Vì sao Hà Nội cân nhắc thay thế 4.000 cây xà cừ?

(Dân trí) - Ngoài việc chặt hạ, di chuyển 1.300 cây xanh để làm đường Phạm Văn Đồng, hiện Hà Nội còn đang nghiên cứu thay thế khoảng 4.000 cây xà cừ trong các quận nội thành với lý do đây không phải là cây đô thị, dễ gãy đổ khi mưa bão.

Sở Xây dựng Hà Nội vừa đưa ra báo cáo và xin ý kiến các nhà khoa học trong việc thay thế khoảng 4.000 cây xà cừ già cỗi (trừ quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông chưa được thống kê).

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, xà cừ được trồng chủ yếu từ thời Pháp trên nhiều tuyến đường như Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Hoa Thám, La Thành, đường Láng, Trần Thánh Tông, Yên Phụ... Còn từ 1960 trở lại đây, Hà Nội không trồng xà cừ trên các tuyến đường.

Hà Nội đang lên kế hoạch thay thế hàng xà cừ trên các tuyến đường (Ảnh: Toàn Vũ)
Hà Nội đang lên kế hoạch thay thế hàng xà cừ trên các tuyến đường (Ảnh: Toàn Vũ)

Lợi ích của xà cừ cũng được Sở Xây dựng chỉ rõ là nơi che nắng và gắn liền với tuổi thơ một số người dân. Xà cừ cũng là cây gỗ lớn có bóng mát và màu xanh quanh năm, có tuổi thọ hơn 100 năm.

Tuy nhiên, hầu hết cây xà cừ trồng trên các tuyến phố Hà Nội trước đây chưa được thường xuyên chăm sóc ở giai đoạn đầu, do vậy cây phát triển theo xu thế tự nhiên theo đặc tính sinh học là vươn ra chỗ ánh sáng nên cây thường bị cong, nghiêng, không đảm bảo mỹ quan đô thị. Ngoài ra, gỗ cây xà cừ thuộc nhóm 5, cũng không có giá trị cao về kinh tế.

Đặc biệt, xà cừ không phải là loại cây có khả năng chống chịu tốt trong mùa mưa bão. Theo kết quả thống kê từ Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, từ năm 2014 - 2016 đã có 132 cây xà cừ bị đổ trong mùa mưa bão, chiếm tỷ trọng lớn lượng cây gãy đổ, gây tổn hại với người và tài sản.

Để đảm bảo an toàn trước mùa mưa bão, Sở Xây dựng Hà Nội thường xuyên cùng Công ty Cây xanh cắt các cành to, tán rộng, tán mất cân đối nhằm giảm độ cao và tán xòe của những cây xà cừ già cỗi, cong nghiêng, gây nguy hiểm. Vì vậy, nhiều cây xà cừ cũng không còn đảm bảo tán che mát. Những cây xà cừ quá lớn có nguy cơ mất an toàn, không đảm bảo làm cảnh quan nữa.

Từ những phân tích trên, Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, việc thay thế cây xà cừ nói chung, đặc biệt là các cây xà cừ nguy hiểm, cây già cỗi, sâu mục là cần thiết và cần được quan tâm nghiên cứu.

Cây xà cừ trên các tuyến phố ở Hà Nội được di chuyển về vườn ươm
Cây xà cừ trên các tuyến phố ở Hà Nội được di chuyển về vườn ươm

Về phương án di chuyển, Sở Xây dựng cũng cho biết, xà cừ có đường kính và chiều cao lớn khi thực hiện di chuyển cần phải đánh bầu lớn, thực hiện cắt cành. Do vậy, chất lượng gỗ suy giảm và có rất nhiều thành phần gỗ chết, là nguyên nhân chính làm giảm sinh trưởng và phát triển của cây, dẫn đến cây trồng vị sâu mục trong tương lai.

Hơn nữa, việc tái trồng lại trên các tuyến đường mới, các khu đô thị thường không thực hiện được vì cây xà cừ không thuộc danh sách cây trồng mới trong đô thị. Nếu có trồng lại đòi hỏi phải được chăm sóc đặc biệt với kinh phí chăm sóc duy trì lớn, đồng thời phải trang bị hệ thống dây bảo vệ, cọc chống trong thời gian dài, đề phòng trường hợp cây đổ trong mùa mưa bão, khi bộ rễ của cây chưa phát triển ổn định.

Còn việc chặt hạ cây (bao gồm cả đánh gốc) được tiến hành trong thời gian ngắn, ít ảnh hưởng giao thông. Phần gỗ củi xà cừ được đấu giá, thanh lý theo quy định. Chi phí chặt hạ cho 1 cây xà cừ khoảng 14,4 triệu đồng, nhưng chi phí di chuyển (bao gồm công trồng tại vườn ươm) hơn 25,3 triệu đồng/cây.

Từ thực tiễn trên, Sở Xây dựng đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu đầy đủ về cây xà cừ trên địa bàn thành phố, từ đó đưa ra phương án thực hiện. Để đạt được sự đồng thuận của nhân dân trong việc thay thế cây xà cừ, Sở Xây dựng cho biết, sẽ công khai, minh bạch các nội dung từ chủ trương, kế hoạch đến phương án, đơn vị thực hiện.

Quang Phong