Viên gạch của tình yêu

Với mong muốn hỗ trợ người dân vùng cao bằng chính những giá trị bền vững, Lê Thu Huyền (cựu sinh viên trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) đã khởi động dự án xây nhà nội trú, với cái tên độc đáo: Nabe.Arc Group.

Trao viên gạch, nhận trải nghiệm

Khi còn là sinh viên năm thứ ba, chuyên ngành Kiến trúc, Huyền cùng nhóm bạn tổ chức hoạt động quyên góp đồ dùng vật phẩm thiết yếu, giúp đỡ người dân vùng cao.

Sau chuyến đi thiện nguyện, Huyền nhận ra, việc trao tặng chăn màn, đồ ăn hay vật phẩm không giải quyết được vấn đề thoát nghèo cho người dân. Thức ăn rồi cũng hết, đồ dùng sử dụng lâu ngày rồi cũng hỏng…

Có vốn kiến thức về xây dựng, Huyền nảy ý định thực hiện dự án xây dựng những ngôi nhà nội trú cho các em nhỏ vùng cao, dạy các em những kỹ năng sống cần thiết.

Lê Thu Huyền, trưởng nhóm dự án Nabe.Arc Group.

Lê Thu Huyền, trưởng nhóm dự án Nabe.Arc Group.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Huyền khởi sự dự án của mình cùng sự giúp đỡ của bốn bạn cộng sự học chung chuyên ngành. Huyền thành lập nhóm Nabe.Arc Group. Trong một lần tình cờ, Huyền gặp chị trưởng nhóm CLB Tình nguyện trẻ. Cả hai nhanh chóng “bắt nhịp”.

Huyền cho biết: “Dự án xây dựng nhà nội trú cho trẻ em vùng cao không chỉ là mái tôn, tường gạch. Điều mà tụi mình muốn hướng tới là từ quá trình xây dựng cho đến quá trình hoàn thành phải có sức lan tỏa với mọi người xung quanh, mang lại lợi ích lâu dài cho các em nhỏ”.

Huyền đi tiền trạm đến từng địa phương để khảo sát. Tiếp theo, cô đưa ra phương án thiết kế, lập bảng dự toán, lên kế hoạch kêu gọi sự ủng hộ để có nguồn vốn xây dựng nhà nội trú. Khi chuẩn bị xong các khâu, Huyền và nhóm tiến hành thi công xây dựng.

Viên gạch bền vững

Tên nhóm Nabe.Arc Group nghĩa là “Natural beauty in architecture” (Nét đẹp tự nhiên trong kiến trúc). Nhóm hướng tới giải pháp sử dụng vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường. Vì thế, những ngôi nhà được xây từ những viên gạch không nung.

Lưu Anh Tú (thành viên nhóm) cho biết: “Tụi mình mong muốn tìm nguồn vật liệu rẻ tiền mà lại thân thiện với môi trường. Quá trình xây nhà cũng có sự góp phần của người dân để mỗi ngôi nhà nội trú được tạo nên từ chính sự trân trọng của họ.

Bên trong ngôi nhà, nhóm tận dụng những đồ dùng sẵn có để trang trí, vừa gần gũi, vừa giữ được nét truyền thống tại địa phương”.

Điều tuyệt vời mà Huyền và nhóm nhận được chính là nhìn thấy nụ cười nở trên môi các em nhỏ. Huyền và các thành viên nữ trong nhóm trở thành “cô giáo dễ thương” của các em, cùng ca hát, cùng sinh hoạt. Các bạn dạy các em vệ sinh cá nhân, trồng rau, chăn nuôi…

Huyền chia sẻ: “Dự án không chỉ dừng ở việc xây dựng ngôi nhà mà còn dạy cho các bé những kỹ năng sống. Từ đó, tụi mình hiểu các em hơn. Khi những ngôi nhà hoàn thành thì giấc mơ con chữ của các em thành sự thật. Các em biết chữ để tự thay đổi và xây dựng mảnh đất quê nhà”.

Hiện tại, Huyền và Nabe.Arc Group vẫn đang tiếp tục hành trình. Lưu Anh Tú bảo: “Có nhiều cách giúp những người dân nơi đây thoát nghèo. Những ngôi nhà nội trú tạo điều kiện sống tốt hơn để họ tự phát triển bản thân, giúp đỡ cho cộng đồng bản làng, cùng nhau làm giàu cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó cũng chính là viên gạch bền vững mà nhóm gửi tặng đến người dân nơi vùng cao”.

Nabe.Arc Group thành lập vào năm 2013 nhằm lập ra và thực hiện các dự án kiến trúc xã hội, với quan điểm: Khai thác và giữ được nét đẹp của vật liệu thiên nhiên. Kiến trúc không chỉ là xây dựng một công trình, nó còn là xây dựng các hoạt động bên trong công trình đó; đưa những giải pháp xây dựng thân thiện với vật liệu phù hợp khả năng ứng dụng tại địa phương.

Tính đến nay, nhóm đã thực hiện thành công các dự án: Nhà nội trú Mu Chi tại trường tiểu học số 2 Pa Ủ, thuộc bản Mu Chi, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè; nhà nội trú Thăm Pa tại trường Tiểu học số 1 Pa Ủ thuộc bản Thăm Pa, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu); lớp học bản Nậm Vì, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên).

Theo Bình Nguyễn
Sinh viên thủ đô