Việt Nam bước đầu làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh siêu nhỏ

(Dân trí) - Vệ tinh Pico Dragon là sản phẩm đầu tiện được phát triển hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư, nghiên cứu viên trẻ của Việt Nam.

Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (VNSC) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) cho biết, vào lúc 19h17 ngày 19/11/2013 (giờ Việt Nam), vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon (Rồng nhỏ) do Trung tâm nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm đã được đẩy ra từ Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Chỉ 4 giờ sau, những tín hiệu đầu tiên đã được thu nhận thành công bởi các trạm mặt đất tại Nhật Bản. Tiếp sau đó, Trạm mặt đất đặt tại VNSC cũng đã nhận được tín hiệu từ Pico Dragon. Trước đó, ngày 4/8, vệ tinh Pico Dragon đã được phóng thành công lên Trạm ISS qua tàu vận chuyển HTV4 của Nhật Bản. Sau hơn 3 tháng được lưu giữ trong mô-đun Kibo trên Trạm ISS, lúc 19h17 ngày 19/11 (giờ Việt Nam), Pico Dragon cùng 2 vệ tinh siêu nhỏ khác của Mỹ được đưa vào quỹ đạo.

Những hình ảnh đầu tiên về vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon ngoài không gian

Những hình ảnh đầu tiên về vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon ngoài không gian

Những hình ảnh đầu tiên về vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon ngoài không gian

Ngay sau thời điểm này, vệ tinh bắt đầu thực hiện các bước trong qui trình khởi động như kiểm tra trạng thái làm việc, đo đạc các thông số môi trường, đảm bảo đạt yêu cầu cho việc bung ăng ten và khởi động hệ thống thu phát tín hiệu vô tuyến. Ở chế độ thường, Pico Dragon liên tục phát đi những bản tin quảng bá với nội dung “Pico Dragon Việt Nam”.

Theo báo cáo, tính từ thời điểm 4h ngày 20/11, VNSC đã nhận được 3 xác thực về các lần thu nhận thành công tín hiệu từ các Trạm mặt đất đặt tại Nhật Bản. Hiện nhóm kỹ sư của VNSC đang tích cực thực hiện việc thu nhận tín hiệu tiếp theo đồng thời liên lạc với các trạm mặt đất khác trên thế giới để nhờ sự trợ giúp. Với kết quả này, Pico Dragon đã trở thành vệ tinh đầu tiên do Việt Nam chế tạo hoạt động thành công trên không gian. VNSC cho biết, Pico Dragon có kích thước 10 x 10 x 11,35 cm, khối lượng 1 kg, là sản phẩm được phát triển hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư, nghiên cứu viên trẻ thuộc Trung tâm.

Toàn bộ các bước trong quá trình phát triển vệ tinh từ nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, tích hợp đến thử nghiệm đều được thực hiện tại Việt Nam. Việc thử nghiệm rung động, nhiệt tại phòng thí nghiệm của Giáo sư S.Nakasuka, Đại học Tokyo và một số thử nghiệm khác tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ JAXA (Nhật Bản). Nhiệm vụ của vệ tinh là chụp ảnh Trái Đất, đo đạc một số thông số vệ tinh và môi trường vũ trụ bởi các cảm biến gắn trên vệ tinh và thử nghiệm thông tin liên lạc với mặt đất.

Phạm Thanh