Vụ ô tô rơi khỏi đường trên cao: Thiết kế không an toàn!

(Dân trí) - “Bất kỳ người nào có chuyên môn kỹ thuật khi nhìn vào thiết kế của đường trên cao Hà Nội đều thấy không đảm bảo an toàn giao thông. Tôi cho rằng đây là một thiết kế không tốt. Về nguyên tắc, ngoài các giải pháp đảm bảo thông thường thì bắt buộc phải có hộ lan an toàn”.

Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn - Giảng viên Bộ môn Quy hoạch và quản lý giao thông, trường Đại học Giao thông vận tải - cho biết như vậy khi trao đổi với PV Dân trí về thiết kế đường trên cao Hà Nội và vụ tai nạn đáng tiếc vừa xảy ra.

Thiết kế không tốt, không đảm bảo an toàn

- Chủ đầu tư dụ án lý giải thiết kế "cắt khúc" đột ngột như vậy là dựa trên yếu tố hình học, giúp giảm chi phí xây dựng và đảm bảo an toàn giao thông. Là người có chuyên môn sâu về thiết kế công trình giao thông, ông nhìn nhận như thế nào về thiết kế của đường trên cao vừa xảy ra tai nạn?

- Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn: Bất kỳ người nào có chuyên môn kỹ thuật khi nhìn vào thiết kế của đường trên cao Hà Nội đều thấy không đảm bảo an toàn giao thông. Tôi cho rằng đây là một thiết kế không tốt.


Không có tiêu chuẩn nào về thiết kế “cắt khúc” đột ngột như đường trên cao Hà Nội (ảnh: Tiến Nguyên)

"Không có tiêu chuẩn nào về thiết kế “cắt khúc” đột ngột như đường trên cao Hà Nội" (ảnh: Tiến Nguyên)

Về nguyên tắc, đối với những vị trí đường khá đặc biệt như đường trên cao thì ngoài các giải pháp thông thường như kẻ vạch sơn, làn dừng đỗ khẩn cấp thì bắt buộc phải có hộ lan an toàn. Ở đây có 2 bài toán, nếu là thiết kế công trình mới thì phải sửa cái gì? Trường hợp công trình đã khai thác và xảy ra tai nạn như hiện nay thì cần phải bổ sung thiết bị gì để đảm bảo an toàn giao thông?

- Thực tế các công trình hạ tầng giao thông đang khai thác có thiết kế nào "cắt khúc" đột ngột giống như đường trên cao Hà Nội không thưa ông?

- Những công trình đã đưa vào khai thác, thiết kế “cắt khúc” như vậy cũng có nhiều, nhưng đó là những công trình ở dưới đất và vận tốc lưu thông thấp nên mức độ rủi ro hạn chế hơn. Còn với đường trên cao thì không có tiêu chuẩn nào về thiết kế “cắt khúc” đột ngột như vậy. Phải có sự chuyển tiếp cho phương tiện, phải được vuốt nối an toàn.

Xét về góc độ kỹ thuật, những công trình dành cho xe lưu thông với vận tốc lớn và công trình đường cao tốc thì vấn đề thiết kế để đảm bảo an toàn giao thông là vấn đề rất quan trọng, kể cả trong trường hợp phương tiện xảy ra tai nạn thì thiết kế của công trình phải hạn chế được rủi ro cho người đi đường và có tác dụng hạn chế thiệt hại tai nạn, đảm bảo người lái xe có thể sống (trừ khi ô tô tông trực tiếp vào nhau).

- Công trình đường trên cao Hà Nội do Nhật Bản thiết kế, mà Nhật Bản vốn nổi tiếng là chú trọng đến an toàn chứ không phải là thẩm mỹ, ông có ý kiến gì về điều này?

- Tôi đã làm rất nhiều dự án mà tên cơ quan thiết kế là Nhật Bản hoặc là của nước ngoài, nhưng thực tế 70% khối lượng công việc do các tư vấn thiết kế trong nước thực hiện, phía Nhật không phải lúc nào cũng đảm bảo quản lý được toàn bộ thiết kế hoặc phát hiện ra những lỗi nhỏ.

Nhật Bản thiết kế dự án nhưng 70% công việc là do tư vấn Việt Nam thực hiện? (ảnh: C.N.Q)
Nhật Bản thiết kế dự án nhưng 70% công việc là do tư vấn Việt Nam thực hiện? (ảnh: C.N.Q)

Trong trình tự về triển khai thực hiện và đưa dự án vào khai thác thì có 1 công tác bắt buộc là thẩm tra thẩm định an toàn giao thông là rất quan trọng, với dự án đường trên cao tôi nghĩ là trước khi đưa vào khai thác đã thiếu đi công tác thẩm tra thẩm định này. Theo tôi, cần đề nghị Bộ Giao thông vận tải, TP Hà Nội tiến hành bổ sung công tác thẩm tra thẩm định về an toàn giao thông đối với công trình đường trên cao.

"Không thể đổ lỗi cho người lái"

- Với kinh nghiệm gần 20 năm nghiên cứu, giảng dạy, tư vấn trong lĩnh vực giao thông vận tải và nhiều năm làm việc tại Vương quốc Anh, ông đánh giá như thế nào về vấn đề thiết kế và tổ chức giao thông của đường trên cao Hà Nội?

- Tiến sĩ Trần Hữu Minh - Chuyên gia độc lập về an toàn giao thông: Phương án tổ chức giao thông thay đổi theo thời gian. Cách đây khoảng 2 thập kỷ, phương án tổ chức giao thông theo quan điểm yêu cầu người tham gia giao thông phải thực hiện theo đúng các quy tắc, quy định thì mới được an toàn, nếu không thực hiện đúng thì sẽ xảy ra tai nạn. Phương án tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì hiện nay là đúng như quan điểm của cách đây 20 năm.

Quan điểm bây giờ, khi thiết kế một công trình hạ tầng phải “du dư” ra một năng lực an toàn hơn, để người tham gia giao thông nếu có một lỗi nhỏ thì vẫn tránh được tai nạn. “Du dư” đó là gì? Đó là làm vùng đệm rộng ra, gắn những đinh tán, có phản quang… những giải pháp này sẽ cảnh báo sớm cho người lái xe trong trường hợp bị lệch lạc có nguy cơ xảy ra tai nạn.

Phương án tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì hiện nay là đúng như quan điểm của cách đây 20 năm, quan điểm này đã lỗi thời nên mới xảy ra tai nạn đáng tiếc (ảnh: Tiến Nguyên)
"Phương án tổ chức giao thông trên cầu Thanh Trì hiện nay là đúng như quan điểm của cách đây 20 năm, quan điểm này đã lỗi thời nên mới xảy ra tai nạn đáng tiếc" (ảnh: Tiến Nguyên)

Riêng ở góc độ thiết kế, hiện người ta ngày càng theo xu thế hướng tới sự an toàn hơn cho người tham giao giao thông, không đổ lỗi cho người lái xe, thậm chí phải cho người lái xe có sự sai số nhất định mà vẫn an toàn. Tuy nhiên, với cầu Thanh Trì thì yếu tố thiết kế không đảm bảo về mặt an toàn giao thông.

- Trước vị trí bị thu hẹp“bất thình lình” cũng có “vùng đệm” rộng, có vạch sơn chéo cấm phương tiện, có chỉ dẫn đường và đèn chiếu sáng, thưa ông?

- Đúng là có vạch sơn kẻ đường, có chỉ dẫn, có đèn. Nhưng vấn đề là thực tế duy tu bảo trì đường không chuẩn, vạch sơn kẻ đường thì bị mờ, đèn thì hỏng… đã tạo ra mối nguy hiểm rất lớn cho người tham gia giao thông.

Tại đó đúng ra phải có đường vát, phản quang cảnh báo để loại trừ những rủi ro có thể xảy ra, phải có dải phân cách cứng dạng đuôi hổ để người tham gia giao thông nhận biết và khi đến đó có thể xử lý chuyển hướng hoặc đánh lái chuyển dần sang làn đường chính chứ không bị cắt lái đột ngột như vậy.

Vạch sơn mờ, không có đinh tán giao thông, không có phản quang cảnh báo... đã góp phần tăng thêm rủi cho cho người tham gia giao thông (ảnh: Tiến Nguyên)
Vạch sơn mờ, không có đinh tán giao thông, không có phản quang cảnh báo... đã góp phần tăng thêm rủi cho cho người tham gia giao thông (ảnh: Tiến Nguyên)

- Ban Quản lý Dự án Thăng Long cho rằng thiết kế của họ đảm bảo an toàn giao thông, tai nạn xảy ra là do lái xe ẩu. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

- Theo thống kê khi xảy ra tai nạn giao thông thì ít có 1 nguyên nhân thuần túy, thông thường do tổng thể các yếu tố như: Con người, hạ tầng, phương tiện và môi trường. Trong các 4 yếu tố này chỉ là nguyên nhân nào chiếm tỷ trọng lớn dẫn tới tai nạn.

Vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra rồi và sẽ phải xét tới nguyên nhân tổng thể chứ không thể đổ lỗi riêng cho lái xe, ở đây phải xét tới cả nguyên nhân liên quan đến thiết kế công trình.

- Tính mạng con người là quan trọng, dù thiết kế thế nào nhưng tai nạn đã xảy ra thì nghĩa là có vấn đề. Vậy cần phải có giải pháp gì để đảm bảo an toàn giao thông thưa ông?

- Tôi cho rằng giải pháp cần làm ngay là phải rà soát lại các quy chuẩn kỹ thuật xem thiết kế tại đường trên cao có nằm trong quy chuẩn không. Rà soát toàn tuyến đường, đặc biệt là những vị trí tương tự vừa xảy ra tai nạn để triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông. Kiểm tra công tác bảo trì đường, các thiết bị chiếu sáng, sơn kẻ đường…

Cần tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn mang tính vật lí để trong điều kiện thời tiết không tốt hay khói bụi thì vẫn có sự cảnh báo tốt cho người tham gia giao thông, như: Đinh phản quang, đinh tán phân làn… Cùng đó, rút ra bài học kinh nghiệm sau vụ tai nạn này để tuyên truyền cho các lái xe tham gia giao thông ở tuyến đường trên cao.

- Xin cảm ơn ông!

Châu Như Quỳnh (thực hiện)