1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vị tướng “xe tăng” và chuyện 35 năm chưa kể

(Dân trí) - “Hình ảnh ba với chúng tôi không phải là một vị tướng oai hùng, với những trận đánh đi vào lịch sử mà là những đêm ba thức trắng đi gánh nước, ngồi bệt chơi với các cháu…”, con trai vị tư lệnh quân đoàn chủ lực đánh chiếm dinh Độc Lập nhớ lại.

Chúng tôi tìm đến khu tập thể quân đội trên phố Trần Phú để gặp gia đình Thượng tướng Nguyễn Hữu An, một vị tướng “huyền thoại” trong suốt những năm tháng đánh Mỹ. Trong chiến tranh, ông nổi tiếng với việc chỉ huy trận đầu tiên đánh Mỹ, thắng lẫy lừng trận Ia Đrăng - Plâyku năm 1965. Trận đánh mà tướng lĩnh Mỹ đánh giá đã “làm thay đổi cục diện chiến tranh Việt Nam”. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, vị tư lệnh Quân đoàn 2 này đã chỉ huy đơn vị đánh thẳng vào dinh Độc Lập, buộc Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng không điều kiện trưa 30/4/1975…

Cuộc đời binh nghiệp hào hùng, trọn vẹn nửa thế kỷ (1945-1995) của tướng An ghi dấu quá đỗi giản dị, gần gũi trong căn nhà khu tập thể quân đội 34A Trần Phú hiện tại.
 
Vị tướng “xe tăng” và chuyện 35 năm chưa kể - 1
Tướng An trở lại thăm chiến trường Ia Đrăng năm xưa cùng trung tướng lục quân Mỹ Harold Moore

“Chưa bao giờ ba kể về chiến công của mình”

Tiếp chúng tôi, anh Nguyễn Tuấn Hùng - con trai út thượng tướng Nguyễn Hữu An vui vẻ cung cấp những tư liệu quí về vị tướng trận mạc và là người cha yêu dấu của mình. Vai trò quan trọng của vị tướng lừng danh như được tái hiện qua từng trang bút tích chỉ đạo tấn công  các mục tiêu, các hướng tiến công Sài Gòn trong suốt chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử….

Bức thư viết tay lúc 24h đêm 29/4, tướng An yêu cầu “ém” sẵn 7 chiếc xe tăng để chuẩn bị tiến theo hướng xa lộ Biên Hòa, phối hợp với bộ phận đặc công, mục tiêu chính khi vào Sài Gòn là dinh tổng thống, đài phát thanh hải quân, phủ đặc ủy trung ương tình báo…. Tất cả được sắp xếp chi tiết, kín kẽ.

Cả gia đình “thuộc” nằm lòng từng trận đánh của cha, những chiến thuật áp dụng hay những câu chuyện bên lề chiến trận nhưng tất cả những chi tiết, câu chuyện đó đều do bạn bè, chiến hữu của thượng tướng kể lại hoặc hình dung được qua thư từ trao đổi của ông An với các tướng lĩnh còn lưu lại được.

Với những gì người con trai út của tướng An nhớ được thì phải đến năm anh 6-7 tuổi mới được lần đầu tiên gặp mặt cha. Khi  đó, vị tướng trở về nhà với cái đầu, mặt quấn đầy băng do chiếc xe từ chiến trường trở về suýt trúng bom của địch. Những ngày ít ỏi cha con làm quen sau đấy lại biền biệt với những chiến dịch cho đến ngày đất nước giải phóng.
 
Vị tướng “xe tăng” và chuyện 35 năm chưa kể - 2
Chiến trường Play Me - trận chiến lịch sử do tướng An chỉ huy

Anh Hùng kể rằng, dù qua thư từ hay thời gian ở bên gia đình, không bao giờ vị tướng kể về những trận đánh, những chiến công của mình. Chiến tranh biên giới Tây Nam, những lá thư ông viết cho con gái Thu Hương và con trai út Tuấn Hùng chỉ kể về Cánh đồng Chum với rất nhiều chum bằng đá to như bồ đựng thóc, kể về mùa lê, mùa đào, về những cánh rừng thông reo, những thảm cỏ xanh mịn như rải thảm, về chuyện người đồng đội tìm được rất nhiều phong lan… Lá thư nào, tướng An cũng dặn các con học hành, thương nhau, giúp đỡ mẹ.

Nhiều năm sau ngày giải phóng, dù mỗi dịp lễ kỷ niệm chiến thắng 30/4 được tổ chức rầm rộ thế nào thì  tướng An vẫn luôn bình thản, chưa từng một lần tự kể với con cháu về chiến công của mình. “Ông tính điềm đạm và đơn giản, coi những chuyện đó như cái nghiệp đương nhiên của mình” - anh Hùng cười, nét cười hồn hậu y chang những đường nét trên gương mặt cha.

Vị tướng thức đêm xách nước cho vợ con

Trong ký ức của những người con vị tướng huyền thoại này, dù trên cương vị chỉ huy chiến đấu, ông gan dạ, sắt thép đến đâu nhưng khi về đến nhà là ông trở thành một người chồng, người cha hết mực yêu thương  con cháu và gia đình. Anh Hùng nhớ: “Mỗi lần về, ba tự tay đóng thêm cái sàn gác gỗ, rào ban công dây thép gai căn nhà tập thể tầng 2 và thức suốt đêm gánh nước cho vợ con”.
 
Vị tướng “xe tăng” và chuyện 35 năm chưa kể - 3
Những bức ảnh từ cuốn sách "Chúng tôi là những người lính" viết về tướng An và tướng Moore ở 2 đầu chiến tuyến.
 
Hòa bình, vị tướng trận mạc vẫn cùng gia đình sống ở căn hộ tập thể nhỏ. Sau này, nhà nước phân lại cho ông một căn biệt thự rộng rãi từng dành cho đại tướng Lê Trọng Tấn trước đó nhưng tướng An chỉ cười vì căn nhà nhỏ vẫn đủ dùng, ông không có nhu cầu gì hơn.

Cả một đời công tác, chiếc xe hơi tốt nhất, sang trọng nhất ông đi cho đến khi làm giám đốc Học viện Quốc phòng (1991-1995) vẫn là xe U-oát. Chỉ 2 năm cuối đời, khi Học viện được trang bị thêm xe Nissan, ông mới đổi chiếc xe thời chiến. “Anh chị em chúng tôi được đứng cạnh xe đón ba thì nhiều nhưng trèo lên xe thì cũng chưa bao giờ. Cả gia đình một lần duy nhất ngồi xe của ba là… trong đám tang, khi đưa ba ra nghĩa trang”, người con trai út của tướng An nhớ lại.

Cho đến khi mất, thượng tướng vẫn mặc bộ comple được phát trong lần đầu đi thăm Liên Xô và đó là bộ duy nhất, ông chưa từng có bộ áo của riêng mình.

Người cha cả đời không chút tài sản riêng nhưng sẵn sàng bỏ ra 24 rúp (môt khoản tiền rất lớn vào năm 1974) để mua cho con trai út một cây đàn violong ở Mát-cơ-va. Một người cha luôn xởi lởi, sẵn sàng giúp đỡ tất cả mọi người nhưng lại rất nghiêm khắc, không bao giờ can thiệp, nâng đỡ chuyện vì cho con cháu.

Hình ảnh vị tướng ấy, trong lòng các con, rõ ràng, chân thật hơn tất thảy là cả đêm thức gánh nước, là ông lão hóm hỉnh ngồi bệt trên sàn nhà chơi cá ngựa, đánh bài với các cháu. Ông là thượng tướng Nguyễn Hữu An - người cầm quân tài ba, góp phần làm nên chiến thắng vang dội mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước cách đây 35 năm.

P.Thảo