Đà Nẵng:

Vấn nạn xe ôm dọa taxi để “cướp” khách

(Dân trí) - Tình trạng xe ôm đe dọa các tài xế taxi để giành khách không phải bây giờ mới xảy ra trong bến xe trung tâm Đà Nẵng. Nhưng phần vì sợ bị trả thù, phần sợ mất đất làm ăn, các bác tài taxi không khai báo sự việc với lực lượng chức năng.

Vấn nạn xe ôm dọa taxi để “cướp” khách  - 1

Tình trạng xe ôm bát nháo làm phiền hành khách.
 
Khoảng 20 giờ ngày 8/4/2010, vừa xuống xe tại cổng bến xe trung tâm Đà Nẵng, ông Phan Tấn Hai (ngụ đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê) bị hơn 10 người chạy tới lôi kéo, mời đi xe ôm. Thấy quá lộn xộn, ông cùng người mẹ già quyết định không đi xe ôm mà đi bộ đến một chiếc xe taxi ở gần đó.

 

Khi mẹ con ông vừa bước lên xe, lập tức có 2-3 đối tượng chạy đến chặn đầu xe taxi lại. Một đối tượng mở cửa đánh tài xế, đối tượng còn lại kéo mẹ con ông ra khỏi xe. Bức xúc, ông Hai vẫn kiên quyết không đi xe ôm và tiếp tục đi bộ, ra đến đường Tôn Đức Thắng thì có 2 đối tượng chạy xe máy theo, một kẻ ném một vật nặng về phía ông rồi dừng lại định xông vào hành hung.

 

Ông và người mẹ vội chạy vào phòng bảo vệ của chi nhánh điện lực Liên Chiểu nên may mắn thoát nạn. Gần 1 giờ sau hai mẹ con mới dám đón xe về nhà mà vẫn sợ bị hành hung dọc đường.

 

Đó là nội dung được phản ánh trong lá đơn gửi đến các cơ quan báo chí và lực lượng chức năng của ông Phạm Tấn Hai. Trong đơn, ông không khỏi bức xúc về tình trạng xe ôm ngang nhiên tranh giành khách với các tài xế taxi, gây bất bình đối với hành khách mỗi lần đi hoặc về bến xe Đà Nẵng.

 

Không chỉ tranh giành khách ngay tại bến xe mà nhiều nơi khách thường lên xuống như ngã ba Huế, cầu vượt Hòa Cầm hầu như không thấy một chiếc taxi nào vì “lãnh địa” này thuộc cánh xe ôm chứ không phải là… của chung.

 

Một hành khách tên Hoàng từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng, xuống xe tại cầu vượt Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ), gọi mãi không thấy taxi đến đón. Hỏi một chủ quán nước ven đường mới biết khu vực này là vùng “đất làm ăn” của cánh xe ôm. Bà chủ quán khuyên anh nên đi xe ôm, còn đợi taxi thì đến tối cũng không có.

 

Một hành khách tên Bình kể lại: Khi từ Quy Nhơn ra Đà Nẵng đi công tác, đến cầu vượt Hòa Cầm thì xuống xe, vì nắng nóng không muốn đi xe ôm nên khi thấy một chiếc taxi đang chạy trên đường anh liền gọi lại nhưng khi xe chưa dừng thì đã có 4-5 chiếc xe ôm lao tới chặn đầu xe và hăm dọa tài xế, thế là chiếc taxi phải bỏ đi.

 

Một lái xe của hãng taxi Tiên Sa tên Phạm T.T, chạy xe BKS 43X-xxxx cho biết: Anh em trong hãng rất bất bình trước vụ việc một đồng nghiệp bị hành hung vào 21 giờ ngày 30/4 vừa qua. Nhận được lệnh của tổng đài điều xe đến đón 5 khách trước bến, khi đến nơi thấy khách đang bị 3 xe ôm vây quanh và chèo kéo, tài xế taxi đến mời khách lên xe đã bị nhóm người chạy xe ôm chặn lại, đe dọa, đồng thời ngăn cản không cho khách bước lên taxi.

 

Sau đó, đôi bên xảy ra cãi vã. Một đối tượng lái xe ôm đã cầm gạch đập mạnh vào cửa trước của xe taxi khiến cửa kính bị nứt. Hoảng sợ trước sự hung hăng của nhóm xe ôm, lái xe đành phải đánh xe đi.

 

Bến xe Đà Nẵng thuộc khu vực giáp ranh giữa 3 quận: Thanh Khê, Liên Chiểu và Cẩm Lệ. Từ sau khi ký kết quy chế liên tịch số 01 (tháng 9/2008), công an 3 quận đã có nhiều giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm nhằm ổn định tình hình khu vực giáp ranh này, trong đó có bến xe Đà Nẵng. Theo đó, công an phường Hòa An (Cẩm Lệ) quản lý an ninh trật tự bên trong bến xe, phía bên ngoài bến là địa bàn quản lý của công an phường Hòa Minh (Liên Chiểu), ngoài ra Thanh tra giao thông cũng túc trực thường xuyên.

 

Trung tá Nguyễn Đắc Mười, Trưởng công an phường Hòa Minh, đơn vị quản lý bên ngoài bến xe cho biết: “Vụ việc xảy ra như hành khách phản ánh ở trên, công an phường không nhận được tin báo cụ thể của hành khách và cả tài xế taxi bị đánh để can thiệp, giải quyết nhằm bảo đảm an ninh trật tự. Để giải quyết triệt để, không dung dưỡng những phần tử xấu, những hành khách và các lái xe taxi cần khai báo cụ thể với lực lượng công an mỗi khi có vụ việc tương tự xảy ra”.

 

Công Bính