Vì sao người Hà Nội thiếu nước sạch dài ngày?

(Dân trí) - Công ty kinh doanh nước sạch cho biết, do sản lượng nước từ đường ống tổng cung cấp đã giảm; mặt khác để đảm bảo an toàn cho đường ống dẫn nước sạch sông Đà, đơn vị vận hành đường ống đã giảm áp lực nước xuống, dẫn đến nhiều nơi bị thiếu nước sạch dài ngày…

Thời gian gần đây, nhiều khu vực trên địa bàn TP Hà Nội đã xảy ra tình trạng mất hoặc thiếu nước sạch dài ngày, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Người Hà Nội nghĩ đủ cách để “chiến đấu” với đợt “hạn hán” dài ngày này.

8-copy-38b7a

Nhiều khu vực của TP Hà Nội người dân đang sống cảnh thiếu nước sạch dài ngày

Đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng nói trên, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Cao Hải Tháp – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (Viwaco).

Ông Tháp cho biết: “Do ảnh hưởng của sự cố vỡ ống dẫn nước sạch sông Đà lần thứ 13 nên mấy ngày trước đã bị gián đoạn về cung cấp nước sạch cho khách hàng. Thời gian khắc phục sự cố vỡ ống đó, đúng thời điểm thời tiết khá oi bức, người dân sử dụng nước rất nhiều; do đó trong hệ thống đường ống của chúng tôi không còn nước, bể dự trữ nước nhiều nhà cạn dần. Chúng tôi đã phải cho xe téc đi cấp nước miễn phí cho những nơi “nóng” nhất về thiếu nước ở khu vực cuối đường ống.

Hiện tại, sản lượng nước cung cấp cho chúng tôi từ đường ống nước sạch sông Đà của Công ty Cổ phần Kinh doanh nước sạch Vinaconex là 171.000 đến 172.000 m3/ngày đêm; trong khi đó với hơn 100.000 khách hàng của chúng tôi thì nhu cầu phải từ 180.000 – 200.000 m3/ngày đêm”.

Cũng theo ông Tháp, ngoài sản lượng nước không đủ, thì áp lực nước cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, thời điểm 14h51 ngày 19/8, áp lực nước mới đạt 16m (có nghĩa là khi mở van ra nước phun cao được 16m), trong khi đó năm 2014 áp lực đạt 20-21m. Áp lực nước trong đường ống thấp, dẫn đến nước trong ống không thể chảy mạnh tới khu vực cuối đường ống được; trong khi các hộ ở đầu nguồn dùng nhiều thì những hộ cuối nguồn sẽ không còn “cơ hội” có nước sạch. Theo ông Tháp, có thể vì sự an toàn của tuyến đường ống dẫn nước sạch sông Đà nên Công ty Cổ phần KDNS Vianconex đã không tăng áp lực nước trong đường ống lên cao nữa.

Ông Tháp cho biết thêm: “Khu vực cuối nguồn của chúng tôi là các hộ dân ở đường Nguyễn Văn Trỗi, phường Phương Liệt, Thanh Xuân; đường Phan Đình Giọt (Thanh Xuân) và khu vực Định Công Hạ của quận Hoàng Mai. Nơi đây hay bị thiếu nước mỗi khi đường nước sông đà gặp sự cố, chúng tôi ngoài việc chở xe téc cấp nước miễn phí thì cũng đã chủ động lắp đặt bơm tăng áp ở khu vực này để đẩy nhanh nước tới cho bà con. Mặt khác, từ khu vực cầu Đá ở đường Trường Chinh dọc theo con sông Lừ chúng tôi đã lắp đặt thêm đường ống có đường kinh  D300 để cấp nước ổn định hơn cho khu vực cuối nguồn nói trên”.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Tốn – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh nước sạch Vinaconex cho biết, thời điểm hiện tại công ty vẫn cung cấp nước cho khách hàng đầy đủ với sản lượng 230.000m3/ngày đêm, áp lực nước ở vị trí đường Vành đai 3 là 1.65kg. Ông Tốn nhấn mạnh, việc cung cấp nước cho khách hàng đã trở lại bình thường sau sự cố vỡ ống lần thứ 13 và không có chuyện giảm áp lực nước trong đường ống.

“Chúng tôi đã cấp nước bình thường cho khách hàng, áp lực nước vẫn đều, ở vị trí đường vành đai 3 đạt 1.65kg. Cách đây mấy ngày, đích thân ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đi kiểm tra và tại cuộc họp trên thành phố lãnh đạo đều cho rằng áp lực như vậy là đảm bảo. Áp lực giảm chắc là do các đơn khác cung cấp nước trực tiếp cho khách hàng họ điều áp thế nào tôi không biết” – ông Tốn nói.

Ông Cao Hải Tháp thông tin thêm, với con số 230.000m3/ngày đêm mà Công ty CP KDNS Vinaconex cung cấp ở thời điểm hiện tại là “tốt rồi”; vì đơn vị này không chỉ bán nước riêng cho Viwaco mà còn bán cho Công ty nước sạch Hà Nội và Công ty nước sạch Hà Đông.

Nguyễn Dương