1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Vải thiều Lục Ngạn bị "ăn theo" thương hiệu

Mấy năm gần đây, người trồng vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang) khốn khổ vì vải thường được mùa mất giá. Càng khổ hơn vì bị người dân nơi khác lợi dụng thương hiệu sẵn có của vải thiều Lục Ngạn để trục lợi.

Ông Hoàng Sìn ở thị trấn Chũ, người có hơn 1 mẫu vải cho biết: “Chuyện người dân nơi khác mang vải đến địa bàn của chúng tôi bán cho được giá thường xuyên xảy ra và làm ảnh hưởng tới thương hiệu vải thiều Lục Ngạn. Tuy nhiên, họ cũng là người trồng vải, có vải thì mang đi bán, mình cũng chẳng có quyền gì để cấm họ được”.

Vải thiều Lục Ngạn bị "ăn theo" thương hiệu - 1
Vải Lục Ngạn đang bị lợi dụng thương hiệu.

Theo ông Thân Văn Khánh – Bí thư Huyện uỷ Lục Ngạn, hàng năm sản lượng vải thiều của Lục Ngạn đạt khoảng 100.000 tấn trở lên. Vải thiều đã thực sự là cây thế mạnh, đóng góp tỷ trọng cao trong tổng thu nhập GDP toàn huyện.

Tuy nhiên, ông Khánh cho biết: “Vào mùa vải, việc bà con ở một số vùng lân cận mang vải đến địa bàn Lục Ngạn để bán cho được giá là vẫn thường xuyên xảy ra. Chính vì thế, Năm 2005, UBND huyện Lục Ngạn và Sở KHCN Bắc Giang đã phải đăng ký chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn”.

Còn ông Nguyễn Văn Xuất - Phó Giám đốc Sở KHCN tỉnh Bắc Giang cho biết: “Vải thiều Lục Ngạn đang bị đánh đồng với vải của các địa phương khác. Thậm chí, có trường hợp còn in tem, nhãn vải thiều Lục Ngạn giả để trục lợi đã bị chúng tôi phát hiện và xử lý”.

Theo ông Xuất, về cơ bản các cơ quan quản lý có thể xử lý được, nhưng vào vụ vải thiều do thời gian chỉ diễn ra trong 2 tháng với sản lượng lớn, nên không thể kiểm soát hết được. “Chính vì thế, biện pháp quan trọng nhất là nâng cao ý thức của người dân và bản thân Hội Sản xuất vải thiều trên địa bàn Lục Ngạn phải tự bảo vệ lấy thương hiệu của mình” - ông Xuất nói.

Theo Thanh Xuân
Dân Việt