Thanh Hóa:

Trường lớp thiếu, chợ tiền tỷ bỏ hoang

(Dân trí) - Một khu chợ khang trang rộng rãi nằm giữa trung tâm xã nghèo nhưng hơn 2 năm nay không hoạt động. Chợ tiền tỷ xây xong chỉ để... thả bò. Trong khi nhiều trường học của xã còn thiếu thốn về cơ sở vật chất.

Nhằm hỗ trợ những xã thuộc khu vực vùng bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn, Chính phủ đã thực hiện Chương trình 257, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã bãi ngang ven biển như: chợ, đường ra biển, bến cá. Xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa cũng đã lập kế hoạch xây dựng khu chợ với tổng kinh phí dự toán lẫn phát sinh lên đến 1,8 tỷ đồng.

Trường lớp thiếu, chợ tiền tỷ bỏ hoang    - 1
Chợ Quảng Thạch

Chợ được khởi công xây dựng từ năm 2008 đến cuối năm 2009 hoàn thành. Nhìn khu chợ khang trang, tọa lạc trên diện tích 4.000m2, nằm ngay giữa trung tâm xã ai cũng vui mừng tin tưởng vào sự khấm khá của quê hương.

Sau khi chợ được xây dựng xong, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân và tiểu thương vào chợ buôn bán. Tuy nhiên chỉ được vài tháng người dân lại trở về với “chợ quê” dọc các con đường dưới những tấm bạt được che tạm. Trong khi đó khu chợ mới khang trang chỉ để cho trâu bò vào ăn ở và thải bận. Mới đây, UBND xã đã cho khóa trái cửa lại để bảo vệ chợ.

Để “tận dụng” mặt bằng hàng tỷ đồng đang bị bỏ hoang, xã đã “linh hoạt” cho Công ty Khoát Long đấu thầu lại với mục đích cứu vãn tình thế. Nhưng cũng chỉ được một thời gian ngắn, chợ vẫn “vắng như chùa bà Đanh”. Sau đó, công ty này đã chuyển sang làm cơ sở may mặc, trái mục đích sử dụng. Khi UBND huyện Quảng Xương phát hiện đã buộc xã Quảng Thạch thanh lý hợp đồng với Công ty Khoát Long.

Trường lớp thiếu, chợ tiền tỷ bỏ hoang    - 2
Trâu bò vào thải bậy đầy chợ.
 
Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Nguyễn Đức Tại, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Thạch, là do khu vực này còn ít dân cư, những người kinh doanh còn ít, hàng hóa chưa đa dạng, người ngoài muốn vào đây kinh doanh thì trái đường. Hơn nữa chỉ cách khu chợ này hơn 200 là chợ Quảng Nham đã có truyền thống lâu đời, người dân đã quen kiểu mua bán chợ quê nên ngại thay đổi.

Trong khi đó, cũng theo lãnh đạo địa phương, hiện xã Quảng Thạch còn thiếu 6 phòng học của cấp mầm non và 6 phòng của cấp tiểu học; hệ thống giao thông nông thôn vẫn chưa hoàn chỉnh. Gần 10 năm qua, chính quyền “tích cực” thu tiền đóng góp của dân để xây dựng trường mà vẫn chưa đủ.

Trường lớp thiếu, chợ tiền tỷ bỏ hoang    - 3

Trường lớp thiếu, chợ tiền tỷ bỏ hoang    - 4
Người dân ngồi ven đường "kinh doanh"

Được biết, xã Quảng Thạch là xã bãi ngang ven biển đặc biệt khó khăn. Toàn xã có 1.300 hộ dân với 6.500 nhân khẩu, hiện còn chiếm 34,1% số hộ nghèo. Chủ trương xây dựng chợ là để thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời để tạo thành một chuỗi liên kết kinh tế với khu kinh tế Nghi Sơn.

Dù sau khi xây dựng xong chợ, chính quyền địa phương đã dành những ưu đãi nhất định như không thu phí kinh doanh, buôn bán đối với các tiểu thương; nhưng vẫn không ai vào chợ buôn bán, khiến tiền tỷ của Nhà nước đầu tư bị lãng phí.

“Hiện tại chính quyền địa phương chỉ còn biết lập tờ trình xin chuyển đổi hình thức quản lý theo hai cách. Một là cho thành lập hợp tác xã quản lý chợ. Hai là kêu gọi tư nhân đứng ra đầu tư, thu hút tiểu thương. Tuy nhiên hai cách làm này cũng không mấy khả quan”, ông Tại cho biết.

Trao đổi với Dân trí, ông Nguyễn Thanh Nhân, Trưởng phòng Công thương huyện Quảng Xương lý giải: “Khi xây dựng chợ xuất phát từ nhu cầu của địa phương, xã trình hồ sơ lên huyện, huyện trình lên tỉnh, còn nguồn vốn là từ Chương trình 257 của Chính phủ. Các chợ khác vẫn hoạt động bình thường, nhưng ở đây là do cách quản lý của địa phương. Hơn nữa, không có ông chủ nào đứng ra để làm cả thì rất khó”.

Trường lớp thiếu, chợ tiền tỷ bỏ hoang    - 5
Tiền tỷ của Nhà nước để phơi sương

Liên quan đến trách nhiệm trong vấn đề này, ông Nhân khéo léo: “Trách nhiệm không của riêng ai mà của nhiều người, nhiều cấp, nhiều ngành từ dưới lên trên. Đầu tiên là xã, huyện rồi đến tỉnh, có khi là cả Trung ương nữa”.

Đây không chỉ đơn giản là vấn đề một khu chợ bỏ hoang, mà thể hiện rõ sự yếu kém trong khâu quản lý, rà soát và đánh giá hiệu quả của các công trình phục vụ dân sinh từ nguồn vốn của Nhà nước. Liệu có phải “cha chung không ai khóc” hay vì “trách nhiệm không của riêng ai” nên tình trạng này cứ tồn tại kéo dài?

Duy Tuyên