Tủ sách khát vọng của chàng trai teo cơ

Trong căn phòng chỉ rộng hơn 8m2 ở ngõ 111 phố Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội, ngày ngày chàng trai Phí Quang Huy vẫn học lập trình web, tiếng Anh qua mạng nhờ chiếc đũa trên tay. 23 tuổi đời, 13 năm khuyết tật, nhưng Huy đã dần thực hiện được những ước mơ.

Tủ sách khát vọng của chàng trai teo cơ - 1

Huy và Linh trong ngày lập tủ sách Vọng Ước. (Ảnh: do nhân vật cung cấp)

 

Trong đó, việc đầu tiên là lập tủ sách Vọng Ước dành cho người bạn khuyết tật của mình, học sinh nghèo ở một thôn của huyện Phú Xuyên.

 

Nỗi đau không hẹn trước

 

Phí Quang Huy sinh năm 1987, nhưng mang khuôn mặt cậu già hơn tuổi rất nhiều. Huy mang trong mình một thân thể đau ốm, mọi sinh hoạt, làm việc đều diễn ra trên chiếc giường nhỏ hoặc trên xe lăn.

 

Huy có tuổi thơ hồn nhiên vui đùa, ăn học. Nhưng tai hoạ ập tới đúng khi Huy lên mười tuổi. Huy bỗng nhiên bị phát bệnh, cơ thể yếu dần không còn đi lại được nữa. Cả nhà lo lắng đưa Huy đi chạy chữa khắp nơi. Chữa đông y cho đến tây y với những bài châm cứu, toa thuốc ngoại đắt tiền cũng đều vô tác dụng.

 

Lần gần đây nhất, cách đây gần năm năm, Huy đi phục hồi chức năng tại làng Hoà Bình - Thanh Xuân. Sau nhiều lần khám chữa trị, các bác sĩ đã kết luận Huy bị chứng teo cơ giả phì đại (đây là một loại rối loạn dinh dưỡng thường dẫn tới bại liệt).

 

Cả chục năm trời bà Nguyễn Thị Thanh Huyền đã mang cậu con trai yêu quý đi chữa trị khắp nơi. Bà đã phải bán cả căn nhà rộng lớn để lấy tiền chữa trị cho con. Khi số tiền bán nhà đã cạn kiệt dần, và bệnh tình của Huy cũng không có chiều hướng thuyên giảm, bà đành quyết định mua căn nhà hơn 8m2 làm nơi trú chân.

 

Khi mọi phương pháp y học đã được thử nghiệm mà không đem lại kết quả, bản thân Huy rất buồn chán. Nhưng thời gian cũng làm Huy nguôi ngoai và tỉnh ngộ. Cậu tự nghĩ ông trời vẫn cho mình cái đầu lành lặn, tỉnh táo thì tại sao mình không sống thật tốt để giúp chính mình, giúp người cùng cảnh ngộ và không làm cho mẹ phải buồn.

 

Huy bắt đầu hành động. Trước tiên cậu nhờ mẹ, bạn bè mua cho những cuốn sách tiếng Anh, tin học mang về nhà tự đọc, tự học. Với kiến thức chỉ mới hết lớp 5, nhưng bù lại Huy rất hăng say vì bản thân cậu cũng thấy mình thích nhất hai môn tiếng Anh và tin học. Sau khi mẹ gom tiền mua cho Huy được chiếc máy tính với bộ bàn phím và chuột không dây thì khát khao tự học, tự khẳng định mình của cậu đã trỗi dậy mạnh mẽ. Cũng chính từ đây, những ước mơ của Huy đã dần dần thành hiện thực.

 

Sẽ viết hết những ước mơ

 

Do những ngón tay của Huy đã bị đơ cứng không còn linh hoạt như người bình thường nên cậu phải tập đánh máy vi tính bằng một chiếc đũa. Sau vài năm khổ luyện, giờ đây cậu có thể gõ văn bản bằng đũa với tốc độ nhanh gần như người bình thường gõ mười ngón. Nhìn Huy múa chiếc đũa trên bàn phím mà thầm cảm phục chàng trai đầy nghị lực này.

 

Sau nhiều tháng ngày mò mẫm trên mạng, Huy cũng tìm đến được với Blue Dragon (Rồng Xanh) và được tổ chức này tài trợ cho một khoá học tiếng Anh online trong một năm với trị giá hơn 700.000 đồng. Không chỉ thế, khi đã chứng tỏ được những đam mê, năng lực trong thế giới mạng, tổ chức Rồng Xanh còn quyết định tài trợ cho Huy một khoá học lập trình web trị giá 7,5 triệu đồng/6 tháng (hiện Huy đã học được ba tháng).

 

Nhưng dấu mốc quan trọng nhất chứng tỏ sự nỗ lực của Huy trong thời gian qua đó là việc cậu đã vận động bạn bè, người thân quyên góp sách, truyện tranh, báo và tạp chí để lập ra tủ sách Vọng Ước tại thôn Mai Xá, xã Quang Lãng, Phú Xuyên, Hà Nội.

 

Nói về sự kiện này Huy tâm sự với chúng tôi: “Năm 2009 Huy về thăm bạn Đặng Thị Linh cùng với cô giáo dạy tiếng Anh của mình, cô giáo người Mỹ đang dạy tại trung tâm Anh ngữ Apollo tại địa chỉ 176 phố Thái Hà. Linh bị sốt bại liệt từ khi mới tám tháng tuổi và sống suốt 24 năm qua trên xe lăn. Tuy bị bại liệt nhưng Linh rất khát khao được học tập, nhất là đọc sách báo. Cảm động về người cùng cảnh ngộ, và khát vọng của Linh nên ngày 16/4/2009 mình đã quyết định về thăm Linh…”

 

Sau chuyến đi ấy trở về Hà Nội, Huy đã quyết định phải bằng mọi giá làm được một điều gì đó cho Linh và những trẻ em nghèo nơi miền quê ấy.

 

Sau mấy tháng chuẩn bị cơ sở vật chất, đến ngày 25/10/2009 Huy cùng người thân, bạn bè đã thuê xe ôtô chở sách báo về nhà Linh để chính thức cho ra mắt tủ sách Vọng Ước. Vọng ước đó chính là những khát vọng, ước mơ của Huy và những người khuyết tật, các em học sinh nghèo mong ước qua trang sách, báo sẽ được mở mang kiến thức để rồi biến những ước mơ của bản thân thành hiện thực. Huy đã tâm sự về ý nghĩa của tủ sách Vọng Ước với chúng tôi như vậy.

 

Hiện nay tủ sách Vọng Ước do Đặng Thị Linh quản lý, còn Huy đang tiếp tục vận động các nhà tài trợ, những người hảo tâm để làm cho tủ sách ngày càng có nhiều về số lượng và tăng cả về chất lượng. Chỉ sau hơn bảy tháng đi vào hoạt động, tủ sách Vọng Ước của Phí Quang Huy đã được nhiều độc giả (đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi) ở Mai Xá ghé thăm, xem đọc. Tuy mới chỉ có vài trăm đầu cả sách, báo, truyện nhưng tủ sách Vọng Ước đã trở thành địa chỉ tri thức của người dân vùng quê nghèo Mai Xá.

 

Ngoài tủ sách Vọng Ước, Huy còn có ý định lập diễn đàn giao thông cho người khuyết tật (riêng mục tiêu này của Huy đã được một giáo viên dạy người khuyết tật bên Úc hứa sẽ giúp đỡ trong thời gian tới).

 

Ước vọng sống và cống hiến của Phí Quang Huy thực sự khiến cho những người lành lặn phải cảm phục. Huy tự tin mình sẽ viết hết được những kế hoạch và ước mơ cuộc đời mình thành hiện thực.

 

Theo Hải Dương
Sài Gòn tiếp thị