Vật lộn trong lũ chèn đá hộc, đóng cọc gia cố chân đê

(Dân trí) - Nước lớn chảy xiết, thuyền không có điểm neo giữ khiến việc đóng cọc kè, đổ đá gia cố chân đê sông Vinh gặp nhiều khó khăn. Lực lượng hộ đê phải vật lộn với dòng nước xiết để đảm bảo an toàn đoạn đê xung yếu, bảo vệ hơn 4.000 người dân khu vực phía trong đê.

Chèn hàng trăm khối đá hộc xuống chân đê Vinh

Bộ đội Nghệ An gia cố chân đê sông Vinh bị trượt sạt

Ông Nguyễn Hoài An – Chủ tịch UBND thành phố Vinh (Nghệ An) cho biết, đê sông Vinh có từ lâu. Trước đây, đã có một dự án cải tạo, gia cố đê sông Vinh do huyện Hưng Nguyên (khu vực này trước đây thuộc huyện Hưng Nguyên, Nghệ An – PV) chủ trì nhưng đoạn qua phường Vinh Tân chưa được triển khai do thiếu vốn. UBND thành phố Vinh đã có kiến nghị tỉnh chuyển đoạn đê này cho thành phố quản lý, từ đó sẽ lên dự án làm lại con đê này.

Điểm sạt trượt ngoài thân đê sông Vinh
Điểm sạt trượt ngoài thân đê sông Vinh

Do trải qua thời gian dài chưa được sửa chữa, nâng cấp nên khi mưa lớn kéo dài, một số điểm thân đê xuất hiện sạt trượt, nền đất yếu, đặc biệt là đoạn đê dài hơn 60m qua khối Tân Phượng (phường Vinh Tân, TP Vinh). Sáng ngày 13/10, mưa lớn, nước dâng cao, chảy xiết khiến đoạn đê này có nguy cơ bị vỡ, đe dọa sự an toàn của hơn 1.000 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu thuộc 6 khối của phường Vinh Tân.

Lực lượng quân sự đóng cọc kè cách chân đê khoảng 10 mét để đổ đá gia cố chân đê. Nước sâu, chảy xiết, thuyền chòng chành khiến việc đóng cọc kè rất khó khăn
Lực lượng quân sự đóng cọc kè cách chân đê khoảng 10 mét để đổ đá gia cố chân đê. Nước sâu, chảy xiết, thuyền chòng chành khiến việc đóng cọc kè rất khó khăn

UBND thành phố Vinh đã huy động nhiều lực lượng thuộc công an, quân đội, dân quân tự vệ tham gia hộ đê. Đến trưa cùng ngày, lực lượng hộ đê có sự tham gia của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 764 – Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An.

Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đã điều 6 tàu cứu hộ, cứu nạn làm nhiệm vụ vận chuyển vật liệu gia cố đê sông Vinh
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An đã điều 6 tàu cứu hộ, cứu nạn làm nhiệm vụ vận chuyển vật liệu gia cố đê sông Vinh

Sáng nay, Nghệ An đã không còn mưa, mực nước trên sông Vinh xuống chậm. Điểm xung yếu dài 60m đi qua khối Tân Phượng (phường Vinh Tân, Nghệ An) đã được xử lý mặt phía trong bằng việc gia cố bằng cọc kè tre và các bao cát.

Nền đê yếu, đá hộc được tập kết phía bên kia bờ sông để tăng bo bằng thuyền sang khu vực bị sạt lở
Nền đê yếu, đá hộc được tập kết phía bên kia bờ sông để "tăng bo" bằng thuyền sang khu vực bị sạt lở

Sáng nay, các lực lượng có mặt từ rất sớm, tiếp tục gia cố chân đê, thân đê các điểm xung yếu mặt ngoài đê. Thời điểm này đã xuất hiện thêm điểm sạt trượt mới, cách điểm đang gia cố khoảng hơn 100m.

Hơn 200 khối đá hộc sẽ được vận chuyển từ Hưng Nguyên xuống để kè chân đê
Hơn 200 khối đá hộc sẽ được vận chuyển từ Hưng Nguyên xuống để kè chân đê

Thượng tá Nguyễn Ngọc Hà – Phó chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An cho biết: Sáng nay, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh tiếp tục điều động lực lượng, phương tiện làm kè, vận chuyển đất đá chống sạt lở. Do nước lớn, chảy xiết, vật liệu tập kết bên kia sông nên Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh đã điều 6 thuyền chở vật liệu đến các điểm xung yếu để gia cố chân đê phía ngoài sông.

Hơn 300 cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An được huy động để hộ đê
Hơn 300 cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An được huy động để hộ đê

Để đảm bảo an toàn cho các vị trí xung yếu, thành phố Vinh đã đề nghị Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cấp 200 khối đá hộc để kè chân đê. Từ sáng nay, lực lượng quân sự đã tổ chức đóng cọc kè từ điểm sạt lở ra phía lòng sông khoảng 10m, vận chuyển đá thả xuống thành một bờ kè vững chắc, bảo vệ tuyến ngoài.

Lực lượng công an thành phố Vinh và dân quân tự vệ có nhiệm vụ gia cố mặt đê, thân đê phía trong
Lực lượng công an thành phố Vinh và dân quân tự vệ có nhiệm vụ gia cố mặt đê, thân đê phía trong

Dòng nước chảy xiết gây khó khăn không nhỏ cho công tác vận chuyển vật liệu cũng như đóng cọc kè. Hàng chục chiến sĩ vật lộn với dòng nước để triển khai nhiệm vụ.

Mưa tạnh, nắng nên, việc vận chuyển vật liệu không còn quá vất vả như hôm qua
Mưa tạnh, nắng nên, việc vận chuyển vật liệu không còn quá vất vả như hôm qua

Ông Nguyễn Quốc Thắng - Trưởng phòng quản lý đô thị TP Vinh cho biết: Cái khó khăn lớn nhất ở đây là phương tiện thiết bị thiếu, nước chảy xiết nên tốc độ vận chuyển vật liệu chậm. Trước mắt chúng tôi tập trung lực lượng đổ đá gia cố mặt ngoài chân đê tạo móng đê. Khi có móng vững chắc sẽ sử dụng rọ đá bằng thép đẩy nhanh tốc độ và nâng cao hiệu quả công việc cũng như đảm bảo thân đê kiên cố.

Thân đê phía trong ở các điểm xung yếu cơ bản đã được gia cố, đảm bảo an toàn
Thân đê phía trong ở các điểm xung yếu cơ bản đã được gia cố, đảm bảo an toàn

Đến trưa ngày 14/10, đoạn thân đê xung yếu, bị sạt lở đã được gia cố mặt đê và phía trong thân đê. Các lực lượng hộ đê vẫn đang nỗ lực gia cố chân đê và mặt ngoài đê để hoàn thành công việc trước khi cơn bão số 11 đổ bộ vào đất liền.

Thanh Hóa: Bộ đội đắp đê phòng cơn bão số 11

Huy động hàng trăm chiến sĩ bộ đội đắp đê ứng phó với cơn bão số 11

Trong đợt mưa lũ vừa qua, tuyến đê sông Cầu Chày, đoạn chạy qua địa phận xã Thọ Thắng, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã bị tràn qua mặt đê với mức nước cao khoảng 50cm.

Đê sông Cầu Chày bị nước lũ tràn vào đã khiến huyện Thọ Xuân phát lệnh di dân toàn xã Thọ Thắng. Nhiều thôn trên địa bàn xã này cũng đã bị ngập chìm trong nước lũ, trong đó nặng nhất là thôn Đại Thắng. Theo người dân địa phương thì đây là trận lũ lịch sử từ trước đến nay trên địa bàn.

Nhiều vùng tại huyện Thọ Xuân vẫn mênh mông nước lũ
Nhiều vùng tại huyện Thọ Xuân vẫn mênh mông nước lũ

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch HĐND huyện Thọ Xuân cho biết, đợt mưa lũ vừa qua, nước sông Cầu Chày dâng cao đã tràn qua đê khoảng 50cm và sạt lở nhiều điểm thân đê.

Đây là trận lũ lịch sử từ trước đến nay trên sông Cầu Chày. Do nước lũ dưới sông vẫn còn nhiều nên trong trường hợp mưa bão số 11 tiếp tục vào sẽ vươt đỉnh lũ vừa qua. Nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của hàng nghìn hộ dân nằm phía trong đê là rất lớn.

Trong đợt mưa lũ vừa qua, nước từ sông Cầu Chày tràn qua đê với độ cao khoảng 50cm, khiến nhiều vùng trong đê ngập lụt
Trong đợt mưa lũ vừa qua, nước từ sông Cầu Chày tràn qua đê với độ cao khoảng 50cm, khiến nhiều vùng trong đê ngập lụt

Trước tình hình trên, sáng ngày 14/10, UBND huyện Thọ Xuân đã huy động các lực lượng tại chỗ, với sự hỗ trợ của hơn 100 chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 762, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa tiến dành gia cố lại 4km tuyến đê qua địa bàn xã Thọ Thắng.

Huyện đã huy động khoảng 500m3 đất từ địa phương khác đến để đắp đê theo hình thức đắp con chạch với độ cao khoảng 50cm.

Vật lộn trong lũ chèn đá hộc, đóng cọc gia cố chân đê - 12

Huyện Thọ Xuân đã huy động lực lượng phối hợp với hơn 100 chiến sĩ Tiểu đoàn 40, Trung đoàn 762, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa gia cố đê

Đoạn đê sông Cầu Chày qua địa bàn xã Thọ Thắng bị tràn và sạt lở nhiều điểm kéo dài 4km
Đoạn đê sông Cầu Chày qua địa bàn xã Thọ Thắng bị tràn và sạt lở nhiều điểm kéo dài 4km

Được biết, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ chiều ngày 9/10 đến 8 giờ ngày 11/10, trên địa bàn huyện Thọ Xuân xuất hiện nhiều đợt mưa lớn kéo dài. Tổng lượng mưa từ 14 giờ ngày 9/10 đến 8 giờ ngày 11/10 khoảng 175mm. Từ đêm ngày 10/10, hồ chứa nước thủy điện Cửa Đạt xả lũ với lưu lượng từ 1.600 đến 3.800m3/giây.

Mưa lớn kéo dài và hồ Cửa Đạt xả lũ đã gây ngập úng tại nhiều xã, thị trấn trong huyện gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn huyện.

Để khắc phục những thiệt hại do đợt mưa lớn trên địa bàn huyện và chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng phòng chống cơn bão số 11 sắp tới, chiều ngày 13/10, UBND huyện Thọ Xuân đã tổ chức hội nghị đánh giá công tác ứng phó áp thấp nhiệt đới trên địa bàn và triển khai nhiệm vụ tiếp theo.

Theo đó, huyện Thọ Xuân yêu cầu tổ chức xử lý 5 điểm bị sạt, lở, bị sùi tại các tuyến đê trên địa bàn; hoàn thành việc xử lý sạt, lở, bị sùi, đắp chạch trên các tuyến đê, hoàn thành trước 17 giờ, ngày 15/10/2017.

Cho đất vào bao tải để đắp đê
Cho đất vào bao tải để đắp đê

Đồng thời, huyện Thọ Xuân cũng chỉ đạo khắc phục nhanh nhất về vấn đề môi trường và công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, không để môi trường ô nhiễm và dịch bệnh lây lan sau khi nước rút.

Huyện cũng đã cử 5 tổ công tác do lãnh đạo huyện làm tổ trưởng về các địa bàn để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và triển khai các biện pháp nhằm ứng phó với cơn bão số 11 trong trường hợp đổ bộ vào Thanh Hóa.

Đê được gia cố theo hình thức đắp con chạch cao 50cm
Đê được gia cố theo hình thức đắp con chạch cao 50cm
Việc gia cố đê phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 15/10
Việc gia cố đê phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 15/10

Hoàng Lam - Duy Tuyên