Tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ chạy qua 6 tỉnh, thành

(Dân trí) - Ngày 14/11, làm việc với UBND TP Cần Thơ, đại diện đơn vị tư vấn thiết kế tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ có báo cáo sơ lược về dự án hướng tuyến qua địa bàn TP Cần Thơ.

Theo đơn vị tư vấn, dự án tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ có điểm đầu từ ga lập tàu An Bình (Bình Dương) đến điểm cuối ga Cái Răng (TP Cần Thơ) với tổng chiều dài khoảng 180km. Tuyến đường sắt này đi qua các tỉnh, thành phố: Bình Dương, TPHCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long và TP Cần Thơ.

Về phương án xây dựng, Bộ GTVT cũng đã có định hướng ưu tiên sử dụng công nghệ Hàn Quốc với đường sắt cấp I, có tốc độ thiết kế 200km/h, vừa chở khách, vừa chở hàng.

Hướng tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ với điểm cuối tại quận Cái Răng (TP Cần Thơ).
Hướng tuyến đường sắt TPHCM - Cần Thơ với điểm cuối tại quận Cái Răng (TP Cần Thơ).

Làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ, đơn vị tư vấn đưa ra 2 phương án tuyến điểm cuối tại Cái Răng: phương án 1 đi theo đường trục 2C và phương án 2 đi theo đường trục 3C. Theo đơn vị tư vấn, cả 2 phương án đều có những thuận lợi: vị trí ga đảm bảo quỹ đất và kết nối với các phương án có khó khăn ga không thể bố trí gần khu dân cư và công nghiệp nên giảm tính tiện lợi cho hành khách. Riêng ở phương án 2, vị trí ga cắt qua nhiều kênh rạch, không thuận lợi cho bố trí ga và chiều dài tuyến dài hơn 700m.     

Theo đơn vị tư vấn, về bình diện tuyến và vị trí ga tốt hơn nên kiến nghị chọn phương án 1 để nghiên cứu. Đánh giá phương án 1, đơn vị tư vấn cho biết, tuyến đường sắt đi qua địa bàn TP Cần Thơ có tổng chiều dài khoảng 8,5km. Điểm đầu từ ranh giới xã Mỹ Phước (huyện Bình Minh, Vĩnh Long), cách cầu Cần Thơ, QL1A khoảng 3,3km về phía hạ lưu. Điểm cuối cách QL1A khoảng 2,5km về phía Đông, đi qua các phường Phú Thứ (7,2km) và phường Thường Thạnh (1,3km) của quận Cái Răng (TP Cần Thơ).

Từ ranh giới với huyện Bình Minh, tuyến đi giữa trục đường 2C qua khu công nghiệp Hưng Phú 2, sau đó qua khu đô thị Nam Sông Hậu. Trên đoạn tuyến này đường sắt phải đi cao vượt qua sông Hậu và khu đô thị mới Nam Cần Thơ để tránh giao cắt với hệ thống giao thông đường bộ. Qua khu đô thị mới, tuyến chuyển xuống đi trên mặt đất giao cắt với QL91C (đường 91C sẽ vượt trên) để đi về ga Cái Răng được bố trí trên mặt đất.

Theo đơn vị tư vấn, trên tuyến đường sắt vào địa phận Cần Thơ có 2 điểm khống chế là vượt sông Hậu (cách cầu Cần Thơ 3,3km phía hạ lưu) và giao cắt đường Quang Trung (cách cầu Cái Sâu 530m phía Đông Nam và cầu Bến Bạ 700m phía Tây Bắc).

Với điểm khống chế vượt sông Hậu, giải pháp đường sắt vượt sông là cầu dây văng với 2 nhịp chính là 39x180m. Phương án bố trí cầu cũng đã được Công ty bảo đảm an toàn hàng hải II thống nhất.

Tuyến đường sắt TPHCM- Cần Thơ vượt sông Hậu sẽ là cầu dây văng 2 nhịp chính.
Tuyến đường sắt TPHCM- Cần Thơ vượt sông Hậu sẽ là cầu dây văng 2 nhịp chính.

Qua báo cáo sơ lược của đơn vị tư vấn tuyến cuối tại quận Cái Răng, các ngành chức năng TP Cần Thơ thống nhất chọn điểm ga cuối tại quận Cái Răng. Tuy nhiên, lãnh đạo TP cho rằng, điểm cuối phương án 1 khá xa so với cảng Cái Cui, lại qua nhiều khu công nghiệp, khu đô thị nên vẫn có những khó khăn nhất định. Do đó, lãnh đạo TP Cần Thơ đề xuất nên chọn phương án 2 và đề nghị lùi điểm ga cuối trước đường 91C gần với bến cảng hơn.

Đại diện đơn vị tư vấn cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu theo đề xuất của TP Cần Thơ.

                                                                                    Huỳnh Hải