1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ sạt lở đá khổng lồ: Sẽ mời Viện Vật lý địa cầu đến khảo sát

(Dân trí) - Sau chuyến khảo sát hiện trường vụ lở đá khổng lồ trên núi Cấm làm 6 người chết, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Anh Thư cho biết sẽ mời Viện Vật lý địa cầu đến khảo sát trước khi trình ủy ban cho thông xe đường lên núi Cấm.

Nhằm kiểm tra lại hiện trường các tảng đá nằm cheo leo trên vách núi và công tác khắc vục sau vụ lở đá ngày 5/5, mới đây Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Anh Thư đã tổ chức đoàn khảo sát khu vực sạt lở cũng như kiểm tra toàn bộ hiện trạng đá tự nhiên ở núi Cấm. Tham gia đoàn công tác có đại diện địa phương, đơn vị thi công khắc phục sạt lở đá…

Qua khảo sát, ông Trần Anh Thư khẳng định vụ sạt lở đá không phải do nổ mìn phá đá làm đường mà do quá trình tự nhiên, các khe nứt cắt ngang của tảng đá gốc bị “phong hóa” đã hình thành một khung trượt. Khi có dư chấn nhẹ, những vết nứt của tảng đá ngày càng rộng dần ra, cộng với độ dốc quá lớn (750, độ cao khoảng 400m so với mặt nước biển) nên đã xảy ra hiện tượng đá lăn. 

Vụ sạt lở đá khổng lồ: Sẽ mời Viện Vật lý địa cầu đến khảo sát

Trên đường lăn của tảng đá lớn để lại vô số hòn đá lớn nhỏ như thế này


Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hữu Duẩn - Giám đốc Công ty TNHH Hữu Duẩn (đơn vị thi công khắc phục sự cố lở đá) - cho biết: “Hiện tại ngoài việc đơn vị xử lý được 250m đường đá lăn từ trên xuống thì tính đến chiều qua (17/5) anh em công nhân đã chẻ nhỏ các tảng đá lớn nằm áng ngữ trên đường và di chuyển được 156m3 đá. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục kiểm tra kỹ và làm sạch đoạn đường đá lăn, dùng khoan cắt nhỏ để bóc hết các tảng đá nằm cheo leo hoặc bị nhóm chân do tảng đá khổng lồ va chạm.

Ông Duẩn cũng cho biết: cả tuần qua trời mưa liên tục nên ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ thi công. Tuy nhiên để đẩy nhanh tiến độ, đơn vị cử thêm 9 tay thợ (tổng cộng 17 người - PV) đến hỗ trợ nhằm sớm hoàn thành nhiệm vụ. Hiện tại những điểm đang thi công, ngành chức năng đã phong tỏa cấm người dân làm vườn lui tới để đảm bảo an toàn tính mạng con người cũng như tiến độ thi công.

Trong chuyến khảo sát, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Anh Thư lưu ý đơn vị thi công kiểm tra lại 2 bên khu vực mỏm đá nơi xảy ra sạt trượt xem còn đá cheo leo để xử lý. Việc xử lý đá lăn tại hiện trường phải được làm dần từ trên xuống.

Theo ông Trần Anh Thư, hướng khắc phục lâu dài tránh việc sạt lở đá trên núi Cấm là sẽ mời Viện Vật lý địa cầu dùng máy khảo sát toàn tuyến các vách đá, sau đó đề ra biện pháp cụ thể để xử lý các tảng đá đang có nguy cơ sạt lở. Trên cơ sở đó, Sở trình ủy ban về việc cho thông xe đường lên núi Cấm.

Vụ sạt lở đá khổng lồ: Sẽ mời Viện Vật lý địa cầu đến khảo sát

Vách núi thẳng đứng với nhiều tảng đá còn nằm cheo leo khiến các nhà chuyên môn lo ngại

Trước đó ông Thư đã nhận định: Một trong những kỹ thuật bắt buộc khi thi công đường trên núi là không để vách núi thấp hơn 75 độ và độ cao của vách đá không được vượt quá 10m. Nghĩa là đối với vách núi cao hàng trăm mét như núi Cấm phải cắt tầng nhiều lần, đồng thời “gọt” vách núi để mái chân đảm bảo an toàn trước khi áp dụng các kỹ thuật xử lý làm “cứng” phần vách núi.

Đây cũng là vấn đề lo ngại của nhiều người dân và các nhà chuyên môn trước thông tin đường lên núi Cấm sẽ được thông xe trở lại. Để tránh những thảm họa tương tự có thể xảy ra, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm có các biện pháp hiệu quả nhất.

Nguyễn Hành