Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu

(Dân trí) - Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu. Riêng năm 2007, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên toàn quốc ước tính lên tới 11.600 tỷ đồng.

73% dân số bị ảnh hưởng

Tại hội thảo liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận định: 73% dân số, chủ yếu là người nghèo (liên quan đến 6 lĩnh vực chính trong ngành NN&PTNT là: nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thuỷ sản thuỷ lợi và phát triển nông), là đối tượng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nhiều nhất.

Hiện tượng El Nino đã gây ra hạn hán nghiêm trọng tại các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ với thiệt hại 312 triệu USD. Ở Trung Bộ, những năm có La Nina, số lượng trận lũ tăng 1,4 lần, hạn hán đông xuân thường xảy ra nghiêm trọng.

Trong 5 năm gần đây, các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng liên tục phải đối phó với hạn hán gay gắt do mực nước sông Hồng liên tục xuống thấp đến mức lịch sử.

10 năm qua, nhiều đợt hạn hán đã hoành hành gây thiệt hại nặng nề đối với sản xuất nông lâm nghiệp. Trong khi đó, bão lũ lại liên tiếp xảy ra ở các địa phương khác.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ riêng trong năm 2007, tổng thiệt hại do thiên tai gây ra ở 50 tỉnh thành phố trên cả nước ước tính lên tới 11.600 tỷ đồng. Cùng với đó là gần 440 người chết, mất tích; hàng trăm nghìn ha lúa bị hư hại; hàng chục nghìn công trình dân sinh, thủy lợi bị phá hủy; tình trạng thiếu đói xảy ra liên miên;...

Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu  - 1

Trận lụt lịch sử ở nước ta năm vừa qua. (Ảnh: Việt Hưng)

Bộ Tài nguyên - Môi trường chính thức thông báo: trong thập kỷ tới, khoảng từ năm 2010-2020, nhiệt độ trung bình của Việt Nam sẽ tăng không dưới 1,5 độ C; số trận lũ lụt trên cả nước sẽ tăng khoảng 20%.

TS Nguyễn Hữu Ninh cảnh báo: Việt Nam có hai thành phố ven biển lớn nhất là Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh nằm trong danh sách 10 thành phố trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu trong vòng 20-50 năm tới. Như những trận triều cường lịch sử ở TPHCM cuối năm qua, chủ yếu là do ảnh hưởng của nước biển dâng và gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

12% diện tích đất có nguy cơ biến mất

Theo kết quả nghiên cứu của thế giới, Việt Nam là một trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất trước tình hình thay đổi và mực nước biển dâng.

“Sau nhiều năm cùng các nhà khoa học trên toàn cầu nghiên cứu về biến đổi khí hậu, chúng tôi đã đưa ra kết luận cực kỳ quan trong: 90% hậu quả chúng ta đang phải gánh chịu về nước biển dâng, nhiệt độ nóng lên là do ngươi gây ra, chỉ có 10% do thiên nhiên” - TS Ninh khẳng định.

Các nhà khoa học Australia cũng cho biết: Từ nay đến năm 2050, hiện tượng khí hậu ấm lên trên toàn thế giới cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến Việt Nam. 

Theo báo cáo của uỷ ban Tham vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế : Nước ta sẽ xảy ra hiện tượng nước mưa bị axít hoá do lượng CO tăng dẫn đến sản lượng hải sản và lúa gạo giảm nghiêm trọng. Các đầm hồ trong đất liền bị nhiễm mặn sẽ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học, nhiều loài có giá trị kinh tế hoặc ý nghĩa khoa học sẽ bị chết hoặc di cư.

Biến đổi khí hậu cũng làm ảnh hưởng sâu sắc đến nguồn tài nguyên nước, dẫn đến ảnh hưởng dòng chảy, lưu lượng đỉnh lũ, độ bốc thoát hơi đều tăng khiến nguồn nước ngọt cũng giảm đi đáng kể.

Dự báo trong tương lai, khí hậu Việt Nam sẽ nóng lên, mùa đông ít đi, mưa phùn giảm đi rõ rệt ở Bắc Bộ và Trung Bộ.

UNDP thông báo: mực nước biển chỉ cần tăng lên 1m thì Việt Nam sẽ tác động tiêu cực tới 5% đất đai; 11% tổng dân số; 7% nông nghiệp; giảm 10% GDP. Với dự lượng tăng 3m-5m có nghĩa là “thảm hoạ có thể xảy ra”. Chính vì vậy, Việt Nam cần thu thập và đầu tư có hiệu suất trong nghiên cứu để có thêm những thông tin chính xác hơn nhằm giảm rủi ro do biến đổi khí hậu gây ra. Vấn đề này cũng cần sự hiểu biết sâu rộng ở các cấp lãnh đạo địa phương để cùng giải quyết vấn đề.

P. Thanh