Ninh Thuận:

Trưng bày 100 bản đồ khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam

(Dân trí) - Sáng nay 7/8, tại TP Phan Rang – Tháp Chàm, Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Ninh Thuận khai mạc Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”.

100 bản đồ khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam ở “xứ sở nho”

Đây là cuộc triển lãm tư liệu, bản đồ về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lần đầu được tổ chức tại tỉnh Ninh Thuận – vùng đất được mệnh danh là “xứ sở của nho”.

Theo Bộ TT&TT, triển lãm tại Ninh Thuận là tập hợp các nguồn tư liệu đã được công bố từ trước tới nay gồm văn bản, hiện vật, ấn phẩm và gần 100 bản đồ của các nhà nghiên cứu, học giả trong nước và quốc tế.

Trong đó, đáng chú ý là 4 cuốn atlas do nhà Thanh và Chính phủ Trung Hoa Dân quốc xuất bản, gồm: Trung Quốc địa đồ (xuất bản năm 1908); Trung Quốc toàn đồ (xuất bản năm 1917), Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1919) và Trung Hoa bưu chính dư đồ (xuất bản năm 1933). Các atlas này là sản phẩm của chương trình thiết lập bản đồ bưu chính do nhà Thanh vạch ra vào năm 1906 và được Chính phủ Trung Hoa Dân quốc kế tục vào các năm sau đó. Các bản đồ được lập chi tiết ở từng tỉnh, thể hiện rõ các con đường vận chuyển thư từ, công văn trong các tỉnh, thành của Trung Quốc. Nơi nào không thuộc lãnh thổ Trung Quốc thì không được thể hiện trên các bản đồ trong atlas. Cương giới cực Nam của Trung Quốc trong các atlas này luôn chỉ giới hạn đến đảo Hải Nam, mà không hề nhắc đến Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngoài ra, một tư liệu đáng quan tâm nữa là bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen (1795-1869), nhà địa lý học người Bỉ, người sáng lập Viện địa lý Hoàng gia Bỉ biên soạn, gồm 6 tập: Châu Âu (tập 1), Châu Á (tập 2), Bắc Mỹ (tập 3), Nam Mỹ (tập 4), Châu Phi (tập 5) và Châu Úc (tập 6), xuất bản tại Bruxelles (Bỉ) vào năm 1827. Theo đánh giá của Bộ TT&TT đây là “một tài liệu vô giá”, không chỉ về mặt học thuật, mà còn là một tài liệu có giá trị pháp lý góp thêm vào bộ hồ sơ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Tại lễ khai mạc, Bộ TT&TT đã quyết định trao toàn bộ bản đồ, tư liệu nói trên cho tỉnh Ninh Thuận lưu giữ và tiếp tục tổ chức triển lãm. Sáng 7/8, triển lãm đã thu hút đông đảo cán bộ và nhân dân địa phương đến tham quan, tìm hiểu. Triển lãm kéo dài đến ngày 11/8. Một số hình ảnh do PV Dân trí thực hiện tại triển lãm:

 

Những bằng chứng vững chắc khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam
Những bằng chứng vững chắc khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam
Bản đồ tỉnh Quảng Đông với phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam
Bản đồ tỉnh Quảng Đông với phần lãnh thổ cực nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam
Bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen (1795-1869), nhà địa lý học người Bỉ, người sáng lập Viện địa lý Hoàng gia Bỉ biên soạn được xem là
Bộ Atlas Universel do Philippe Vandermaelen (1795-1869), nhà địa lý học người Bỉ, người sáng lập Viện địa lý Hoàng gia Bỉ biên soạn được xem là "tài liệu vô giá" được lưu trong hộp kính
Các chiến sĩ Hải quân tham quan triển lãm
Các chiến sĩ Hải quân tham quan triển lãm
Bộ TT&TT trao tư liệu, bản đồ triển lãm cho tỉnh Ninh Thuận lưu giữ và tiếp tục tổ chức triển lãm tại địa phương
Bộ TT&TT trao tư liệu, bản đồ triển lãm cho tỉnh Ninh Thuận lưu giữ và tiếp tục tổ chức triển lãm tại địa phương.

Viết Hảo