Vì sao các “thượng đế” dễ “vung tay” với nhân viên hàng không?

(Dân trí) - Liên tiếp các vụ hành khách hành hung nhân viên hàng không xảy ra trong thời gian gần đây đã khiến nhiều người đặt câu hỏi "vì sao nên nỗi"? Theo nhà chức trách, nhân viên hàng không chưa thấu hiểu hành khách, còn các "thượng đế" lại thiếu kiềm chế…

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, năm 2014 có 21 vụ hành khách gây rối tại sân bay và trên các chuyến bay. Lí do là hành khách không thực hiện quy định tắt điện thoại di động, tự ý lấy áo phao, mở cửa thoát hiểm và hành hung nhân viên hàng không. Còn trong 6 tháng đầu năm 2015, đã xảy ra 7 vụ hành khách gây rối, trong đó có 3 vụ hành khách hành hung nhân viên hàng không.

Đặc điểm chung của đa số các vụ việc hành khách lăng mạ và hành hung nhân viên hàng không đều có nguyên nhân xuất phát từ vấn đề hành lý, mà chủ yếu là hành lý xách tay của hành khách khi mang theo lên máy bay. Một số khác liên quan đến việc hành khách mang theo các vật dụng không được phép hoặc đến quầy làm thủ tục muộn.

Vì sao các “thượng đế” dễ “vung tay” với nhân viên hàng không?

Nhiều hành khách không hiểu rõ các quy định hàng không, sau khi bị nhắc nhở đã tỏ ra bức xúc và gây rối (ảnh chỉ có tính chất minh họa)

Trên thực tế, ngành hàng không đã có quy định rất cụ thể về kích thước, trọng lượng hành lý xách tay. Cụ thể: Hành lý xách tay không được vượt quá 7kg và có tổng kích thước ba chiều không vượt quá 115cm, tương ứng 56 x 36 x 23 cm hoặc 22 x 14 x 9 inches.

Quy định nói trên được áp dụng theo thông lệ quốc tế và căn cứ trên những tính toán rất cụ thể của nhà sản xuất tàu bay vì mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách. Nếu hành khách có hành lý xách tay vượt quá số lượng, trọng lượng, kích thước theo quy định nói trên thì hãng hàng không có quyền từ chối vận chuyển số hành lý này và yêu cầu hành khách làm thủ tục ký gửi hành lý.

Ông Đào Văn Chương - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết: Căn nguyên cơ bản một phần là do hành khách không đọc kỹ các quy định vận chuyển của các hãng hàng không từ sau khi mua vé cho đến thời điểm ra sân bay làm thủ tục lên máy bay.

“Đa số hành khách đã đi máy bay nhiều hơn một lần, nhưng cũng có những trường hợp lần đầu sử dụng loại hình giao thông tiên tiến này, trong số đó không tránh khỏi việc một số hành khách chủ quan với suy nghĩ đi máy bay cũng bình thường như các loại hình phương tiện thông thường khác nên không tìm hiểu kỹ về các quy định vốn rất chặt chẽ của ngành hàng không. Đáng tiếc là các trường hợp vi phạm quy định khi được nhắc nhở, hướng dẫn lại không phối hợp, không tuân thủ, thậm chí thiếu kiềm chế nên dẫn tới có hành vi gây rối và hành hung nhân viên hàng không” - ông Chương phân tích.

Mỗi hành khách chỉ được mang tối đa 7kg hành lý xách tay khi đi máy bay

Mỗi hành khách chỉ được mang tối đa 7kg hành lý xách tay khi đi máy bay

Tuy nhiên, Cục phó Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, trong mọi trường hợp nếu các nhân viên hàng không luôn cố gắng thấu hiểu hành khách, đặt mình vào vị trí của hành khách thì chắc chắn sẽ tránh được những tình huống đáng tiếc xảy ra. Cùng đó, để hạn chế những vụ việc đáng tiếc, quan trọng là sau mỗi vụ việc, chúng ta phải có bình giảng, đánh giá, tìm hiểu nguyên nhân và đề ra biện pháp khắc phục.

Về chế tài xử phạt, đối với những trường hợp hành khách hành hung nhân viên, tùy theo mức độ nhẹ thì phạt hành chính, cấm bay, nặng có thể bị xử lý hình sự. Hành khách gây rối nếu chưa gây thương tích thì sẽ chỉ xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể áp dụng hình thức phạt bổ sung như cấm bay có thời hạn, cấm bay vĩnh viễn hoặc kiểm tra trực quan bắt buộc trong một thời hạn nhất định.

Châu Như Quỳnh