Đắk Lắk:

Voi rừng sập bẫy được bác sĩ Thái Lan chữa trị vết thương

(Dân trí) - Sau gần 2 tuần được các chuyên gia Thái Lan chữa trị, chú voi rừng bị sập bẫy khiến bị thương ở chân và vòi, đã hồi phục sức khỏe.

Từ ngày18/4 - 24/4, đoàn chuyên gia đến từ Thái Lan gồm 1 bác sĩ và 2 nài voi đã đến Vườn Quốc gia Yok Đôn (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) để tận tay chữa trị cho con voi rừng 3 tuổi đang bị thương.

Bác sĩ Khajohnpat Boonprasert (35 tuổi, công tác tại Trung tâm bảo tồn voi của Chính phủ Thái Lan) cho biết, sau khi biết thông tin 1 con voi rừng tại Vườn Quốc gia Yok Đôn bị thương từ người bạn, anh đã nhanh chóng trao đổi cùng các chuyên gia, tiến hành các thủ tục cần thiết và tổ chức chuyến điều trị đầu tiên cho voi ở Việt Nam.

Bác sĩ Thái Lan tiến hành chữa trị vết thương cho voi
Bác sĩ Thái Lan tiến hành chữa trị vết thương cho voi

Trong quá trình chữa trị, 2 nài voi của Thái Lan đã tiếp cận và điều khiển để voi bớt hung dữ hơn, sau đó bác sĩ Khajohnpat tiến hành tiêm thuốc mê và tiếp cận với vết thương khá nặng ở phần chân voi.

“Vì con voi bị thương là voi rừng nên không dễ tiếp cận. Vết thương ở chân đã bị nhiễm trùng, tạo thành ổ mủ lớn, nếu công tác chữa trị chậm có thể dẫn đến hoại tử và nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Khajohnpat đánh giá.

Sau khi gây mê voi, bác sĩ Khajohnpat đã nhanh chóng lau rửa vết thương, xử lý các cặn bẩn tại ổ mủ, tiến hành bôi thuốc vào vết thương và băng bó lại chân của voi.

Bác sĩ thú y Phạm Văn Thịnh (Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk) cho biết: “Đoàn chuyên gia của Thái Lan không chỉ tiến hành chữa trị cho voi mà còn chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp cận voi bị thương và các hướng chữa trị cho voi. Trung tâm bảo tồn voi sẽ tiếp tục thực hiện công việc sát khuẩn, vệ sinh, sức thuốc để voi sớm bình phục hoàn toàn”.

Vết thương của voi rừng đang dần bình phục
Vết thương của voi rừng đang dần bình phục

Cũng theo bác sĩ Khajohnpat, công tác chữa trị có thể phải kéo dài trên 2 tháng. Trong suốt thời gian voi rừng bị thương, voi đã tiếp xúc nhiều với con người vì vậy không nên thả voi lại vào rừng vì vết thương này sẽ cản trở voi trong việc kiếm ăn, voi di chuyển chậm, dễ bị các loài động vật khác tấn công.

Ông Phạm Văn Lãng - Phó Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk - cho biết: “Trung tâm đã làm báo cáo đề xuất Vụ Bảo tồn thiên nhiên, các cơ quan hữu quan về việc giữ lại voi rừng để chữa trị, bảo vệ và hướng tới việc nhân giống”.

Trước đó, vào ngày 17/2, con voi rừng bị thương được phát hiện tại Vườn Quốc gia Yok Đôn, sau đó Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk đã phối hợp cùng Tổ chức đông vật Châu Á tiến hành chữa trị ban đầu cho voi và tiếp tục theo dõi.

Theo số liệu của Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk toàn tỉnh hiện có 6 – 7 đàn voi hoang dã với số lượng khoảng 100 con sống tập trung tại Vườn Quốc gia Yok Đôn và khu vực dọc biên giới Campuchia.

Trương Nguyễn