1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vietcombank: Cổ phần hay quốc doanh?

Ba bước đầu (tái cơ cấu tài chính, xử lý nợ xấu, tăng vốn) hiện đã được Ngân hàng Ngoại thương (VCB) làm được. Tuy nhiên, những người trong cuộc còn nhiều ý kiến băn khoăn về tư cách pháp lý của ngân hàng.

Lộ trình cổ phần hoá (CPH) hoàn toàn một ngân hàng quốc doanh dự kiến theo cách làm của Chính phủ sẽ diễn ra trong 3 năm, với các nhiệm vụ: tái cơ cấu tài chính, xử lý nợ xấu, tăng vốn (nhà nước cấp bổ sung vốn, phát hành trái phiếu để nâng tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu - CAR), cơ cấu lại tổ chức, hoạch định chiến lược phát triển và phát hành cổ phiếu. Đến nay, VCB đã đi được 3 bước đầu.

Bước đi thứ tư

Việc trái phiếu VCB lên sàn chứng khoán vào 28/7 này là một tín hiệu tốt cho những nhà đầu tư, bởi dù có hay không sở hữu trái phiếu này họ cũng đã mỏi mệt vì ngóng trông một cơ hội làm ăn với ngân hàng. Tuy nhiên, những thông tin trái chiều và sự chưa rõ ràng về lộ trình CPH khiến tình hình giao dịch trái phiếu VCB trên sàn chứng khoán đang buồn tẻ.

Theo công bố của ngân hàng, thời gian tiến hành bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của VCB sẽ do Chính phủ quyết định và dự kiến sớm nhất là 30/3/2007. Giá bình quân gia quyền (bình quân của các mức giá giao dịch trong phiên) của phiên IPO nhiều khả năng sẽ được dùng làm tỷ lệ chuyển đổi trái phiếu sang cổ phần.

Và số lượng cổ phiếu dành cho trái chủ thực hiện chuyển đổi sẽ tách biệt với số lượng cổ phiếu đưa ra đấu giá lần đầu. Theo tính toán của VCB, đợt phát hành có đủ cổ phiếu để trái chủ thực hiện chuyển đổi. Trường hợp không đủ, họ sẽ trình Chính phủ cho phát hành với khối lượng lớn hơn.

Về số lượng cổ phiếu được IPO, VCB sẽ giữ nguyên vốn hiện có theo giá trị xác định lại, phát hành cổ phiếu thu hút thêm vốn và việc bán cổ phần theo nhiều đợt, mỗi đợt không quá 10% vốn điều lệ để tăng vốn. Theo dự kiến của ngân hàng này, mức vốn điều lệ của VCB vào thời điểm CPH dự kiến không thấp hơn 1,5 tỷ USD, xấp xỉ 24.000 tỷ đồng và 10% vốn điều lệ sẽ tương ứng với 2.400 tỷ.

Tuy nhiên, trong thông báo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) công bố ngày 31/7, trái phiếu tăng vốn của VCB thực chất không phải là trái phiếu chuyển đổi, mà chỉ là trái phiếu tăng vốn có kèm theo quyền được mua cổ phiếu phổ thông của ngân hàng theo giá thị trường tại thời điểm CPH.

Cơ quan này khẳng định: “Chính phủ mới là cấp có thẩm quyền quyết định cuối cùng về mức vốn điều lệ cũng như số lượng cổ phiếu mà Vietcombank được phép phát hành lần đầu ra công chúng và dành cho trái chủ được thực hiện việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu”.

Trong lộ trình CPH ngân hàng quốc doanh theo mô hình của Trung Quốc và dự kiến theo cách làm của Chính phủ Việt Nam, VCB đã làm được 3 bước đầu. Việc cơ cấu tổ chức hiện đang làm từng bước nhưng chỉ trong khả năng cho phép. Chiến lược phát triển cũng dần định hình rõ nét với mục tiêu là trở thành một trong 70 tập đoàn tài chính hàng đầu châu Á.

Và việc phát hành cổ phiếu hiện còn chờ tư vấn nước ngoài, VCB hiện chưa đặt bút ký hợp đồng tư vấn CPH, nhưng tổ chức tài chính hàng đầu của Thuỵ Sĩ UBS (Union de Banques Suisses) hiện cũng là ứng cử viên nặng ký nhất để bước chân vào bên B trong bản hợp đồng tư vấn cổ phần hoá VCB.

VCB cần thông lệ quốc tế

Một băn khoăn lớn của người trong cuộc mà có thể ảnh hưởng lớn tới VCB cũng như lợi ích các cổ đông hậu CPH, đó là tư cách pháp lý của ngân hàng.

Hiện, có hai trường quan điểm. Thứ nhất cho rằng nên làm như Trung Quốc, tức quy định ngân hàng quốc doanh sau cổ phần hoá sẽ hoạt động như một ngân hàng cổ phần. Bởi CPH có nghĩa là bản chất sở hữu thay đổi, tức cơ cấu quản lý điều hành phải thay đổi tương ứng để đảm bảo cân bằng lợi ích cho các bên.

Trong khi đó, phía còn lại cho rằng, trước mắt tỷ lệ sở hữu Nhà nước trong Ngân hàng này vẫn là 70%, sau đó dù có hạ thấp dần nhưng tỷ lệ sở hữu Nhà nước vẫn không thấp hơn 51%. Vì vậy, VCB cần tiếp tục duy trì hoạt động và nguyên tắc quản lý điều hành như một Ngân hàng quốc doanh.

Trong khi đó, khung pháp lý hiện nay chưa thể tạo điều kiện cho cả hai phương án này được diễn ra trơn tru. Thời gian qua, việc cổ phần hoá VCB đã chậm trễ rất nhiều bởi những thành viên tham gia vào tiến trình này còn nhiều tranh cãi. Phía VCB, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và ngay cả Ban chỉ đạo CPH cũng có những ý kiến riêng và muốn xoay VCB theo hướng của mình. Bên cạnh đó, việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho VCB dường như không mấy rõ ràng.

Tại Hội thảo “Xúc tiến đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam”, ông Bradley C. Lalonde - Giám đốc Điều hành Vietnam Partners LLC - đã cho rằng, để tránh các cuộc khủng hoảng ở ngân hàng Việt Nam, cần xem xét chấm dứt áp dụng các thông lệ điều tiết hiện tại. Một số hoạt động giám sát ngân hàng hiện nay có thể phản tác dụng.

Hầu hết các ngân hàng thương mại, trong đó có VCB, hiện đều có mức dư nợ không sinh lời lớn hơn giới hạn cho phép từ 1,5 đến 2,5 lần; khả năng thanh toán bình quân của các tổ chức tín dụng mới đạt xấp xỉ 60%. Tỷ lệ sinh lời bình quân trên vốn tự có của các tổ chức tín dụng hiện chỉ là 6% so với mức 13-15% của các ngân hàng thương mại ở các nước trong khu vực…

Và theo ông Bradley C. Lalonde, sự thiếu thốn lớn nhất ngày nay là sự thiếu kinh nghiệm, và thiếu những nhân viên được đào tạo và có đủ tiêu chuẩn cần thiết để điều hành một tổ chức tài chính hiện đại theo phương thức để có thể cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng với các tổ chức tài chính quốc tế.

Với một số người điều hành, hiện VCB vẫn là “tổ chức tài chính đặc biệt” và ít nhiều đều muốn lôi kéo theo ý mình. Nhưng về bản chất, VCB hay bất kỳ ngân hàng nào cũng chỉ là một DN. Mà với một DN khi đã CPH, điều quan trọng nhất là có điều kiện tốt để làm ăn, đem lại lợi ích cho các cổ đông, quốc gia và cộng đồng kinh doanh mà thôi.

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, trước mắt muốn cổ phần hoá VCB nhanh phải áp dụng thông lệ quốc tế chứ không chỉ theo Nghị định 187 và Thông tư 126 của Chính phủ và NHNN. Việc nhanh chóng lựa chọn ra tổ chức tư vấn quốc tế phù hợp với VCB và giúp ngân hàng này hài hoà giữa các quy định trong nước và thông lệ quốc tế quả là cần thiết, bởi hầu hết các tổ chức này khi chào tư vấn đã có phương án định giá VCB dự kiến.

Theo Hồng Phúc - Phan Anh
VietNamnet