1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Tĩnh:

Trường học thấp thỏm lo sống cạnh cây xăng

(Dân trí) - Gần 500 học sinh và giáo viên trường THCS Chu Văn An (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) ngày ngày phải dạy và học trong khuôn viên chật hẹp, ô nhiễm vì mùi xăng dầu và thấp thõm nỗi lo vì ẩn họa bồn xăng của cây xăng dầu nằm sát vách…

“Hiểm họa bồn xăng”

Đầu năm học 2007, Công ty Thương nghiệp Hương Khê (gọi là Cty Hương Khê, nay là Công ty TNHH Hoàng Ngọc) cho xây một bồn chứa xăng dầu bên cổng dẫn vào trường THCS Chu Văn An. Bất bình về việc này, Ban giám hiệu và Hội phụ huynh trường đã làm tờ trình gửi lên các cơ quan chức năng đề nghị can thiệp nhưng không có kết quả. Từ đó, thầy trò trường Chu Văn An bắt đầu sống chung với ô nhiễm xăng dầu.

“Chúng em ngồi học mà mùi xăng dầu nồng nặc lắm, khổ nhất là mùa hè và giờ học thể dục ngoài sân trường. Nhiều hôm đang học, gió thổi mang theo mùi xăng dầu vào lớp, không ít lần, nhiều bạn nôn ói giữa giờ học vì say xăng. Ngồi học bên cây xăng cũng… run lắm” – một học sinh ta thán.

Thầy Trần Quốc Tuấn, giáo viên môn Thể dục phân trần: “Dù biết học bên bồn chứa xăng sẽ ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh nhưng nhà trường không còn cách nào khác”. Trưởng hội Phụ huynh học sinh trường Chu Văn An Phan Văn Dinh cũng không giấu lo lắng về môi trường học hành của con em. Ông Dinh cho biết đã Hội Phụ huynh đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị lên UBND huyện Hương Khê về vấn đề này nhưng không được quan tâm thích đáng.

Hiệu trưởng nhà trường, thầy Lê Hữu Cảnh đặt câu hỏi về lý do kiến nghị, tờ trình đã gửi nhiều nhưng UBND thị trấn cũng như huyện Hương Khê vẫn “phớt lờ” các văn bản đó. gửi liên tiếp. “Việc gần 500 em học sinh và giáo viên dạy và học bên cây xang là rất ô nhiễm và nguy hiểm đến tính mạng khi có sự cố xẩy ra” – thầy Cảnh bức xúc.

Trường học thấp thỏm lo sống cạnh cây xăng - 1
Thầy Lê Hữu Cảnh – Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An.

Trường điểm “khát” đất

Theo thầy Cảnh, nghịch lý khó chấp nhận là trường đang thiếu quỹ đất để phục vụ việc dạy và học nhưng phần đất nằm cạnh bên trường lại được các cơ quan chức năng cho thuê làm nơi kinh doanh buôn bán. Thầy Cảnh phân trần nỗi khó, “khát” quỹ đất của trường.

Trường THCS Chu Văn An là một trong những “trường điểm” của huyện Hương Khê cũng như tỉnh Hà Tĩnh, đang được “quy hoạch” xây dựng thành trường chuẩn quốc gia nhưng cơ sở vật chất khó khắc phục.

Theo quy định, một ngôi trường có 426 đến 480 học sinhthì phải có diện tích tối thiểu là 5.100m2 – 5.700m2. trường THCS Chu Văn An có gần 500 học sinh nhưng hiện tại trường THCS Chu Văn An mới chỉ có 3.536m2. Hiện nay, nhà trường đang thiếu 4 phòng học, khu nhà hiệu bộ, nhà và sân tập môn học thể dục.

Ban giám hiệu nhà trường đã gửi hàng chục tờ trình “xin đất” nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Điều đáng nói, trong khi nhà trường quá “khát” thì khu đất gần 1.800m2 nằm cạnh ngôi trường này lại được cho các cá nhân, doanh nghiệp thuê làm nơi buôn bán.
 
Trường học thấp thỏm lo sống cạnh cây xăng - 2
Thiếu quỹ đất nên thầy và trò trường THCS Chu Văn An phải dạy và học môn thể dục trong khuôn viên trường chật hẹp và ô nhiễm
Bản kiến nghị mới đây gửi UBND huyện Hương Khê và tỉnh Hà Tĩnh, BGH nhà trường nêu rõ: Hiện Cty Hương Khê đang làm thủ tục bán khu đất sát trường cho chủ khác, chắc chắn sẽ gây ô nhiễm môi trường và gây nhiều ảnh hưởng lớn khác đến việc giảng dạy và giáo dục học sinh. BGH trường đề nghị lãnh đạo cơ quan chức năng sớm thu hồi phần đất này và cấp cho trường, chứ không được bán cho doanh nghiệp hay cá nhân khác.  
 
Sau kiến nghị này, UBND huyện Hương Khê đã tổ chức cuộc họp để bàn về vấn đề giải quyết nhưng đại diện nhà trường cho biết nội dung cuộc họp đó chủ yếu xoay quanh vấn đề kinh doanh của Cty Hoàng Ngọc, đơn vị mua lại cây xăng của Cty Hương Khê. Vấn đề của trường Chu Văn An không được quan tâm.

“Có tiền đền bù cũng chưa thể thu hồi đất giao trường”

Đối lập với nỗi “khát” đất của trường, nhiều ki ốt nằm trên lô đất giao cho doanh nghiệp lại bị chủ thương bỏ trống không kinh doanh buôn bán.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Khê Lê Ngọc Minh chia sẻ với bức xúc của trường Chu Văn An. Ông Minh cho biết, phòng đã nhiều lần lần kiểm tra thực tế tình trạng thiếu quỹ đất tại trường, cũng đã không ít lần đề xuất UBND huyện Hương Khê thu hồi lại phần đất của Cty Hương Khê và cấp cho nhà trường phục vụ giảng dạy. Kiến nghị đó không những không được xem xét mà hiện phần đất lại được giao cho một doanh nghiệp khác sử dụng, kinh doanh.

Phản hồi bức xúc, ông Lê Trần Sáng – Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê khẳng định huyện đã yêu cầu CTy Hoàng Ngọc làm báo cáo đánh giá tác động môi trường việc sử dụng khu đất nói trên trình lên Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN-MT và các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra xác định mức độ ô nhiễm.

Trường học thấp thỏm lo sống cạnh cây xăng - 3
"Giờ chưa phải thời điểm để thu hồi đất"?

“Nếu chưa đảm bảo thì yêu cầu phải thực hiện các biện pháp để đảm bảo khi kinh doanh xăng dầu không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và nhà trường” – ông Sáng cho rằng hiện chỉ giải quyết được đến thế.

Còn về việc trường THCS Chu Văn An “xin đất”, ông Sáng lý giải: “Sở dĩ phần đất đó được chuyển sang cho CTy Hoàng Ngọc vì khu đất đó đã được tỉnh giao cho CTy Hương Khê kinh doanh trong vòng 50 năm. UBND huyện không thể tịch thu để bàn giao cho trường Chu Văn An”.

Phó Chủ tịch huyện “than khó”, dù biết yêu cầu của trường là chính đáng nhưng việc kinh doanh của doanh nghiệp cũng quan trọng vì mang lại một nguồn thuế cho huyện. Hơn nữa, giá trị tài sản trên đất tới 1,2 tỷ đồng, thu hồi thì phải đền bù nhưng ngân sách huyện đang khó khăn nên việc này chưa thể thực hiện được.

Trước thông tin trường THCS Chu Văn An có thể bỏ ra 1,2 tỷ đồng trong số gần 5 tỷ đồng được các tổ chức tài trợ để giải quyết việc đền bù này, ông Sáng lại cho rằng giờ chưa phải là thời điểm để thu hồi phần đất đó.

Đặng Tài – Văn Dũng