Vài mảng đời thầm lặng và khiêm tốn

(Dân trí) - Cuộc đời này nhiều khi đẹp lên nhiều khiến người ta muốn sẻ chia và ngợi ca không phải vì những gương mặt nổi tiếng phú quý giàu sang mà chính vì những mảng đời thầm lặng và khiêm nhường…

Chị Bích

Chị Bích mím môi, nén cái đau lưng đang dày vò chị, tiếp tục chiên những miếng bánh chuối trong chảo mỡ to, ở buổi Tết năm đó. Đấy là một hình ảnh thân thuộc mà tôi giữ mãi về chị Bích.năm 60 tuổi,  Chị sang bên này học Y khoa và định cư ở châu Âu từ hơn 40 năm nay.

Chuyện đời chị Bích, mà tôi biết, bắt đầu từ năm 1970, lúc mới sang Bỉ, chị tạm trú ở nhà các nữ tu ở đường St Gilles, sau về cùng chỗ với tôi, cũng ở trong khuôn viên một nhà thờ. Đối với phụ nữ chúng tôi thời ấy, đó là giải pháp vừa an toàn tiện lợi (có người lo cơm nước) lại không quá đắt đỏ.

Thế rồi chúng tôi thật sự thân nhau khi cùng sinh hoạt múa hát với nhau khoảng hai ba năm sau. Chúng tôi “hát từ đồng hoang”, “hát cho đồng bào tôi nghe” (tên của những sinh hoạt), hát cứu lụt, và nhiều lần “hát” khác nữa. Sau đó, chị lấy chồng xa, rời chi hội  nhưng hoàn toàn không ngừng hoạt động hướng về đất nước.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí  qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

 “Con chim chích chòe, nó kêu chích chòe, nó đậu cành tre, ... con chỉ múa với cô Bích thôi”. Đó là một kỷ niệm khác, cũng liên quan đến “hát”, khi một bé - mới 4, 5 tuổi -  thế hệ thứ hai ở bên này, lên sân khấu cùng với các bạn đồng trang lứa, cũng văn nghệ Tết, ngay giữa bài múa, đứng khựng lại khóc vì vừa khám phá ra là cô Bích đi đâu mất (thật ra cô ấy ở sau cánh gà !)...Thế có nghĩa là chị Bích, hết múa hát thật đấy nhưng từ lâu chị đã ... chuyển nghề và đã dày công gầy dựng thế hệ nối nghiệp : bảo tồn văn hóa Việt Nam qua các việc dạy tiếng Việt, dạy hát, tổ chức trại hè, ... cho con em bạn bè và cho cộng đồng người Việt bên này.

Chị tiếp tục vận động lo cho các nạn nhân chất độc da cam, liên hệ với quen biết bên này, với tư cách và địa vị của một thân hào nhân sĩ nên chị huy động được nhiều : bạn bè chị, người thì cho 100 euros, người 300 euros, ... chị mang về bên nhà nhiều tiền bạc và nhất là một tấm lòng (vì tiền bạc thì chị không có đếm).

Về tấm lòng, chị vẫn mê nhạc Trịnh Công Sơn và nhiều lần, tổ chức hát nhạc Trịnh, với những ca sĩ nghiệp dư. Hát hay không bằng hay hát mà. Nhưng các anh chị nghiệp dư hát hay thật. Mới đây là kỷ niệm 10 năm ngày giổ của nhạc sĩ Trịnh, tổ chức trong một lâu đài đàng hoàng. Mỗi lần như thế, chị bỏ công sức, và cả gia sản nữa, để anh em bạn bè có dịp gặp nhau và trả lời phần nào nhu cầu hoài hương của mọi người.

Chị cũng có khóc trong đời. Lần tôi thấy chị đỏ mắt nhất là hôm đám tang mẹ chị. Chị kể hôm trước đấy chị đến thăm bà trễ nên mới ra nông nỗi. Chị bảo từ đây phải cài hoa hồng trắng trong ngày lễ Vu lan.

Bên cạnh đó, chị vẫn tiếp tục hành nghề bác sĩ gây mê và nuôi dạy hai con thành người. Gặp chị, bây giờ lên hàng “bác Bích” rồi, chị vẫn giản dị, tóc muối tiêu, không son phấn. Chị kể rằng tuổi cũng khá cao, mau mệt hơn trước, chị bớt công việc lại, thích vẽ tranh trên lụa, học cắm hoa và chờ ... các con chị sinh cháu cho vui cửa vui nhà...

Anh Liêm

Gầy, dáng dấp của một ông đồ, khi gặp anh, với trải nghiệm vốn có qua hình ảnh một số bác sĩ và giáo sư trong nước, tôi  khó tưởng tượng anh là một bác sĩ phẫu thuật danh tiếng, hiện điều khiển, đứng đầu một bệnh viện one day surgery clinic (bệnh viện săn sóc phẩu thuật trong ngày). Có lẽ vì tôi quên nhìn những ngón tay dài và suôn sẻ của anh, một minh chứng cho cái “khéo tay”, y như những bàn tay của nhạc sĩ dương cầm ấy mà...

Anh Liêm từ tốn, cũng ở tuổi 60, cũng có những đứa con thành đạt, cũng thuộc thành phần kỳ cựu trong phong trào yêu nước từ hơn 40 năm nay, cũng là thân hào nhân sĩ đối với người sở tại, cũng có rất nhiều uy tín và quen biết bên này, ... nhưng không một lời khoe khoang.

Đúng là “hữu xạ tự nhiên hương”. Kiệm lời nhưng cởi mở và chú ý tới người đối diện, anh có cái vốn mà tôi gọi là empathie, biết đặt mình vào vị trí của người khác. Có lẽ một phần,  nghề bác sĩ của anh  rèn cho anh tính ấy để có thể hiểu hơn các bệnh nhân của mình.

Anh mơ sau này, lúc nghỉ hưu, trở về nước an nhàn trong khung cảnh mà anh đã lớn lên và  đã để lại trong đầu anh những hình ảnh đẹp không gì xóa bỏ được, dù đất nước đã đổi thay, dù họ hàng thân thuộc của anh giờ cũng mai một, ... Bù lại, anh bảo, anh có vài người bạn đã về nước rồi, khi đến lượt anh về, anh sẽ ... đi ăn cùng với các bạn ấy và cùng họ kể chuyện cổ tích của thời nay.

Là người đại diện cho Hội thân hữu với người sở tại, là người trách nhiệm tổ chức các sinh hoạt, anh biết rõ nhu cầu tình cảm xã hội và vật chất của cộng đồng và anh luôn đi tìm giải pháp để có thể giúp giải đáp các nhu cầu ấy. Thế nhưng trong các lễ lộc, anh lại là người khiêm nhường, nhiệt tình đón chào bạn bè khách khứa, trông nom cho diễn tiến mọi việc, một đôi khi anh đích thân lo chụp ảnh các sinh hoạt, đôn đáo lo công việc cho chu toàn nhưng không thích ồn ào kể công hay tự tôn vinh (theo kiểu PR của một số người). Đó là đặc điểm của một leader démocratique (người điều khiển một cách dân chủ).

Chị Minh

Chuyện chị Minh là chuyện một người phụ nữ giỏi văn chương và văn hóa Việt Nam, thấm nhuần “tam cương ngũ thường” và “tam tòng tứ đức” của Khổng giáo, ... nhưng đi lấy chồng Tây. Hiện thời, ở trong nước, lấy chồng ngoại quốc là một điều hãnh diện (vài người nổi tiếng vẫn khoe chồng Tây, chồng Việt kiều hay Hàn quốc, ...). Thế nhưng vào thập niên 1970, quan niệm xã hội còn bảo thủ hơn, ngay cả trong cộng đồng người Việt ở xứ ngoài cũng thế. Chị Sĩ, thuộc hàng lớn tuổi lúc đó, còn hỏi giới “nam nhi chi chí” của Hội người Việt bên này “các cậu làm gì mà để chị Minh lấy chồng Tây ?” (thời đó tỉ lệ phụ nữ trong cộng đồng Việt tại châu Âu rất thấp).

Thế nhưng chị Minh và chồng chị âm thầm nhẫn nhịn trước những lời bàn luận. 40 năm sau, hôn nhân của hai người vẫn bền vững và chị đã nuôi dạy xong ba đứa con giỏi cả hai văn hóa : vừa Tây vừa Việt, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, học hành đàng hoàng và trở thành những công dân toàn cầu của thế kỷ thứ 21.

Đối với chị, chuyện vợ chồng là chuyện “tâm đầu ý hợp”, biết cảm thông, chia sẻ và tôn trọng nhau. Tây hay ta, giàu hay nghèo, có sắc đẹp hay gì gì.. ..đều là chuyện phụ. Hai vợ chồng chị Minh tế nhị lo cho nhau và đối thoại với nhau từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, từ các vấn đề khoa học, chuyên môn riêng của anh chị, đến việc cơm nước mỗi ngày.

Có thể họ đi từ hai văn hóa khác nhau, nhưng hai vợ chồng anh chị đã tạo cho cặp đôi mình một văn hóa chung của gia đình và họ hạnh phúc với nhau, mỗi ngày. Chứ họ chưa bao giờ mừng ngày tình nhân hay tổ chức mừng mỗi năm nhân ngày cưới (những hình thức ấy, đối với họ, là những chiêu của kinh tế thị trường).

Chị Tuyết

Trắng, như tên chị. Liêm khiết và thương người. Chị Tuyết cũng là một bác sĩ, bác sĩ gia đình. Thế có nghĩa là chị rất gần bệnh nhân, hiểu rõ hoàn cảnh xã hội, tâm lý và lịch sữ bệnh lý của từng người. Một lần, tôi có hẹn đến gặp chị, nhưng chị vắng nhà. Gần một tiếng sau chị mới về, sắc diện não nuột : chị đã đi tới nhà một bệnh nhân của chị, vốn đã hết phương cứu chửa, chị đã  lo cho bà tới phút cuối cùng và an ủi các con bà...

Chị Tuyết giỏi bếp núc, nhất là các món Việt Nam. Một chuyện hết sức hiếm hoi, và rất quí cho những dân xa quê như chúng tôi. Có lần, nhân buổi hội nghị về phụ nữ ở thành phố, chúng tôi tiếp đón các phái đoàn phụ nữ từ Việt Nam và từ Pháp sang, chị Tuyết đã một tay làm bún riêu cua cho gần hai mươi người. Lại thết mọi người một món tráng miệng đặc biệt của Ý (bánh Tiramisu). Mười năm sau, có dịp gặp nhau, mọi người còn hít hà vị cay của món bún và cái dịu dàng ngọt ngào của món Ý mà chị Tuyết đã cho chúng tôi ăn.

Nhưng lần mà chị Tuyết làm chúng tôi ngạc nhiên nhớ đời là lần chị làm bánh chưng Tết. Muốn gói bánh chưng, phải ngâm nếp và đậu, phải làm nhân, phải gói rồi luộc bánh. Chưa gì, chỉ nghĩ đến những công đoạn như thế, mọi người đã sợ, nhưng chị Tuyết đã một mình làm bánh Tết cho mọi người.

Nói đến chị Tuyết phải nói đến Duy Châu : Trong ba năm, chị đã huy động tiền, làm mọi thủ tục để về xây lại trường THCS bị lụt tàn phá ở Duy Châu. Chị cũng đã tổ chức để hơn 20 học sinh Bỉ về tận nơi, ra tay sơn trường, trong một chương trình thiện nguyện.

Chị Nhàn và những người khác

Chị Nhàn, sau nhiều năm bặt tin, cho tôi biết hai con chị, cháu lớn ra trường kỹ sư quản trị kinh tế, cháu bé đang học về lịch sử nghệ thuật. Anh Vũ, một người bạn khác, khôi hài về cái gốc dân làm ruộng của gia đình anh :  hai con của anh, bây giờ đi làm bác sĩ thú y và kỹ sư nông nghiệp. Anh Thông thì kể là bọn anh vừa xây cái cầu thứ 104 cho đồng bằng sông Cửu Long để thay các cầu bằng tre...

Tôi nhìn các bạn cũ của tôi và thầm phục họ : Tất cả đều là dân nhập cư ở trời Âu, tất cả đã bằng sức lực và cố gắng của mình mà gầy dựng nên địa vị và chổ đứng trong xã hội, lập gia đình, nuôi dạy con. Thầm lặng mỗi ngày, ngày này qua ngày khác, thung dung tựu nghĩa, sống với cá thể Việt Nam của mình, vừa không quên quê cha đất tổ, vừa hòa đồng với xã hội, với một sự giản dị không bờ bến.

NHM
Liège, Bỉ

LTS Dân trí - Bài viết về những mảng đời bình dị, khiêm nhường và sống nặng tình, nặng nghĩa với nhau và cùng chung một tình cảm sâu nặng với quê hương …Đấy cũng là những kỷ niệm, những hồi ức thật đẹp của tác giả đối với những bạn bè thân thiết của mình đều là những trí thức Việt Nam định cư bên trời Âu nhưng luôn canh cánh nhớ về đất nước nguồn cội…

Đọc bài viết trên đây, chúng ta được chia sẻ cùng tác giả những tình cảm đẹp, trong sáng, giản dị, mà thấm đượm ân tình.