TPHCM:

Truy trách nhiệm liên đới trong các vụ tai nạn giao thông chết người

(Dân trí) - Tại hội nghị sơ kết Công tác đảm bảo an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2015, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín yêu cầu không chỉ khởi tố lái xe mà phải xác định trách nhiệm liên đới của chủ doanh nghiệp, đơn vị cấp phép bằng lái, đơn vị đăng kiểm...

Truy trách nhiệm liên đới trong các vụ tai nạn giao thông chết người
Hiện trường vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng làm chết 5 người vừa xảy ra ngày 31/5 tại quận Thủ Đức (ảnh Đình Thảo)

Xác định trách nhiệm liên đới

Theo báo cáo của Ban ATGT TPHCM, từ tháng 12/2014 đến ngày 15/5/2015, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.454 vụ tai nạn giao thông, làm chết 293 người và bị thương 1.270 người. So với cùng kỳ năm 2014, số vụ giảm 328 vụ; số người chết không tăng – không giảm và số người bị thương giảm 335 người.

Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn thành phố lại xảy ra liên tiếp nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có liên quan đến container, xe rơ-moóc và xe tải gây hoang mang, bức xúc trong dư luận. Về vấn đề này, lãnh đạo UBND TP yêu cầu phải mở rộng điều tra, xác định trách nhiệm liên đới của các đối tượng khác chứ không chỉ của lái xe.

Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP yêu cầu làm rõ trách nhiệm của cơ quan kiểm định, không để xảy ra tình trạng xe mất thắng, hư hỏng mà vẫn được phép lưu thông, gây tai nạn giao thông. “Cơ quan đăng kiểm không chỉ có việc nhận tiền rồi cấp giấy”, ông Lê Hoàng Quân đặt ra câu hỏi liệu cơ quan kiểm định có làm việc nghiêm túc, chủ doanh nghiệp có móc ngoặc với cơ quan đăng kiểm để kiểm tra sơ sài?

Để có cơ sở pháp lý làm việc này, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở - ngành liên quan sớm ban hành quy chế quản lý các hình thức vận tải. Đặc biệt, HTX phải chịu trách nhiệm khâu tuyển chọn lái xe, không thể để “lọt” các tài xế sức khỏe yếu, dùng chất kích thích (ma túy, chất gây nghiện), nghiện bia rượu hoặc sử dụng bia rượu trong khi điều khiển phương tiện, không thể sử dụng lao động mà không biết, không thể phủi trách nhiệm.

Triển khai cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo Sở Tư pháp cùng các sở ngành liên quan xây dựng quy chế quản lý hình thức vận tải, các phương tiện tham gia giao thông để trình UBND TP ban hành ngay trong tháng 7. Trong đó, quy định rõ chế tài cụ thể, trách nhiệm của đối tượng liên quan như đăng kiểm, doanh nghiệp, đơn vị cấp giấy phép lái xe.

Không có tình trạng “xe vua”

Cũng theo báo cáo của Ban ATGT TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2015, tình trạng ùn ứ giao thông hiện nay diễn biến hết sức phức tạp, đã xảy ra 13 vụ ùn ứ (tăng 5 vụ so với cùng kỳ 2014). Hiện tượng xe “dù”, bến “cóc” và tình trạng xe quá tải chưa được giải quyết triệt để.

Liên quan đến phản ánh của báo chí về hiện tượng “xe vua” được bảo kê, gắn logo thương hiệu để né trạm cân, thách thức công luận, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín yêu cầu Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt (PC67), Công an thành phố làm rõ vấn đề này.

Đại tá Trần Thanh Trà – Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TPHCM khẳng định không có bảo kê hay “xe vua” nào cả. Theo ông, ở TPHCM không có “vùng cấm”, tất cả các phương tiện vi phạm đều bị xử lý, xe quá tải thì đều bị bắt, buộc hạ tải, giữ giấy tờ, không có chuyện có logo thì cho qua. Ông cũng khẳng định thời gian qua, xe quá tải tại các cửa ngõ đã giảm nhiều, thời gian tới sẽ tiếp tục mua thêm cân để xử lý xe quá tải tại cửa ngõ ra vào thành phố.

Kết thúc hội nghị, ông Nguyễn Hữu Tín yêu cầu các đơn vị, cơ quan chức năng có thẩm quyền trong tay thì phải biết phát huy để xử lý sai phạm. Ông Nguyễn Hữu Tín nhấn mạnh: “Ban ATGT TP cùng các đơn vị lập đoàn đi kiểm tra cụ thể để xác định lỗi của ai, xử lý rồi xem xét trách nhiệm. Trong năm 2015 phải dứt điểm xe quá tải, tình trạng bến “cóc”, xe “dù”.

Quốc Anh