34 năm ngày giải phóng Cam-pu-chia khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt

Từ đau thương đến hồi sinh và phát triển

“Tôi rất biết ơn Việt Nam đã giúp đánh đuổi Khơ-me Đỏ...”

“Tôi rất biết ơn Việt Nam đã giúp đánh đuổi Khơ-me Đỏ, nếu không thì làm sao có một người tù của Khơ-me Đỏ là Xi-ha-núc đứng hát cho các vị nghe ngày hôm nay”. Câu nói bằng tiếng Việt của cựu Quốc vương Cam-pu-chia Nô-rô-đôm Xi-ha-núc (Norodom Sihanouk) sau khi tự trình diễn bài dân ca Bắc Bộ “Cây trúc xinh” trong một buổi tiệc chiêu đãi đoàn ngoại giao ở thủ đô Phnôm Pênh năm nào vẫn được nguyên Đại sứ Việt Nam tại Cam-pu-chia Nguyễn Chiến Thắng nhớ tường tận cho tới bây giờ.

 

Ân tình của Việt Nam

 

Ý tứ trong câu nói của cựu Quốc vương Xi-ha-núc có lẽ bất kỳ người dân Cam-pu-chia nào cũng có thể hiểu được. Bởi hình ảnh của bộ đội tình nguyện Việt Nam đã ghi dấu ấn khó phai trong tim mỗi thế hệ người dân nơi đây. Họ luôn biết ơn Việt Nam vì đã dành cho họ sự giúp đỡ to lớn về vật chất và tinh thần khi Cam-pu-chia chìm trong những tháng ngày đen tối của chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Đối với nguyên Đại sứ Việt Nam tại Cam-pu-chia, câu nói đó càng khiến ông cảm thấy tự hào. Là người có cơ hội được công tác tại xứ Chùa Tháp và viếng thăm nơi đây nhiều lần, đối với ông Thắng, mỗi lần quay trở lại, ông đều cảm nhận được sự nồng ấm và thân thiết mà những bạn bè Cam-pu-chia dành cho mình. Đó là tình cảm chân thật, xuất phát từ một thời “vắt cơm xẻ nửa” giữa những người con của hai dân tộc.

 

34 năm trước, vào ngày 7-1-1979, khi các lực lượng vũ trang cách mạng của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia, được sự phối hợp và giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam, tiến vào giải phóng Phnôm Pênh, thành phố này thực sự là một thành phố ma, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Một thành phố không người, không trường học, không bệnh viện, không chợ, không tiền, không nhà băng, không nhà bưu điện…, chỉ có nhà tù và xác chết. Phnôm Pênh khi đó là một “mảnh ghép” của “những cánh đồng chết” với hơn 2 triệu người bị giết hại - hậu quả thảm khốc của 3 năm 8 tháng 20 ngày dưới chế độ diệt chủng tàn bạo mang nhãn hiệu “Cam-pu-chia dân chủ” của bè lũ Pôn Pốt (Pol Pot) I-êng Xa-ri (Ieng Sary) - Khiêu Xam-phon (Khieu Samphan).
 
Một Cam-pu-chia hồi sinh và phát triển. Ảnh: Wikipedia
Một Cam-pu-chia hồi sinh và phát triển. Ảnh: Wikipedia

 

Xã hội Cam-pu-chia từ một ốc đảo hòa bình trong thập kỷ 60 của thế kỷ trước, đã bị Pôn Pốt biến thành một trại khổ sai khổng lồ đầy rẫy những hố chôn người, không có sự giao lưu với thế giới bên ngoài, con người không được nói, cười, không được vui, buồn, không được khóc, được suy nghĩ, chỉ được cúi đầu tuân lệnh, sống câm lặng và thấp thỏm chờ đợi đến lượt mình bị hành quyết. Pin Y-a-thây (Pin Yathay), một tác giả viết về Khơ-me Đỏ từng nhấn mạnh rằng: “Tôi muốn thế giới biết các con tôi, vợ tôi, bố mẹ tôi, các anh chị em và các cháu, các bạn bè của tôi đã bị giết chết như thế nào”.

 

Chỉ những ai từng bị đầy ải trong các “công xã” mà thực chất là các công trường lao động khổ sai hoặc các nhà tù dưới thời “Cam-pu-chia dân chủ”, hoặc chứng kiến tận mắt những tội ác mà chế độ Khơ-me Đỏ gây ra cho dân tộc Cam-pu-chia, mới thấy hết được ý nghĩa lịch sử mang tính sống còn đối với cả một dân tộc của ngày 7-1-1979.

 

Và để có được thời khắc tự do ấy cho nhân dân Cam-pu-chia là sự đánh đổi rất nhiều tháng năm tuổi xuân và xương máu của bộ đội tình nguyện Việt Nam. Nhiều người đã mãi nằm lại trên đất Cam-pu-chia vì sự nghiệp giúp người bạn láng giềng, người anh em thoát khỏi nạn diệt chủng. Trong rất nhiều cuốn sách về lịch sử Cam-pu-chia sau này, những nhà nghiên cứu quốc tế đã đưa ra những con số khác nhau về sự hy sinh của bộ đội tình nguyện Việt Nam. Nhưng dù con số có khác nhau, người ta vẫn có thể thấy được đó chính là sự hy sinh vô điều kiện.

 

Người Cam-pu-chia cũng mãi không quên những ân tình lớn lao đó. Ghi nhận những đóng góp, hy sinh to lớn của quân tình nguyện Việt Nam, người dân Cam-pu-chia đã xây dựng nhiều tượng đài tưởng niệm trên khắp đất nước. Đó là hình ảnh người lính tình nguyện Việt Nam sát cánh cùng người lính Cam-pu-chia che chở cho người phụ nữ đang bồng đứa con nhỏ. “Thần kỳ ở chỗ tuy những nét chạm khắc còn thô và chắc chắn không phải của một nhà điêu khắc chuyên nghiệp nhưng đã bộc lộ một ý chí dũng mãnh hòa quyện với tình cảm thân hữu trên nét mặt và ánh mắt những người lính. Họ đứng đấy sừng sững khắc tạc vào không gian và thời gian”, ông Thắng xúc động nhớ lại những lần thăm tượng đài Hữu nghị Việt Nam - Cam-pu-chia tại thủ đô Phnôm Pênh.

 

Hồi sinh từ tro tàn

 

Ngày 7-1-1979 cũng là ngày lật sang trang mới trong lịch sử thăng trầm của quan hệ Việt Nam – Cam-pu-chia. Đi ngược lại quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước láng giềng, bè lũ Pôn Pốt - I-êng Xa-ri - Khiêu Xam-phon, sau khi giành được chính quyền (ngày 17-4-1975), đã phản bội bạn bè, coi Việt Nam là kẻ thù số 1 và xua quân tấn công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Tây - Nam trong những năm 1977 - 1978. Việc Việt Nam đánh bại kẻ thù xâm lược trên biên giới Tây - Nam và giúp các lực lượng cách mạng của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia đứng lên lật đổ chế độ Pôn Pốt không những cứu nhân dân Cam-pu-chia thoát họa diệt chủng, mà còn đặt dấu chấm hết cho chương đen tối nhất trong lịch sử quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia.

 

Và từ đó, quan hệ đoàn kết, hữu nghị thủy chung trong sáng giữa hai dân tộc Việt Nam - Cam-pu-chia không chỉ được khôi phục mà là cơ sở quan trọng để hai nước cùng hợp tác phát triển. Cam-pu-chia và Việt Nam thường xuyên trao đổi các đoàn lãnh đạo cấp cao, tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các địa phương. Năm 2011, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2,829 tỷ USD (năm 2010 đạt 1,828 tỷ USD). Hai bên đang phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 5 tỷ USD. Nhiều hoạt động sôi nổi đã được long trọng tổ chức trên khắp các tỉnh, thành của hai nước trong năm 2012 - Năm Hữu nghị Cam-pu-chia - Việt Nam và kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

 

Đứng lên từ tro tàn của diệt chủng, người dân Cam-pu-chia đang nỗ lực tạo nên một diện mạo mới cho đất nước mình. Theo đánh giá của nguyên Đại sứ Việt Nam tại Cam-pu-chia Nguyễn Chiến Thắng, kể từ khi chế độ diệt chủng Pôn Pốt bị lật đổ cho đến nay, đất nước Cam-pu-chia không những “hồi sinh” mãnh liệt mà còn đang phát triển nhanh chóng về mọi mặt, từ kinh tế-xã hội đến chính trị, đối ngoại…

 

Kết quả đó, là tất yếu, đối với một dân tộc kiên cường như Cam-pu-chia. Nhưng nó cũng có một phần lớn công sức của những chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam. 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế tại Cam-pu-chia (1979-1989) với tinh thần vô tư, trong sáng, chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh, hết lòng vì sự nghiệp hồi sinh của đất nước bạn, chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam đã để lại những dấu ấn khó quên trong lòng người dân Cam-pu-chia. Ngày 7-1-1989, trong buổi gặp gỡ chuyên gia Việt Nam chuẩn bị về nước, Chủ tịch Hêng Xom-rin (Heng Samrin) đã nói: "Tổ quốc và nhân dân Cam-pu-chia đã khắc sâu vào trái tim mình, lịch sử đất nước Cam-pu-chia sẽ mãi mãi khắc bằng chữ vàng công ơn to lớn của các đồng chí chuyên gia, cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi nghĩa vụ quốc tế cao cả trên đất nước Cam-pu-chia".

 

Giờ đây, nhà tù Tuol Sleng, biệt danh trại S21 ở Phnôm Pênh và làng Choeung Ek mà báo chí đã đặt cho cái tên nổi tiếng là Cánh đồng chết, vẫn còn đó như để minh chứng cho tội ác diệt chủng “trời không dung, đất không tha” của chế độ Pôn Pốt. Mỗi lần nhớ lại dịp được đến thăm hai nơi này, ông Thắng đều không khỏi bùi ngùi xúc động. Những nơi đó vĩnh viễn là những “vết cắt” hằn sâu trong lịch sử của đất nước Chùa Tháp. Cũng chính vì thế, ông Thắng nói người Cam-pu-chia sẽ mãi trân trọng và tri ân những gì Việt Nam đã dành cho họ. Ông Thắng cũng nhớ mãi Thủ tướng Cam-pu-chia Hun Xen (Hun Sen), trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 10-2005, đã từng nói: “Tôi xin phép được bày tỏ lòng kính trọng đến nhân dân Việt Nam, những gia đình có cha mẹ, vợ chồng, anh em đã hy sinh trong sự nghiệp giúp đỡ sự hồi sinh của nhân dân Cam-pu-chia và tôi xin phép được khẳng định nếu không có ngày 7-1-1979, nhân dân Cam-pu-chia chúng tôi cũng không thể có được những gì trong ngày hôm nay. Đây là một chân lý lịch sử không một thế lực phản động nào có thể phủ nhận”.

 

Theo Lâm Toàn

Quân đội Nhân dân