Từ năm tới, Thủ tướng có thêm quyền quyết định về nhân sự cấp cao

(Dân trí) - Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi do Văn phòng Chủ tịch nước công bố ngày 17/7 được chú ý nhiều với việc bổ sung một số thẩm quyền cũng như áp thêm trách nhiệm cụ thể với người đứng đầu Chính phủ. Trong nhiều trường hợp, Thủ tướng được giao quyền cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh…

Buổi họp báo công bố luật tại Phủ Chủ tịch trong ngày 17/7.
Buổi họp báo công bố luật tại Phủ Chủ tịch trong ngày 17/7.

Đây là một nội dung được điều chỉnh cơ bản so với luật hiện hành. Cụ thể, về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng, luật mới được ban hành có 4 điều, bổ sung 2 điều so với luật hiện hành trong đó có 1 điều quy định thêm về trách nhiệm của Thủ tướng và 1 điều quy định về Phó Thủ tướng.

Thủ tướng được bổ sung quyền giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Bộ trưởng Nội vụ trong trường hợp khuyết chức danh nào đó trong thời gian Quốc hội không họp.

Thủ tướng cũng có thêm quyền giao quyền Chủ tịch UBND cấp tỉnh theo đề nghị của Bộ trưởng Nội vụ trong trường hợp có tỉnh khuyết chức danh này trong thời gian giữa hai kỳ họp HĐND cấp tỉnh.

Thủ tướng được quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan thuộc Chính phủ; quyết định điều động, đình chỉ công tác, cách chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh…

Thêm quyền, luật cũng áp thêm trách nhiệm đối với người đứng đầu Chính phủ. Thủ tướng phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ về hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, về các quyết định và kết quả thực hiện các quyết định của mình.

Thủ tướng có trách nhiệm báo cáo công tác, giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội, UB Thường vụ Quốc hội và chỉ được ủy quyền cho Phó Thủ tướng thực hiện trong trường hợp vắng mặt.

Thủ tướng thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng.

Đối với các Bộ trưởng, luật quy định cụ thể số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5 người; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6 người. Tuy nhiên, với trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng trình UB thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Tương tự, số lượng cấp phó trong các cơ quan thuộc Bộ cũng được quy định “cứng” trong luật. Cụ thể, người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục, đơn vị sự nghiệp công lập có không quá 3 cấp phó; Tổng Cục trưởng cũng bị giới hạn không quá 4 cấp phó.

Những quy định mới này có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016.

Luật mới được đánh giá là sẽ khắc phục được những hạn chế bất cập của luật hiện hành. Cụ thể, hiện tại, Thủ tướng Chính phủ chưa thực sự trở thành một thiết chế hữu hiệu để giải quyết các vấn đề cụ thể và mới phát sinh trong hoạt động của Chính phủ, chưa xác định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của Thủ tướng với tư cách là người lãnh đạo Chính phủ, của Bộ trưởng với tư cách là thành viên Chính phủ và là người đứng đầu một cơ quan của Chính phủ.

Mối quan hệ giữa Chính phủ với chính quyền địa phương chưa được xác định cụ thể, có sự gắn bó chặt chẽ, nhất là sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng đối với chính quyền địa phương; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, chưa thực hiện tốt nguyên tắc cơ quan cấp dưới phải phục tùng sự chỉ đạo, lãnh đạo và chấp hành nghiêm chính các quyết định của cơ quan cấp trên.

Đang bị tạm giam vẫn được bầu đại biểu Quốc hội

Cùng với nhiều luật Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân cũng được công bố tại buổi họp báo của Văn phòng Chủ tịch nước trong ngày 17/7.

Tại đây, nhiều điểm mới đáng chú ý đã được Phó trưởng Ban Công tác đại biểu Hà Minh Sơn giới thiệu tóm tắt với báo giới.

Theo đó, luật này đã trao thẩm quyền quyết định ngày bầu cử toàn quốc, việc bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội trong thời gian giữa hai nhiệm kỳ, quyết định thành lập hội đồng bầu cử quốc gia cho Quốc hội thay vì do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện như trước đây.

Luật cũng “chốt” cứng tỷ lệ phải có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số và ít nhất 35% là phụ nữ.

Tương tự, danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân các cấp cũng phải bảo đảm có ít nhất 35% là nữ.

Một điểm rất mới được nhấn mạnh là việc mở rộng cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục, cai nghiện bắt buộc.

Ông Hà Minh Sơn cho biết, luật có quy định riêng đối với việc tổ chức bầu cử tại các quận huyện phường thực hiện thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện phường.

Ngày 1/9/2015 là thời điểm Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân có hiệu lực thi hành.

 

P.Thảo