể lại: “Hôm đó tui đang chăn trâu, bò ngoài đồng làng thì thấy lính Pháp cùng bọn Việt gian dẫn đường bắt bớ nhiều người dân đưa ra cầu Mỹ Trạch. Trong số đó, tui nhìn thấy ba, mạ, cùng nhiều anh, chị em nhà tui. Tui chạy theo gọi nhưng ba tui quay lại nói: “Con ơi! Hãy trốn đi không bị bọn chúng bắn chết, chúng đã giết hại rất nhiều người dân trong làng rồi”. Nghe cha nói vậy nên tui cũng nấp vào trong bụi rậm mà chỉ dám nhìn ra. Sau một hồi dọa nạt, chúng đã thẳng tay chĩa súng vào người dân và bắn chết hết cả, xác chồng lên nhau, máu nhuốm cả đoạn sông Kiến Giang. Nhìn thấy cảnh tượng dã man ấy dù rất uất hận nhưng tui cùng anh Cưng, anh Thành (cùng đi chăn bò với ông Nghiện - PV) chỉ biết khóc chứ không dám làm gì. Đợi sau khi chúng rút hết, bọn tui cùng một số anh em khác là thanh niên phục vụ cách mạng, dân quân... chạy đến đào hố rồi lượm xác để chôn các nạn nhân. Lúc đó không còn cái xác nào nguyên vẹn để phân biệt nữa...”.

Ông Điềm chia sẻ: “Chiến tranh luôn để lại sự mất mát, đau thương cho nhiều người và cũng đã đi qua lâu lắm rồi, mình thù hận cũng không được gì cả. Không riêng gì người dân Mỹ Trạch, mà trên đất nước này có biết bao ngôi làng bị xóa sổ, hàng triệu gia đình phải hy sinh, ly tán, biết bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để giành lấy hòa bình hôm nay. Đó cũng là một bài học để giáo dục thế hệ trẻ sau này”. 

Ghi nhận sự kiện lịch sử, năm 2001, Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch đã công nhận nơi này là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Chính quyền địa phương cũng đã dựng một tấm bia gần chân cầu Mỹ Trạch để thế hệ sau có thể hiểu thêm về lịch sử bi tráng và những đau thương, mất mát của chiến tranh.

Đến nay, cứ đến ngày 17/10 (âm lịch), người dân làng Mỹ Trạch lại ra chân cầu hoặc tấm bia căm hờn - nơi xảy ra vụ thảm sát 66 năm về trước để thắp hương tưởng niệm các nạn nhân. Nhưng điều khiến người dân nơi đây luôn trăn trở là cuộc tàn sát đẫm máu này đến nay vẫn chưa có tài liệu nào đề cập đến ngoài cuốn Lịch sử Đảng bộ xã, huyện; cũng như chưa mấy ai biết đến sự kiện đau thương này.

Đăng Đức