Vụ hổ vồ rách chân trẻ: Cơ sở nuôi nhốt hổ hết giấy phép

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc một học sinh tại xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) bị hổ vồ rách chân, qua rà soát, kiểm tra, cơ sở này đã hết giấy phép và chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.

>> Vụ hổ vồ rách chân trẻ: Nuôi nhốt hàng chục con hổ sát khu dân cư

>> Trèo tường xem hổ, một học sinh bị hổ vồ rách chân

Không tiếp tục gia hạn, cấp mới giấy phép

Sau khi Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) có kiến nghị gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về nuôi hổ tại xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Trại nuôi nhốt hổ ít có người lạ ra vào
Trại nuôi nhốt hổ ít có người lạ ra vào

Đồng thời, khẩn trương phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Thọ Xuân và các đơn vị có liên quan căn cứ quy định của pháp luật, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, nghiên cứu, xem xét khuyến nghị của ENV.

Liên quan đến cơ sở nuôi nhốt hổ nêu trên, ENV đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị rà soát, kiểm tra cơ sở nuôi nhối hổ của ông Nguyễn Mậu Chiến. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan hữu quan tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở nuôi nhốt hổ này, cũng như xem xét không tiếp tục gia hạn hoặc cấp mới giấy phép nuôi nhốt hổ tại đây.

Được biết, ngày 27/4/2017, Phòng 2, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về buôn lậu (C74) - Bộ Công an, phối hợp cùng Công an quận Hoàn Kiếm và Công an quận Hà Đông, Hà Nội đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Mậu Chiến cùng đồng bọn, tịch thu 36kg sừng tê giác, 2 cá thể hổ đông lạnh, 3 bộ da sư tử cùng nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ ngà voi và các loài động vật hoang dã (ĐVHD) khác.

Trại nuôi không đạt được mục đích là nuôi sinh trưởng
Trại nuôi không đạt được mục đích là nuôi sinh trưởng

Được biết, năm 2008, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và giao ông Nguyễn Mậu Chiến nuôi thí điểm vì mục đích nghiên cứu bảo tồn 12 cá thế hổ bị phát hiện nuôi nhốt bất hợp pháp tại cơ sở của đối tượng ở địa phương.

Đến nay, ngoài 1 cá thể hổ chết được ghi nhận vào tháng 12/2008, số lượng hổ tại cơ sở này trong những năm qua không hề biến động.

Tuy nhiên, trong quá trình liên tục theo dõi và cập nhật biến động tại cơ sở nuôi nhốt hổ này, ENV cũng đã thu thập được nhiều bằng chứng hình ảnh cho thấy đặc điểm định dạng của các cá thể hổ được nuôi nhốt đã có nhiều thay đổi.

ENV nghi ngờ cơ sở nuôi nhốt hổ này thực chất chỉ đóng vai trò “vỏ bọc” cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép hổ và các loài ĐVHD khác mà không hề phục vụ mục tiêu nuôi thí điểm “bảo tồn” hổ như UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề ra.

Số lượng hổ nhiều năm qua không biến động, không tăng, không giảm
Số lượng hổ nhiều năm qua không biến động, không tăng, không giảm

Do đó, ENV đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát cơ sở nuôi nhốt hổ nêu trên; làm rõ những hoạt động bất hợp pháp đã và đang diễn ra nhằm xử lý triệt để mọi dấu hiệu vi phạm về hổ cũng như các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm khác tại cơ sở.

Đồng thời, xem xét không tiếp tục gia hạn hoặc cấp mới giấy chứng nhận nuôi nhốt hổ cho cơ sở này; nghiên cứu các giải pháp nhanh chóng chuyển giao những cá thể hổ nuôi nhốt tại cơ sở này về các trung tâm cứu hộ theo quy định của pháp luật.

ENV sẽ sẵn sàng hỗ trợ liên lạc các trung tâm cứu hộ có khả năng tiếp nhận và điều phối quá trình chuyển giao hổ về những trung tâm này theo yêu cầu từ UBND tỉnh Thanh Hóa.

Chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học

Ngày 27/6, theo báo cáo của Sở NN&PTNT Thanh Hóa, trại nuôi hổ tại xã Xuân Tín được cấp giấy chứng nhận trại nuôi với mục đích nuôi sinh trưởng, sinh sản để bảo tồn, thời hạn 5 năm và đã hết hạn vào ngày 22/5/2017. Số lượng hổ hiện tại là 11 cá thể (4 cá thể đực và 7 cá thể cái).

Qúa trình nuôi, chủ trại nuôi đã chấp hành tốt quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trại nuôi được xây dựng ở khu vực biệt lập, không có người lạ ra, vào, không đạt được mục đích là nuôi sinh trưởng, sinh sản để bảo tồn, số cá thể hổ cái không sinh sản. Không có tác dụng giáo dục môi trường, giáo dục thiên nhiên hay nghiên cứu khoa học.

Theo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, trại nuôi hổ này chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
Theo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, trại nuôi hổ này chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.

Hơn nữa, chủ trại nuôi không trực tiếp quản lý, trong khi đó, qua thông tin của cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cũng như phản ánh của ENV, chủ trại nuôi là ông Nguyễn Mậu Chiến đã bị khởi tố và bắt tạm giam với nhiều tang vật là ĐVHD và sản phẩm của chúng, trong đó có 2 cá thể hổ đông lạnh.

Kết quả kiểm tra bước đầu, xác định trại nuôi chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.

Chi cục kiểm lâm Thanh Hóa đã có văn bản gửi Cục kiểm lâm, cơ quan quản lý CITES Việt Nam xin ý kiến về hoạt động gây nuôi, cấp phép trại nuôi hổ tại xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân, đến nay chưa nhận được ý kiến phản hồi của các cơ quan trên.

Trong khi chờ ý kiến, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục kiểm lâm, UBND huyện Thọ Xuân tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại trại nuôi hổ, không để xảy ra vụ việc vi phạm về chế độ quản lý ĐVHD.

Đồng thời, yêu cầu gia đình chủ trại tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng các cá thể hổ hiện có, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng, sức khỏe cộng đồng, không được tự ý di chuyển hổ ra khỏi khu vực nuôi nhốt khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép.

Duy Tuyên