Vụ 49 LĐ nữ VN kẹt tại Malaysia: Vì sao bị cách ly nghiêm ngặt?

Trong số 69 lao động nữ Việt Nam trở thành nạn nhân của Cty môi giới lao động Asmana của Malaysia, có 49 người đang bị cách ly tại Trung tâm Bảo vệ phụ nữ thuộc Bộ Phát triển gia đình và phụ nữ Malaysia.

Tại đây, họ không được tiếp xúc với bên ngoài và cũng không được sử dụng ĐTDĐ để liên lạc. Chính hoàn cảnh này trở thành dấu hỏi lớn gây lo lắng cho người thân của họ và khiến dư luận băn khoăn.

Hoàn cảnh tương phản

Theo tìm hiểu của chúng tôi, số 49 lao động nữ VN bị kiểm tra hành chính và bị tạm giữ vì lý do trực tiếp là hết hạn visa, vốn cư trú tại ba địa điểm khác nhau ở Penang. Trong các ngày 16-18.3.2012, khi những bài báo tiếng Anh (The Star) và tiếng Hoa (Tinh Châu báo) liên tiếp đăng tải tin, bài và ảnh cho rằng những người lao động này bị bỏ đói và đối xử tệ, xuất phát từ tình huống có một vị chức sắc của chính quyền bày tỏ sự quan tâm và quan ngại đến tình trạng hiện nay của các lao động này. Ông Lee Swee Choong - GĐ một Cty môi giới lao động tại Malaysia - cho biết: “Vị chức sắc này là nghị viên cấp châu (tương đương đại biểu HĐND cấp tỉnh ở VN - PV) chứ không phải nghị sĩ quốc hội”. Theo ông Lee, đi cùng vị nghị viên này có PV các tờ báo nói trên.
 
Vụ 49 LĐ nữ VN kẹt tại Malaysia: Vì sao bị cách ly nghiêm ngặt?
Nữ lao động Việt Nam ở Penang, Malaysia. Nguồn: Tân Châu báo

Không phải đến ngày 18.3 các cơ quan chức năng Malaysia mới phát hiện số lao động nữ VN vốn làm việc tại các bệnh viện hết hạn thị thực mà họ đã nắm được vấn đề từ những tháng trước. Và số lao động trên được Cty môi giới Asmana làm giấy lưu trú đặc biệt ngắn hạn (thay vì làm visa có thời hạn 1 năm) để họ tiếp tục làm việc. Song từ ngày 16-18.3, khi báo chí tại Malaysia đồng loạt đăng tải loạt bài như đã nói ở trên, thì các cơ quan chức năng tại Penang đã tiến hành kiểm tra và tạm giữ các lao động. 

Vì sao trong số 69 lao động do Cty Việt Hà đưa sang làm việc ở Bệnh viện Penang thông qua Asmana nhưng chỉ có 49 người hiện bị câu lưu? Ngoài một số người về trước thời hạn và 3 lao động nam hiện được tập trung ở Melaka, thì hiện vẫn còn 10 lao động nữ trú tại 2 địa điểm khác nhau tại Penang. 

Bà Nguyễn Thị Quý - GĐ chi nhánh Cty Việt Hà Hà Tĩnh, hiện đang túc trực tại Penang - cho biết, khi cơ quan chức năng Penang tới kiểm tra thì số người này đi ra ngoài công việc hoặc đi chơi, sau đó mới về. Xác minh vấn đề từ nữ lao động Võ Thị Thủy hiện đang trọ cùng 4 người khác tại số nhà 191 Lorong 79 Tam Manria, thì chị cho biết: “Trong những ngày qua tụi tôi (5 người) vẫn ở trọ bình thường không thấy có cảnh sát hay cơ quan chức năng nào của Malaysia tới kiểm tra”. 10 lao động này, cũng quá hạn visa từ 6-7 tháng như 49 lao động kia, nhưng số 49 lao động lại bị cách ly đến nghiêm ngặt. 

Chuyện thường ngày ở… Malaysia

Trường hợp lao động VN làm việc bất hợp pháp tại Malaysia hoặc hết hạn visa bị kiểm tra phát hiện và bắt giữ không phải là ít. Năm 2006, trong một đợt truy quét, cơ quan chức năng Malaysia đã bắt giữ 1.700 lao động nước ngoài trái phép (không có hộ chiếu, hộ chiếu giả, visa hết hạn...) làm việc trong một nhà máy chế biến caosu tại Sepang bang Selangor, trong đó có 272 lao động VN. Những lao động này đã bị giam và cách ly nghiêm ngặt. 

Theo ông Lee Swee Choong, đây là quy trình xử lý thông thường của các cơ quan chức năng tại Malaysia. “Lao động do chúng tôi môi giới cũng từng bị bắt giữ do khi kiểm tra không có giấy tờ tùy thân hợp pháp. Hôm sau chúng tôi mang cơm vào thăm nuôi cũng không được” - ông Lee cho biết. Hay trường hợp 8 lao động VN làm việc tại một nhà máy nhưng quá hạn visa chủ sử dụng không chịu đi làm lại, khi 8 lao động này bị bắt đã bị giam tới cả năm, để đến khi ra tòa phán xử đúng sai thì mới được thả.

Tuy nhiên trong trường hợp 49 lao động nữ VN có khác một chút. Có ý kiến cho rằng số 10 người hiện ở tại Penang nhờ may mắn thoát câu lưu. Nhưng cũng có lý giải rằng, số 49 người có lẽ ở tại “điểm nóng” nơi mà vị nghị viên kia đến thị sát và báo chí Malaysia đăng tải rầm rộ, chính vì thế mới bị xử nặng hơn. Nhưng theo chúng tôi, dù ở góc độ nhìn nhận nào và bên trong sự câu lưu còn ẩn khúc gì, thì lao động VN cũng đều là nạn nhân.

Chiều 22.3, BQL lao động VN tại Malaysia đã có cuộc họp với Cục Lao động Malaysia với sự tham dự của ông Giám đốc Sở Lao động Penang. Theo ông Nguyễn Tiến San - Trưởng BQL, phía VN tiếp tục đề đạt lại nguyện vọng nhanh chóng giải quyết vụ việc nhằm bảo đảm quyền lợi cho các lao động VN. “Phía Cục Lao động Malaysia đã ghi nhận vấn đề và cho biết sẽ báo cáo cấp trên để xin ý kiến giải quyết” - ông San nói.
 
Theo Thẩm Hồng Thụy 
Lao động