Vụ chủ tịch huyện bỏ dở đối thoại khi phát hiện báo chí: “Vì người nói không có người nghe” (!?)

(Dân trí) - Ông Nguyễn Hồng Chuyên - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ (Hưng Yên) - cho biết, cuộc đối thoại giữa lãnh đạo huyện và nhân dân xã Quang Hưng ngày 19/10 bị bỏ dở vì người dân gây ồn ào, “người nói không có người nghe” nên Chủ tịch huyện mới quyết định dừng cuộc đối thoại và sẽ tiếp tục vào hôm khác.

Theo kế hoạch, chiều 19/10, tại trụ sở của UBND huyện Phù Cừ (Hưng Yên) sẽ diễn ra cuộc đối thoại giữa lãnh đạo huyện này và hàng chục người dân ở xã Quang Hưng nhằm giải quyết việc đề nghị tạm dừng phá dỡ nhà trên đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Tuy nhiên, theo thông tin đăng tải trên một số cơ quan báo chí, cuộc đối thoại trên mới bắt đầu được ít phút thì ông Trần Minh Hải – Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ bỏ dở ra về vì “phát hiện có báo chí”.

Liên quan đến nội dung trên, ngày 20/10, phóng viên Dân trí đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại với ông Trần Minh Hải để tìm hiểu rõ hơn về sự việc trên nhưng ông Hải không nghe máy.

Sáng nay (21/10), phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Chuyên – Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ vẫn với nội dung trên.

Ông Chuyên giải thích: “Cuộc đối thoại hôm đó huyện chỉ mời người dân xã Quang Hưng và một số luật sư được người dân ủy quyền, không mời báo chí. Tuy nhiên, cuộc họp chưa chính thức bắt đầu thì xuất hiện một số cơ quan báo chí đến, lãnh đạo huyện cũng giải thích cho báo chí hiểu là cuộc đối thoại này không mời báo chí mà chỉ làm việc với nhân dân xã Quang Hưng.

Tuy nhiên, không hiểu sao, khi có mặt của cơ quan báo chí, người dân trong cuộc họp rất nhốn nháo, ồn ào và lúc này người nói đã không có người nghe nên Chủ tịch huyện mới quyết định dừng cuộc họp, sẽ tổ chức lại vào hôm khác”.

Cũng theo ông Chuyên, trước đó, huyện Phù Cừ cũng đã tổ chức cuộc đối thoại với người dân xã Quang Hưng về nội dung trên nhưng không thành vì người dân yêu cầu phải cho luật sư tham dự.

Về việc cuộc họp trên diễn ra công khai, mặc dù không được mời nhưng cơ quan báo chí vào tham dự để ghi nhận khách quan tình hình thì có vi phạm quy định không? Ông Chuyên từ chối bình luận và cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ có một buổi khác để trả lời cơ quan báo chí về nội dung này”.

Theo tìm hiểu, trên địa bàn huyện Phù Cừ, tình trạng vi phạm trên đất nông nghiệp diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương từ năm 2003, đến nay mới bị xử lý. Nguyên nhân được xác định là do việc buông lỏng quản lý, xử lý chưa triệt để của các cấp chính quyền cơ sở.


Nhiều hộ dân ở xã Quang Hưng đã cho gà, lợn lên nhà ở nhằm tránh việc nhà bị phá dỡ (Ảnh: Dân việt).

Nhiều hộ dân ở xã Quang Hưng đã cho gà, lợn lên nhà ở nhằm tránh việc nhà bị phá dỡ (Ảnh: Dân việt).

Đến nay, sau khi tiến hành xem xét trách nhiệm, huyện đã xử lý 4 cán bộ gồm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quang Hưng và Minh Tân. Ngoài ra, Huyện ủy cũng ra kết luận khiển trách công tác Đảng đối với Đảng bộ của hai xã này.

Lãnh đạo huyện cũng khẳng định, diện tích mà các hộ dân đưa gà, lợn lên ở là nhà được xây kiên cố, trái phép nên tới đây, sẽ tiến hành giải tỏa triệt để, chấm dứt tình trạng "băm nát đất nông nghiệp".

Cũng theo thống kê, toàn huyện Phù Cừ hiện có 956 hộ xây dựng công trình vi phạm gồm nhà ở, nhà tạm trên đất nông nghiệp. Đến nay, đã có 629 hộ tự nguyện tháo dỡ công trình nhà ở vi phạm còn các lều, lán vẫn được cho phép giữ lại để trông coi vườn, ao, chuồng chăn nuôi.

Tuy nhiên, ở xã Quang Hưng vừa qua đã xảy ra tình trạng "ngược đời", đó là hàng loạt các hộ dân đều... đổi chỗ ở cho lợn, gà. Nghĩa là dân cho gà, lợn lên nhà cao cửa rộng ở, còn gia đình sẽ xuống ở... chuồng lợn.

Lý giải về chuyện ngược đời nói trên, nhiều người dân cho biết: "Có làm như vậy mới không bị tháo dỡ nhà".

Nguyễn Dương