Từ 10/10, luật sư ra tòa phải mặc đồng phục

Bộ trang phục chung vừa nâng cao hình ảnh và vị thế của luật sư, vừa góp phần làm không khí phiên tòa thêm nghiêm trang.

Kể từ hôm nay (10/10), giới luật sư bắt buộc phải mặc bộ trang phục chung thống nhất khi tham gia các phiên tòa. Nếu các luật sư vi phạm, giai đoạn đầu Liên đoàn Luật sư Việt Nam chủ yếu chỉ nhắc nhở nhưng về lâu dài sẽ có quy chế xử lý kỷ luật.

 

Đây là quy định bắt buộc của Liên đoàn Luật sư Việt Nam đối với các luật sư thành viên. Quy định này sẽ chấm dứt cảnh luật sư ăn mặc lộn xộn, mỗi người một kiểu khi tham gia phiên tòa.
 
Từ 10/10, luật sư ra tòa phải mặc đồng phục - 1


 

Đồng phục phù hợp khí hậu

 

Trước đây, tại phiên họp lần thứ IX diễn ra tại tỉnh Lâm Đồng, Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 11 ngày 7/3/2011, nội dung là đồng ý với tờ trình của Ban Thường vụ Liên đoàn về trang phục chung, thống nhất dành cho giới luật sư khi tham gia phiên tòa kể từ ngày 10/10.

 

Mối quan tâm lớn nhất của giới luật sư là trang phục chung, thống nhất phải phù hợp với thời tiết, khí hậu của từng vùng miền và của cả năm. Khí hậu ở các tỉnh miền Bắc có mùa đông rất lạnh, trong khi miền Nam quanh năm nóng và có độ ẩm cao. Do vậy, trang phục chung của luật sư phải đảm bảo được là mặc ấm vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè.

 

Theo mẫu chung của Liên đoàn Luật sư, trang phục cho luật sư nam và nữ đều cùng veston đen, áo sơ mi trắng do các luật sư tự may theo mẫu của Liên đoàn. Cà vạt màu xám lông chuột do Liên đoàn thống nhất may. Trên ngực trái của trang phục luật sư đeo huy hiệu có hình logo của Liên đoàn. Mùa đông, các luật sư phải mặc đủ cả bộ trang phục trên, còn mùa hè có thể không phải mặc áo veston.

 

Bước đầu chỉ nhắc nhở luật sư vi phạm

 

Luật sư Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho biết: Việc chọn ngày 10/10 để các luật sư bắt đầu mặc trang phục chung khi tham gia phiên tòa xuất phát từ ý nghĩa đó là ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh 46 (tháng 10/1945) về việc thành lập các tổ chức, các đoàn thể luật sư.

 

Theo ông Anh, đã từ lâu VKS và tòa án đều đã có trang phục thống nhất cho cán bộ ngành mình khi tham gia phiên tòa. Trong khi đó, giới luật sư lại chưa có trang phục chung nên nhiều lúc việc ăn mặc của một số luật sư còn chưa nghiêm túc. Do vậy, khi có trang phục chung, hình ảnh và vị thế của luật sư chẳng những được nâng cao mà còn góp phần làm cho không khí phiên tòa thêm nghiêm trang.

 

Ông Anh cho biết thêm đa số các đoàn đều đã triển khai đến các thành viên của mình về việc mặc trang phục chung. Với các đoàn có hoàn cảnh và điều kiện khó khăn chưa triển khai thì Liên đoàn sẽ xem xét, tìm nguyên nhân để cùng tháo gỡ. Trong giai đoạn đầu, Ban Thường vụ Liên đoàn chủ yếu nhắc nhở những luật sư không mặc trang phục chung theo quy định khi tham gia phiên tòa. Về lâu dài, Ban Thường vụ sẽ có văn bản quy định về việc xử lý trách nhiệm cụ thể nếu các luật sư vi phạm.

 

Đoàn Luật sư TPHCM đã từng thử nghiệm

 

Luật sư Trần Mỹ Thoa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết khoảng từ năm 2005, Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM đã vận động các luật sư thành viên cùng mặc một mẫu trang phục thống nhất chung cho cả nam và nữ. Trang phục dạng áo thụng có màu đen tuyền, cổ cao, có một cà vạt đính kèm (tháo rời được), bốn túi do Pháp Luật TPHCM phối hợp với nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh thiết kế.

 

Nhiều luật sư thích mẫu trang phục trên vì nó bảo đảm tính đặc trưng, thẩm mỹ, uy nghiêm nhưng cũng có một số luật sư trẻ không thích mặc vì cho rằng chất liệu vải chưa phù hợp, nóng. Do vậy, ban chủ nhiệm chỉ yêu cầu luật sư thành viên phải mặc trong các dịp lễ tổng kết, lễ công nhận luật sư… Còn ở các phiên tòa thì ban chủ nhiệm chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc luật sư thành viên mặc. Đến nay, khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã quyết định về bộ trang phục chung thống nhất trên phạm vi cả nước thì ban chủ nhiệm không còn yêu cầu các luật sư mặc bộ trang phục riêng này trong các dịp lễ hội nữa.

 

Việc triển khai tại một số đoàn luật sư

 

TPHCM: Theo luật sư Trần Công Ly Tao, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM, hiện ban chủ nhiệm đoàn chưa triển khai vấn đề này đến các luật sư thành viên.

 

Hà Nội: Theo luật sư Nguyễn Huy Thiệp, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội, ban chủ nhiệm đã thông báo đến các luật sư thành viên về việc mặc trang phục thống nhất khi tham gia phiên tòa. Liên đoàn Luật sư Việt Nam chỉ hỗ trợ cà vạt và huy hiệu nên các luật sư phải tự may trang phục theo mẫu. Do nhiều luật sư còn khó khăn nên ông Thiệp cho rằng nếu Liên đoàn có sự hỗ trợ thêm về quần áo cho các luật sư thì việc mặc trang phục bắt buộc sẽ được thực hiện tốt hơn.

 

Đà Nẵng: Luật sư Trần Cảnh Nhứt, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, cho biết ban chủ nhiệm đoàn đã triển khai thông báo cho các luật sư thành viên về mẫu trang phục thống nhất, thời gian mặc bắt buộc theo quy định. Liên đoàn Luật sư Việt Nam cũng đã hỗ trợ cho các luật sư cà vạt và huy hiệu, còn về trang phục thì các luật sư tự may theo mẫu. Tuy nhiên, ông Nhứt cũng cho biết thêm hiện do nhiều nguyên nhân khách quan nên chưa thể bắt buộc các luật sư phải mặc ngay trang phục chung theo yêu cầu được.

 

Cần Thơ: Theo luật sư Nguyễn Viết Bình, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, cũng như các đoàn luật sư khác, hiện Đoàn Luật sư TP Cần Thơ đã nhận được đầy đủ cà vạt, huy hiệu do Liên đoàn Luật sư hỗ trợ. Do chưa có hướng dẫn cụ thể từ Liên đoàn về hình thức cũng như mức độ xử lý nên ban chủ nhiệm sẽ chỉ kiểm tra và nhắc nhở nếu các luật sư vi phạm.

 

Theo Hồng Tú

 Pháp luật TPHCM