Việt Nam lên kế hoạch “xóa sổ” chất phá hủy tầng ozon

(Dân trí) - Dự án “Kế hoạch quốc gia quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam” giai đoạn 2012-2016 đã được thông qua giai đoạn 1, với khoản hỗ trợ 10 triệu USD từ quốc tế.

Tại cuộc gặp mặt báo chí nhân Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ozon 16/9/2011 với chủ đề “Loại trừ các chất HCFC: Một cơ hội duy nhất”, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu nhấn mạnh cho biết: Mục tiêu của Việt Nam và các quốc gia tham gia Nghị định thư Montreal về các chất suy giảm tầng ozon hiện nay là dần loại trừ hoàn toàn chất HCFC. Chất HCFC gồm HCFC-22 dùng trong điều hòa không khí gia đình, các hệ thống cấp đông kho lạnh, máy làm đá, một phần nhỏ ở điều hòa không khí trung tâm; HFCF-141b dùng trong sản xuất xốp cách nhiệt và HCFC-123 dùng trong điều hòa không khí trung tâm.
 
Việt Nam lên kế hoạch “xóa sổ” chất phá hủy tầng ozon - 1

Lỗ thủng tầng ozon tại Nam cực (Ảnh: natural.com)
 
Theo Nghị định thư Montreal, năm 2013, Việt Nam chỉ được tiêu thụ HCFC ở mức cơ sở (221,2 tấn). Từ tháng 10/2015 đến hết năm 2019 phải giảm 10% mức cơ sở, từ 2020 phải giảm 35% cơ sở và 2030 loại trừ hoàn toàn. Đối với lĩnh vực sửa chữa bảo dưỡng thiết bị, chúng ta được phép sử dụng HCFC đến năm 2040.

Để đảm bảo tuân thủ hạn định loại trừ các chất HCFC theo Nghị định thư Montreal, với sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đã hoàn thành xây dựng dự án “Kế hoạch quốc gia quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam”. Dự án đã được Ban chấp hành Quỹ đa phương thông qua giai đoạn 1 với khoản hỗ trợ 10 triệu USD, thực hiện từ năm 2012-2016.

Giai đoạn 2 của Dự án sẽ được Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu phối hợp với Ngân hàng thế giới xây dựng và vận động tài trợ vào năm 2015. Ước tính, Việt Nam cần thêm 20-25 triệu USD nữa để loại trừ hoàn toàn các chất HCFC.

 P. Thanh