Gia Lai:

Vì sao người nông dân phải chen nhau đi siết nợ?

(Dân trí) - “Đến hẹn lại lên”, sau mỗi mùa thu hoạch nông sản, các nông dân lại kí gửi nông sản của mình ở các công ty, doanh nghiệp. Hàng chục tấn nông sản được kí gửi ở công ty nhưng chỉ có một tờ giấy viết tay “làm tin”. Khi các công ty tuyên bố vỡ nợ, người nông dân lại lâm cảnh “trắng tay”.

Dân “bủa vây” công ty đòi nợ

Mới đây, vào sáng 12/3, hàng trăm người dân vây kín trụ sở Công ty TNHH MTV Hoàng Sang (ở khu phố 1, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai do bà Thái Thị An làm giám đốc) để đòi nợ sau khi nghe tin công ty vỡ nợ, giám đốc bỏ trốn. Nhiều người quá bức xúc hô hào siết đồ, đòi phá rào xông vào trụ sở công ty. Nhưng nhờ lực lượng công an có mặt kịp thời để trấn an, yêu cầu người dân bình tĩnh tránh manh động và đảm bảo an ninh trật tự quanh khu vực. Ban đầu, nghe thông tin công ty vỡ nợ, phá sản và giám đốc bỏ trốn khỏi địa phương khiến nhiều người rất hoang mang, lo lắng.

Theo thông tin từ người dân, số tiền mà Công ty Hoàng Sang nợ của dân là rất lớn, không chỉ người dân trong huyện mà ở huyện lân cận cũng bị dính nợ. Được biết, Công ty Hoàng Sang không chỉ thu mua, nhận ký gửi nông sản mà còn nhận vay tiền của rất nhiều hộ dân. Sự việc đổ bể khi rạng sáng nay có nhiều đại lý lớn “đi đêm” với công ty, siết nợ một số phương tiện xe cộ mới lộ ra việc “vỡ nợ”.

Nghe tin vỡ nợ, nhiều người dân hoang mang, lo lắng trắng tay
Nghe tin vỡ nợ, nhiều người dân hoang mang, lo lắng trắng tay

Ông Cao Xuân Bình (khu phố 1 – có nhà đối diện nhà riêng bà An) búc xúc nói: “Sáng nay ngủ dậy thấy người ta phá cửa nhà vào siết đồ nội thất tôi mới biết tin công ty phá sản. Thấy vậy nhà tôi mới chạy sang gỡ nhiều bộ cửa đem về nhà, của tôi ký gửi nhiều thì lấy chừng này có nhằm nhò gì đâu. Từ tháng 11/2017, tôi không có kho bãi nên ký gửi vào công ty 20 tấn cà tươi. Do quen biết từ lâu, nhà ở gần thì tin tưởng nhau chứ ai nghĩ cơ sự như thế này”.


Nghe tin công ty phá sản, nhiều người đi siết đồ gỡ gạc.

Nghe tin công ty phá sản, nhiều người đi siết đồ gỡ gạc.

Có mặt trước trụ sở Công ty Hoàng Sang, ông Huỳnh Tấn Đạt (thôn 2, xã Ia Tô) liên tục kêu gào yêu cầu công ty phải trả nợ cho dân. Trao đổi với chúng tôi, anh Đạt bức xúc nói: “Cả sáng nay tôi cũng như nhiều người ở đây chưa lấy được một đồng nào, người của công ty trốn đi đâu không thấy. Tôi bán 35 tấn hạt điều (trị giá hơn 1 tỷ đồng) nhưng chưa nhận được đồng nào, lâu nay làm ăn tin tưởng nhau chứ ai ngờ được. Chỗ Công ty Hoàng Sa nợ nhiều lắm, riêng chỗ của tôi đã có khoảng 18-20 tỷ rồi”.

Bài học “nói mãi, biết rồi”

Trước sự việc trên, ông Dương Mah Tiệp – Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết, sự việc trên thì cơ quan công an bước đầu cho biết đã có người dân trình báo số tiền mà công ty Hoàng Sang nợ là 7 tỷ, còn số lượng cụ thể như thế nào vẫn đang còn thống kê.

“Tiếp sau, chúng tôi đã chỉ đạo cho cơ quan công an thống kê số người bị nợ và công ty nợ bao nhiêu. Đồng thời chỉ đạo cơ quan công an bảo đảm an toàn trật tự, tránh để xảy ra việc người dân từ bị hại thành bị can. Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân làm các thủ tục pháp lý khởi kiện đúng theo quy định. Hiện giám đốc công ty không có mặt tại địa phương, chứ chưa thể khẳng định trốn hay không”, ông Tiệp nói.

Ông Huỳnh Tấn Đạt bức xúc vì công ty mua 35 tấn điều nhưng chưa trả đồng nào
Ông Huỳnh Tấn Đạt bức xúc vì công ty mua 35 tấn điều nhưng chưa trả đồng nào

Liên quan đến thông tin vụ vỡ nợ, một cán bộ công an huyện Ia Grai cho biết: Vụ việc bắt đầu từ khi người dân truyền miệng nhau nói “công ty phá sản” nên kéo nhau đến trụ sở công ty đòi nợ, nhiều người quá khích đã siết một số đồ nội thất trong nhà của bà giám đốc. Hiện nguyên nhân vụ việc vẫn chưa xác định được, số tiền mà công ty nợ người dân vẫn đang thống kê.

Thượng tá Dương Anh Tuấn – Phó trưởng Công an huyện Ia Grai cho biết: Sau khi vụ việc xảy ra, cơ quan công an liền cử lực lượng đến nơi để đảm bảo an ninh trật tự. Đồng thời khuyên can người dân không nên tự ý siết nợ, tránh việc từ người bị nợ phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Đối với những người đã lỡ lấy tài sản, chúng tôi đã vận động người dân trả lại hoặc lập biên bản sự việc, để cho họ tạm giữ. Ban đầu, cơ quan công an hướng dẫn người dân trình báo sự việc và tiến hành thống kê, điều tra nguyên nhân. Nếu có dấu hiệu hình sự thì sẽ tiến hành truy tố theo quy định pháp luật, còn đơn thuần là hợp đồng dân sự thì hướng dẫn người dân kiện ra tòa giải quyết. Hiện vụ việc vẫn đang được tiến hành điều tra, chủ nợ vẫn chưa liên lạc được.

Giả thích có hay không việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản? Thiếu tá Phạm Chính Nghĩa – Đội trưởng Đội Hình sự, Kinh tế và Ma túy (Công an huyện Ia Grai) cho biết: “Để xác định doanh nghiệp vỡ nợ có hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” hay không thì cần xác định rất nhiều yếu tố như: Có dấu hiệu bỏ trốn; Sử dụng tiền, tài sản của người ký gửi, cho mượn không đúng pháp luật, không đúng mục đích kinh doanh. Đồng thời cũng xem xét đến việc có hành vi tẩu tán tài sản…”.

Theo nhiều dân cho biết, người ký gửi ít cũng vài tấn, nhiều thì đến vài trăm tấn. Người bị công ty nợ nhiều nhất mà PV biết được là vợ chồng bà Thể (ở xã Ia Krái), đã ký gửi 215 tấn cà phê nhân. Sáng 12/3, có mặt trước cổng Công ty Hoàng Sang, vợ chồng bà thể nghẹn ngào, đôi mắt đã đỏ hoe, nước mắt chảy dài. Khi PV hỏi, vợ chồng ông khóc, không nói nên lời.

Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay tỉnh Gia Lai thường xuyên xảy ra nhiều vụ vỡ nợ quy mô lớn: Cụ thể, tháng 5/2016, cơ sở thu mua nông sản Kỳ Niềm (xã Ia Krái, huyện Ia Grai) vỡ nợ hơn 7,5 tỷ đồng; doanh nghiệp thu mua nông sản Nguyệt Tỉnh (xã Kdang, huyện Đắk Đoa) vỡ nợ gần 40 tỷ. Tháng 4/2017, doanh nghiệp Sáu Đào (tại xã Ia Glai, huyện Chư Sê) vỡ nợ số tiền 50 tỷ đồng. Trước Tết Nguyên Đán 2018, dân ở xã Hải Yang (huyện Đắk Đoa) điêu đứng vì chủ nợ “tuyên bố” không có tiền trả nợ, số tiền khoảng 20 tỷ và nay là Công ty Hoàng Sa.

Phạm Hoàng