1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Việt Nam có nguy cơ phải nhập khẩu cát

(Dân trí) - Gần đây, tình trạng khai thác và xuất khẩu cát tràn lan tại ĐBSCL và nhiều nơi trên cả nước gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường, đặc biệt là việc “chảy máu” tài nguyên dẫn đến nguy cơ Việt Nam phải nhập khẩu cát.

Việt Nam có nguy cơ phải nhập khẩu cát - 1
Sà lan trọng tải lớn của Singapore vào ăn cát ở sông Hậu.

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị thành lập các đoàn kiểm tra việc khai thác, xuất khẩu cát tại ĐBSCL. Ngày 7/9, các đoàn kiểm tra của Bộ TN-MT và Bộ Xây dựng đã đến Cần Thơ bắt đầu kiểm tra tình hình khai thác và xuất khẩu cát tại 10 tỉnh ĐBSCL.

Làm việc với UBND TP Cần Thơ, ông Phạm Ngọc Sơn, Vụ trưởng vụ Pháp chế, Bộ TN-MT, trưởng đoàn kiểm tra đưa ra một con số thống kê: Đến thời điểm này lượng cát xuất khẩu tại ĐBSCL đã đạt 7 triệu tấn, gấp 7 lần bình quân cả năm của những năm trước, có thể đến cuối năm, sản lượng cát xuất khẩu sẽ tăng lên trên 10 triệu tấn.

Ông Sơn cho biết: Cát là nguồn tài nguyên không tái sinh, phải tích tụ hàng triệu năm mới có được, cát cần thiết cho nhiều hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều nước thiếu cát đã phải dùng đá xay thay thế. “Bây giờ nếu chúng ta cứ xuất khẩu cát thiếu tính toán thì sẽ có nguy cơ phải nhập khẩu cát trong tương lai” - ông Sơn nói.

Tại Cần Thơ, Sở TN-MT báo cáo hiện có 10 mỏ cát , có 16 doanh nghiệp được cấp phép khai thác với 27 giấy phép. Tổng diện tích được cấp phép khai thác là 558,88 ha, trữ lượng 25.237.282 m3.

Tổng số phương tiện đăng ký khai thác là 31, tuy nhiên thực tế nhiều tháng qua, lượng phương tiện khai thác trên sông Hậu đoạn Cần Thơ thường xuyên gấp đôi, có khi tập trung hàng trăm chiếc.

Ông Nguyễn Hữu Có, Cục trưởng Cục Hải quan Cần Thơ cho biết: Từ tháng 10/2008, Thủ tướng đã có chỉ thị số 29 về việc tiếp tục tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông trong đó chỉ đạo trước mắt tạm ngưng việc xuất khẩu cát, sỏi xây dựng bao gồm cát, sỏi lòng sông và cát biển.

Tuy nhiên, chỉ thị cho phép thực hiện hợp đồng xuất khẩu cát, sỏi xây dựng đã được ký kết trước ngày 30/11/2008 và không hạn định thời gian thực hiện. Dựa vào “kẽ hở” đó, các doanh nghiệp ồ ạt ký kết hợp đồng hàng chục triệu tấn và tiếp tục xuất khẩu cát.

Hải quan Cần Thơ kiểm tra ở 7 doanh nghiệp đã phát hiện hàng chục hợp đồng có vấn đề, tuy nhiên hải quan không có chức năng giám sát các hợp đồng này nên không làm gì được. Khoảng nửa tháng nay, Hải quan Cần Thơ đã siết chặt thủ tục để hạn chế việc xuất khẩu cát.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ thừa nhận hiện việc quản lý, chấn chỉnh hoạt động khai thác cát rất khó khăn, có khi vượt ngoài tầm kiểm soát. Các cấp nghành đã sử dụng nhiều biện pháp: ngưng cấp phép khai thác, kiểm tra xử phạt… nhưng tình hình vẫn phức tạp.

Theo ông Sơn, chỉ riêng nhu cầu cát cho xây dựng hạ tầng cơ sở ở ĐBSCL cũng đã rất lớn. “Trong tương lai, việc Trung Quốc xây dựng các con đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong, sản lượng cát ở ĐBSCL càng ít đi. Vì vậy, Chính phủ cần xem xét ngưng xuất khẩu cát để bảo đảm nguồn tài nguyên này” - ông Sơn phân tích.

Nhật Trường