1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

VKSND Tối cao lo lắng nếu giao quyền lấy lời khai cho công an xã

(Dân trí) - Thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự chiều qua 14/10, ông Nguyễn Hải Phong - Phó viện trưởng VKSND Tối cao - bày tỏ lo ngại nếu giao thẩm quyền quá lớn cho công an xã phường, đồn công an.

Theo dự thảo luật, công an phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các đồ vật, tài liệu có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Công an xã có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai ban đầu và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo các tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Công an xã/phường/thị trấn còn có thể tổ chức bắt người phạm tội quả tang, người có quyết định truy nã, truy tìm đang lẩn trốn trên địa bàn xã; dẫn giải người bị bắt lên cơ quan công an cấp trên trực tiếp.

Trường hợp công an xã, phường, thị trấn, đồn công an phát hiện bắt giữ người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã thì thu giữ, tạm giữ vũ khí, hung khí và bảo quản đồ vật, tài liệu có liên quan, lập biên bản bắt giữ, lấy lời khai ban đầu, bảo vệ hiện trường theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh những ý kiến đồng ý, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho biết một số ý kiến của đại biểu Quốc hội không nhất trí với quy định của dự thảo luật về trách nhiệm của công an xã, phường, thị trấn, đồn công an vì lực lượng này không có nghiệp vụ cơ bản trong hoạt động điều tra.     

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, trên thực tế công an cấp xã đang thực hiện các nhiệm vụ này theo quy định tại các khoản 6 và 7 Điều 9 của Pháp lệnh Công an xã. Tuy nhiên, một số hoạt động nêu trên đã hạn chế quyền cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 cần phải được quy định trong luật. Dự thảo luật cũng không quy định công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra và thẩm quyền tố tụng mà chỉ quy định trách nhiệm hỗ trợ hoạt động điều tra như vậy là phù hợp, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn”- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói.

 

(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hải Phong - Phó viện trưởng VKSND Tối cao, lại khẳng định việc cho phép công an xã phường được lấy lời khai ban đầu là không đúng với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và sẽ rất khó kiểm sát.

“Để cho công an xã phường lấy lời khai ban đầu không phù hợp với quy định. Nhiều xã phường có năng lực, nhưng về cơ bản năng lực còn yếu, về cơ bản thực hiện nghiệp vụ này không phù hợp”- ông Phong nói.

Theo ông Phong, nếu giao cho lực lượng này thẩm quyền như vậy thì giá trị pháp lý như thế nào phải được quy định vào trong Bộ luật tố tụng hình sự. “Viện kiểm sát có kiểm sát những thông tin mà công an xã phường thu thập được hay không, nếu không kiểm sát thì ai chịu trách nhiệm trong việc này? Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải cân nhắc kỹ cái này, chứ không mai kia ban hành ra không có cơ chế giám sát quyền lực thì rất đáng ngại. Ở chỗ nào không có giám sát quyền lực thì ở chõ đó sẽ có lạm dụng quyền lực”- ông Phong bày tỏ lo lắng.

Giải đáp băn khoăn trên, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định công an xã/phường là một cấp hành chính và phải giải quyết sự việc. “Người dân tới báo về những vụ đâm chém nhau xảy ra hàng ngày thì ai là người trực tiếp tới hiện trường xử lý đầu tiên nếu không phải công an xã? Họ giải quyết theo thủ tục hành chính thôi, nhiều tài liệu của họ chỉ có giá trị tham khảo nhưng nếu cơ quan tố tụng đánh giá đấy là những tài liệu có giá trị thì sẽ sử dụng làm tài liệu điều tra. Cái này phù hợp với Pháp lệnh về Công an xã, không thể vì một vài vụ xâm phạm tính mạng thân thể mà nói quy định này không phù hợp”- Thượng tướng Lê Quý Vương nói.

“Chúng tôi đồng ý với Bộ Công an và Chính phủ trong việc giao quyền cho công an xã lấy lời khai ban đầu, thậm chí trưởng bản cũng phải lấy lời khai ban đầu. Khi dân bị đánh thì phải chạy lên trưởng bản đầu tiên, lúc đó phải ghi lại chứ. Nếu sau đó có vụ án giết người, vụ hiếp dâm, cướp của thì cơ quan điều tra mới coi tài liệu hành chính ấy, xem xét chuyển hóa thành tài liệu tố tụng. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, Chính phủ đề nghị cho công an xã làm việc này là đúng, phù hợp với lòng dân, ý dân và chúng ta nên thực hiện theo hướng này”- ông Nguyễn Văn Hiện nêu quan điểm.

Thế Kha