1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Quảng Nam:

Tuyến kè trăm tỉ bảo vệ phố cổ Hội An

(Dân trí) - Ngày 21/3, tuyến kè bảo vệ phố cổ Hội An đã được gắn biển nhân kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng và 20 năm ngày tỉnh Quảng Nam được tái tập. Đây là tuyến kè trọng yếu bảo vệ khu phố cổ Hội An.

Theo ông Đặng Bá Dự - Trưởng Ban QLDA đầu tư xây dựng Quảng Nam (chủ đầu tư dự án) - cho biết, dự án kè bảo vệ khu đô thị cổ Hội An từ Chùa Cầu đến cầu Cẩm Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dự án ưu tiên thuộc chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC).

Tuyến kè bảo vệ khu phố cổ Hội An
Tuyến kè bảo vệ khu phố cổ Hội An

Trên cơ sở đó, UBND TP Hội An đã trình UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình kè với tổng mức đầu tư trên 150 tỉ đồng. Tuy nhiên do nhiều khó khăn khách quan, dự án không được bố trí vốn để thực hiện.

Tháng 8/2014, tỉnh Quảng Nam chuyển chủ đầu tư từ TP Hội An sang Ban QLDA đầu tư xây dựng tỉnh. Sau khi hoàn thiện các thủ tục, tháng 11/2015 dự án được khởi công với tổng mức đầu tư là 135,650 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương từ chương trình SP-RCC hơn 80 tỉ đồng, phần còn lại do ngân sách địa phương đối ứng.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam gắn biển công trình chào mừng 42 năm ngày giải phóng và 20 năm ngày tách tỉnh
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam gắn biển công trình chào mừng 42 năm ngày giải phóng và 20 năm ngày tách tỉnh

Theo Ban QLDA đầu tư xây dựng Quảng Nam, mục tiêu của dự án là phòng chống bão lụt, đảm bảo an toàn cho các công trình kiến trúc cổ, tính mạng, tài sản nhân dân và phục vụ khách du lịch đô thị cổ Hội An; giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu đến đời sống sinh hoạt của người dân trong vùng hưởng lợi; tăng cường khả năng thích ứng và sống chung với lũ lụt và nước biển dâng do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu; tạo cảnh quan môi trường sinh thái trong khu vực.

Công trình bao gồm tuyến kè dài gần 780 m kết cấu bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, kết hợp nạo vét lòng sông, cải tạo vỉa hè, thoát nước, thảm tăng cường mặt đường cũ, cảnh quan môi trường và hệ thống điện chiếu sáng.

Ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch TP Hội An – cho hay, là địa phương nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn nên hàng năm Hội An thường xuyên phải đối mặt với nhiều nguy cơ, hiểm họa bất thường do thời tiết gây ra.

“Hiện tượng ngập úng và sạt lở đất liền do biến đổi khí hậu gây ra ngày càng tăng cả về tần suất lẫn cường độ, đe dọa đến sự an toàn về tính mạng, tài sản của nhân dân và ảnh hưởng trực tiếp đô thị cổ Hội An”, ông Dũng phát biểu.

Theo lãnh đạo Hội An, trong suốt hàng trăm năm qua, người dân Hội An đã học thích nghi với thiên tai, nhưng những nỗ lực của con người khó có thể giữ lại cho Hội An nguyên vẹn trước sự biến đổi ngày càng khó lường của tự nhiên.

“Tuyến kè khu phố cổ được đầu tư mấy chục năm qua đã xuống cấp nặng và liên tiếp xảy ra tình trạng sạt lở, nhiều đoạn bị nứt kéo dài hoặc bị ăn sâu vào 3-4m, đoạn sạt lở kéo dài từ cầu Cẩm Nam đến khu vực bến đò hơn 100m”, Chủ tịch TP Hội An phát biểu.

Trước thực trạng này, chính quyền Hội An đã triển khai khẩn cấp biện pháp đóng cọc, làm kè tạm để ngăn chặn xói lở; tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế và sẽ nguy hiểm hơn đối với sự tồn tại của hàng chục ngôi nhà cổ bằm bên trong tuyến kè nếu không được triển khai nhanh biện pháp kè trên toàn tuyến.

Chủ tịch TP Hội An cũng khẳng định, công trình kè bảo vệ khu phố cổ Hội An từ cầu Cẩm Nam đến Chù Cầu được đầu tư góp vai trò hết sức quan trọng đối với công tác phòng chống lũ lụt, bảo đảm an toàn cho các công trình kiến trúc cổ, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường, cảnh quan khu vực phố cổ.

Công Bính