Việt Nam xây dựng xong kịch bản biến đổi khí hậu

(Dân trí) - Các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng tại Việt Nam cho thấy: miền Bắc và miền Trung sẽ tiếp tục tăng nhiệt vào mùa nóng. Mưa tại miền Nam sẽ giảm, trong khi miền Bắc diễn ra nhiều hơn; Biển sẽ dâng cao thêm 30-75cm, xâm lấn đồng bằng...

Các kịch bản biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Việt Nam, do Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa hoàn tất, cho thấy: Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu.

Theo kịch bản, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ nước ta có thể tăng 2,3 độ C so với trung bình thời kỳ 1980-1999. Mức tăng nhiệt độ từ 1,6 đến 2,8 độ C ở các vùng khí hậu khác nhau.

Cụ thể, nhiệt độ ở các vùng phía Bắc và Bắc Trung Bộ sẽ tăng mạnh hơn ở các vùng phía Nam. Nhiệt độ mùa đông tăng nhanh hơn nhiệt độ mùa hè. Tổng lượng mưa năm và lượng mưa vào mùa mưa ở các vùng nước ta, qua tính toán, đều tăng, trong đó lượng mưa mùa khô có xu hướng giảm, đặc biệt là ở phía Nam. Ở các vùng phía Bắc, mức tăng lượng mưa nhiều hơn so với các vùng khí hậu phía Nam.

Việt Nam xây dựng xong kịch bản biến đổi khí hậu  - 1

Lũ quét gây sạt lở đất ở các vùng núi phía Bắc ngày càng diễn ra nhiều và bất thường hơn

Về kịch bản nước biển dâng, các chuyên gia cho rằng: Vào giữa thế kỷ 21, mực nước biển có thể dâng thêm 30cm và đến cuối thế kỷ 21 có thể dâng thêm 75cm so với thời kỳ 1980-1999.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, các kịch bản biến đổi khí hậu chính là cơ sở ban đầu để các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH.

Thực tế đã cho thấy, không cần đợi thời gian, BĐKH đã bắt đầu tác động đến nước ta. Nhiều hiện tượng thiên nhiên trái với quy luật đã diễn ra. Triều cường, mưa bão xảy ra nhiều hơn tại TPHCM. Miền Trung liên tục trải qua những đợt nắng nóng kéo dài. Những cơn bão, lũ quét ở các vùng núi phía Bắc diễn ra bất ngờ với sức tàn phá ngày càng ác liệt. Vì vậy, vấn đề thích ứng và đối phó với BĐKH ở các địa phương thực sự là vấn đề cấp thiết cần phải thực hiện, ngay từ bây giờ.

Thanh Trầm